(VietNamNet) - Bây giờ bắt tay vào làm đã là quá chậm, nên không thể chần chừ nhưng cũng không thể vội vàng. Đứa trẻ sinh ra phải đủ 9 tháng 10 ngày, không thể bắt 9 bà mẹ mỗi bà có mang một tháng rồi đẻ được đứa con được!
NSND Trọng Khôi. |
Dù cách tổ chức liên hoan sân khấu xã hội hóa (XHH) lần này được coi là có nhiều điểm mới nhưng nhiều người vẫn băn khoăn không biết sau liên hoan các đoàn có sống được không hay vẫn chỉ nhận huy chương, giải thưởng và "giao lưu học hỏi” rồi đâu lại vào đấy?
- Chúng ta muốn được nhìn nhận sân khấu xã hội hóa đúng như những gì đang diễn ra (rạp hát, vở diễn, ê kíp thực hiện, khán giả…), để từ đó chắt lọc những kinh nghiệm cho việc tạo ra một mô hình sân khấu XHH thống nhất trong toàn quốc, XHH cả các đoàn nghệ thuật của nhà nước.
Mỗi giai đoạn thì XHH sẽ có những đặc điểm khác nhau, tùy thời điểm lịch sử, nên không thể lặp lại như cũ mà phải tiến bộ hơn, đa dạng hơn, phát triển hơn, sinh động hơn. Đó là công việc nhà nước phải làm, vì chính nhà nước, chứ không phải chỉ tổ chức liên hoan cho các đoàn có chỗ gặp nhau và thi tài. Bây giờ bắt tay vào làm đã là quá chậm, nên không thể chần chừ nhưng cũng không thể vội vàng. Đứa trẻ sinh ra phải đủ 9 tháng 10 ngày, không thể bắt 9 bà mẹ mỗi bà có mang một tháng rồi đẻ được đứa con được!
Tại sao lại là "công việc nhà nước phải làm, vì chính nhà nước" mà không phải là công việc của chính các đoàn diễn, vì công chúng? Đến thời điểm này, XHH sân khấu dường như là hướng đi duy nhất có thể, là việc không thể không làm, bởi sân khấu được nhà nước bao bọc (tiền thì ít mà cơ chế lại chặt) quá lâu nên ngày càng trì trệ, công chức?
- Sân khấu XHH có những ưu điểm rõ rệt như việc các vở diễn bắt được thị hiếu công chúng, rồi cách marketting để đưa sản phẩm tiếp cận với người xem. Cứ nhìn cách Idecaf bỏ ra cả trăm triệu đồng để quảng cáo cho vở kịch thiếu nhi “Cậu bé rừng xanh”, nhưng vở diễn thu được hơn 1 tỷ đồng là hiểu. Bởi họ phải bỏ tiền túi ra làm nên phải sử dụng tiền rất hiệu quả, năng động. Họ xông xáo, nhiệt tâm hơn vì gắn liền với sinh mạng và thu nhập của họ, nếu không thì phá sản. Còn sân khấu được bao cấp như ngoài Bắc trước đây thì không mấy quan tâm đến những điều này, bởi diễn được thì tốt mà không được cũng chẳng sao. Tiền đầu tư là của nhà nước nên vẫn nhiều vở vẫn theo dạng “cho khán giả xem gì thì họ được xem cái đó”,
Ngay với các nghệ sĩ cũng thế, một giờ làm việc của các nghệ sĩ XHH cũng hiệu quả hơn. Bởi họ phải tập trung làm vở nhanh hơn, không thể ê a hay trì hoãn. Còn nghệ sĩ nhà nước thì ngoài những người chân chính, còn lại thì lên sàn diễn cho có. Họ bận những việc riêng, chứ không tập trung cho đam mê sáng tạo, day dứt cho nhân vật.
Với sân khấu phía Bắc, vốn đang được nhà nước “chăm bẵm”, liệu có thể XHH ngay không? Đâu là những lực cản? Ông có những ý tưởng gì đột phá? Còn các đoàn XHH phía Nam, nhà nước nên có hình thức hỗ trợ gì để khuyến khích và đẩy mạnh xu hướng này?
- Tôi có rất nhiều ý tưởng, nhưng có lẽ nên chờ sau khi tổng kết liên hoan XHH lần này. Bộ VHTT đang chủ trương xã hội hóa dần cả các đoàn chuyên nghiệp. Các tỉnh cũng đã có dự kiến sẽ thu hẹp các đoàn nhà nước lại, còn lại thì xã hội hóa.
