(VietNamNet) - Một vở diễn chi phí chỉ 20 triệu đồng mà ông Lê Duy Hạnh gọi là "niềm đam mê có phần mù quáng", chắc hẳn được đánh giá cao hơn vở diễn kinh phí 200 triệu đồng mà phần "mù quáng" nhiều hơn phần "đam mê"!
"Ai cũng xem mình là số một"...
Hôm khai mạc 8/10, Thứ trưởng Bộ VHTT Lê Tiến Thọ khẳng định Liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc là dịp để các đơn vị học hỏi lẫn nhau trong cách làm sân khấu xã hội hóa. Nhưng nếu như các đoàn đều phải "điểm danh" đủ mặt trong đêm khai mạc thì chỉ đến đến đêm diễn hôm sau, các đoàn đều mất dạng gần hết. Vở Chuyện miệt đồng của Nhà hát Kịch TP.HCM chỉ có lơ thơ vài khán giả cùng với người của Nhà hát Kịch TP.HCM tự xem với nhau. Hình như tính "liên hoan" ở đây rất ít, ai đến phiên thì hì hục diễn.
Người ta xì xầm, các đoàn ngoài TP.HCM thì tranh thủ đi chơi đêm và thăm thú phố phường, còn các đơn vị của TP.HCM thì vẫn phải đỏ đèn. Chuyện vắng khán giả đã được tiên liệu, nhưng đến người cùng nghề mà còn không xem tác phẩm của nhau thì tổ chức liên hoan để làm gì?
Buổi tọa đàm sáng 10/10 về vở Chuyện miệt đồng còn thê thảm hơn, không chỉ vì cơn mưa tầm tã mà còn vì vắng mặt tuyệt đối của 15 đơn vị còn lại. Chỉ có người của Ban tổ chức, Hội đồng nghệ thuật và một số nghệ sĩ của Nhà hát Kịch TP.HCM ngồi than thở với nhau về chuyện vì sao các đoàn kia không đến!
Nghệ sĩ Trung Dân (Nhà hát Kịch TP.HCM) bức xúc: "Nếu biết trước Liên hoan sân khấu xã hội hóa mà như thế này thì chúng tôi đã không tham gia. Nói thẳng ra là các đoàn xã hội hóa ghét nhau, cạnh tranh nhau, đoàn nào cũng cho mình là số một!".
Ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM khẳng định: "Chúng ta nên nói hết bức xúc của mình để rõ chân dung các sân khấu xã hội hóa. Nhưng xã hội hóa là phải cạnh tranh, anh Trung Dân nói đơn vị khác ghét mình là không đúng!"
Liên hoan không phải là cái chợ
Nhiều đơn vị nghệ thuật rất hào hứng với liên hoan này, chẳng hạn sân khấu xã hội hóa IDECAF của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn hay sân khấu kịch Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân. Họ tham gia để khẳng định mình, khẳng định mô hình mình đang hoạt động hiệu quả. Và để xóa cái tiếng "con ghẻ" luôn bị chầu rìa tại các liên hoan, hội diễn sân khấu toàn quốc.
Nhưng cũng có đơn vị không mấy mặn mà với liên hoan. Người của một sân khấu cho biết do phải chuẩn bị tham gia một liên hoan khác nên trước đó họ đã có ý định không dự liên hoan này.
Trước sự lấn cấn, thập thò đó, TS. Nguyễn Thị Minh Thái, thành viên Hội đồng nghệ thuật, cho rằng: "Liên hoan không phải là một cái chợ!"
Có thể nó không thành cái chợ, nhưng nhất quyết không phải là thánh đường. Vì có đơn vị không muốn tham gia, đêm khai mạc tổ chức luộm thuộm, khán phòng lèo tèo do khán giả không nắm được lịch diễn, điểm bán vé v.v..
Một sinh viên ngành sân khấu trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM "lọt" được vào cuộc tọa đàm của liên hoan đã nói thẳng với những người tổ chức: "Tôi nghe nói trước giờ diễn vở Chuyện miệt đồng có mấy chục vé dư, nhưng chúng tôi không có vé để đi xem. Đã là liên hoan thì cần phải phổ biến rộng rãi. Nếu chỉ gói gọn trong các anh chị nghệ sĩ với nhau thì đã đúng nghĩa một liên hoan chưa?"
Xã hội hóa để tồn tại
Mới chỉ hai trong số 23 vở tham dự liên hoan được công diễn, và mới chỉ diễn ra một cuộc tọa đàm (trong tổng số 16 cuộc) trong cảnh đìu hiu. Hiện chưa thể nói các đoàn có học được gì lẫn nhau hay không. Nhưng đến thời điểm này có thể thấy để đánh giá xác đáng về sân khấu xã hội hóa trên bình diện toàn quốc là rất khó.
Về nội dung, NSND Trọng Khôi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho rằng kịch bản Chuyện miệt đồng còn yếu, chỉ hay ở phần cuối vở. Song ông cũng cho biết thêm: "Với kinh phí dàn dựng chỉ 20 triệu đồng thì cũng không thể chê cảnh trí đạo cụ nhếch nhác của vở diễn này được. Tôi lại thấy phục và quý sự đam mê của các nghệ sĩ".
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Minh Thái lại tán thưởng cách thức tìm kiếm nguồn vốn đầu tư dựng vở, ăn chia tiền lời của đơn vị này: "Chia phần 7 cho đơn vị đầu tư, sau khi hoàn vốn mới chia 5/5, theo tôi là một cách chơi rất quân tử".
Nói sân khấu xã hội hóa chạy theo xu hướng thương mại hóa, nhưng cũng cần nhìn lại sân khấu truyền thống đã ngắc ngoải như thế nào khi không đáp ứng được những điều khán giả muốn xem.
Một vở diễn chi phí chỉ 20 triệu đồng nhanh lấy