Thuận lợi rất lớn cho các đoàn phía Bắc là đã có cơ sở vật chất của nhà nước đầu tư, có rạp, có trang thiết bị âm thanh ánh sáng, có phương tiện vận chuyển, những đầu tư tiền tỷ. Trong khi các đoàn phía Nam tự thành lập thì phải bỏ tiền thuê rạp, mua âm thanh ánh sáng, nên họ phải nghĩ đến sự an toàn của đồng vốn, phải có lãi; thì phía Bắc rất nhiều đoàn đã có một cơ ngơi sẵn sàng của “bố mẹ” cho, giờ có thể độc lập để "kiếm sống". Nếu làm khéo ra thì XHH phía Bắc sẽ thành công.
Nhưng lực cản lớn nhất là nếu không xóa được sự trì trệ trong tư duy thì sẽ dẫn nhau đến phá sản. Được bao cấp lâu nên còn thiếu tính năng động trong từng con người làm việc, thậm chí thiếu cả tính nghệ sĩ vì đã thành công chức - nghệ sĩ.
Sẽ rất cần một sự kết hợp để có chính sách XHH chung trong toàn quốc. Nên chăng với các đoàn phía Nam, chưa có cơ sở vật chất thì nhà nước có hỗ trợ bằng cách cho thuê rạp với giá hợp lý, hay cho vay vốn để bắt đầu kinh doanh, thậm chí tham gia như một cổ đông góp vốn bằng rạp hát, theo kiểu "nhà nước và nhân dân cùng làm". Như thế phần chỉ đạo sẽ chặt chẽ hơn, và có trách nhiệm hơn, chứ không phải theo kiểu "một bên con đẻ (các đoàn nhà nước), một bên con nuôi".
Còn rất nhiều ý tưởng có thể thực hiện. Chẳng hạn, phần lớn các rạp trong Nam là thuộc sở Văn hóa, hay là các Trung tâm văn hóa của quận, nay cho các đoàn XHH thuê. Vậy thì với phía Bắc cũng có thể đầu tư cho cơ sở vật chất của quận có giá trị để biểu diễn, đảm bảo hình thức nghệ thuật nghiêm chỉnh. Như thế trung tâm mỗi quận, mỗi khu vực dân cư sẽ có rạp, không phải đi xa. Các đoàn có thể đến đó đăng ký thuê rạp, không nhất thiết một đoàn chỉ diễn ở một địa điểm, mà có thể mỗi mùa diễn một quận để khán giả nơi đó có dịp đi xem cho thuận tiện hơn? Thậm chí, trung tâm văn hóa quận có thể tham gia như một cổ đông với các đoàn XHH.
Rồi sẽ có nhiều hình thức tiếp thị, như có mạng lưới khán giả từng khu vực. Tại mỗi trung tâm văn hóa có kiốt bán vé cho tất cả các nơi, như kiểu bán vé hàng không hay đường sắt vậy. Có thể bán vé cả năm cho một đại gia, ghế có gắn tên, bên cạnh có tấm bảng vinh danh người đóng góp, người đó không đến thì ghế cũng không ai ngồi. Rồi có hình thức giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư cho nghệ thuật?
Rồi sẽ có những nghiệp đoàn (nghiệp đoàn sân khấu, nghiệp đoàn điện ảnh), hiệp hội các nghệ sĩ... Như thế nghệ sĩ sẽ được bảo vệ, khi thất nghiệp thì có tiền trợ cấp, còn khi làm việc thì đóng tiền cho nghiệp đoàn, một hình thức như bảo hiểm vậy.
Kế hoạch bao giờ sẽ XHH các đoàn, các nhà hát của trung ương và địa phương nằm ở phía Bắc, cụ thể là trên địa bàn Hà Nội, thưa ông?
- Bộ Văn hóa đã có những chủ trương để nhắc nhở các tỉnh, và trong tương lai gần sẽ chuyển một số đoàn chuyên nghiệp sang XHH, có thể chỉ sang năm. Nhiều tỉnh sẽ chỉ giữ đoàn chèo, còn các đoàn kịch, cải lương, múa rối... sẽ XHH dần.
Trên địa bàn Hà Nội, tôi nghĩ cũng sẽ như thế. Theo tôi được biết, hai đơn vị đã được chọn để thí điểm XHH là Nhà hát tuổi trẻ trung ương và Nhà hát ca múa nhạc nhẹ trung ương. Với hai đơn vị này tình hình biểu diễn khá tốt, với cơ sở vật chất đã được trang bị, giờ sẽ chuyển dần sang XHH. Tất nhiên không phải là chuyển ngay lập tức mà có thể giảm dần từ 100% vốn để hoạt động xuống 75%, 50%, 25%...
Đúng là XHH sẽ tạo sự năng động, tạo ra nhiều vở diễn đáp ứng thị hiếu khán giả. Nhưng liệu đó có phải là mục đích tối cao của nghệ thuật nói chung, và nghệ thuật sân khấu nói riêng? Làm sao có được những tác phẩm nghệ thuật lớn, những tác phẩm để đời?
- Sân khấu XHH như cách của TPHCM hiện nay đều bắt đầu từ hai bàn tay trắng nên phải từ "mèo nhỏ bắt chuột con". Chủ yếu họ dựng những vở nhỏ gọn, ít tốn kém; chưa thể đụng đến những vở lớn, kinh điển của thế giới vì quá tốn kém nên không đủ lực, lại rủi ro vì không phải thị hiếu của số đông công chúng?
Còn ở phía Bắc thì có dựng đấy, nhưng cũng chưa ra gì, vì đầu tư cũng chưa đủ lớn (do dàn trải), và không phải đồng tiền của mình nên cũng chưa xót, dựng ra chưa có kết quả. Nếu cũng đồng tiền đó mà giao cho đoàn XHH có khi kết quả tốt hơn?
Nếu số lượng đoàn nhà nước giảm đi, nhà nước không phải đầu tư quá dàn trải thì sẽ tập trung được cho những vở lớn?
- Thử so sánh, một bên thì chỉ đầu tư 500 triệu đồng khi có những dự án xứng tầm, còn một bên thì đầu tư cả 50 tỷ đồng để rải khắp nơi. Đã có chính sách với các nhà hát do nhà nước quản lý, nếu có dự án lớn thì sẽ được giúp đỡ, tài trợ. Chẳng hạn muốn dựng một vở lớn như Cleopatra, hay như sắp tới mà có dự án dựng vở ra trò, xứng đáng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì đưa trình kịch bản, trình ý tưởng sáng tạo, dự kiến ê kíp thực hiện, tiền sáng tác bao nhiêu, tập luyện bao nhiêu, quảng cáo bao nhiêu... rồi trình lên để xin nhà nước duyệt hỗ trợ. Nếu được duyệt thì sẽ được cấp kinh phí, 500 triệu đồng chẳng hạn.
Nhà nước đã có hướng đó, chính sách đã có mấy năm nay, rất mong chờ các đề án nhưng vẫn chưa ai có ý đồ, dự án đủ lớn để xin tài trợ mấy trăm triệu như thế cả. Sắp tới sẽ phải mở rộng ra các đoàn XHH tạo được thương hiệu và sự tín nhiệm của công chúng, với cách đó thì các đoàn XHH mới dám làm vở lớn.
Việc đầu tư cho những vở diễn lớn, nên chăng nhà nước thay vì thụ động chờ các đoàn trình dự án thì đặt hàng các vở diễn lớn theo ý tưởng, rồi các đơn vị - cả XHH và nhà nước - trình ý tưởng, kịch bản... theo dạng đấu thầu, đơn vị nào “thắng thầu” thì sẽ được dựng?
- Ta đã làm cách đó đấy chứ, như bên điện ảnh đấy, nhưng có ra được tác phẩm nào xứng tầm đâu? Sáng tác nghệ thuật là chặng đường rất gian nan, nên thường các tác giả có chút khả năng thì khi viết kịch bản họ đã nhắm sẵn là nơi nào sẽ dựng rồi. Bao lần nhà nước đặt hàng các phim lớn đấy, nhưng rồi có được đâu? Rất cần những nhà viết kịch có tầm nhìn vượt qua lịch sử, như Nguyễn Đình Thi chẳng hạn.
Cũng rất cần những người quản lý nghệ thuật mang tinh thần “nâng niu, chăm chút” cho những mầm non sáng tạo, đột phá. Nếu một tác phẩm ra trước công chúng mà giống chiếc cày đẽo giữa đường, mỗi người góp ý một câu thì vo tròn hết, bào mòn cá tính, rất khó còn cá tính sáng tạo của cá nhân, của tập thể. XHH thì phải khuyến khích mọi hình thức, mọi phong cách, để mỗi đoàn có người chỉ đạo nghệ thuật riêng quyết định hướng đi của đoàn, như một tổng đạo diễn để các đạo diễn của đoàn đó sẽ phải chạy theo quỹ đạo của tổng đạo diễn.
Tôi vẫn nghĩ, cách ta duyệt vở từ kịch bản văn học sẽ hạn chế vở diễn hay, bởi từ kịch bản đến vở diễn thật vô cùng khác nhau. Một vở Hamlet mà mỗi nước làm một khác, thậm chí trong một nước thì mỗi đạo diễn khai thác một khía cạnh khác nhau, kể cả lược bớt khía cạnh khác đi để tập trung vào điều họ muốn nói với khán giả. Với cùng một tác phẩm văn học kịch giá trị, nếu đạo diễn tồi thì có thể thành rất tồi, với đạo diễn giỏi thì thành rất tốt. Ta duyệt từ kịch bản sẽ khiến vở diễn bị vo tròn? Sao không chỉ duyệt thành quả cuối cùng là vở diễn?
- Xin cảm ơn ông.
Khánh Linh (thực hiện)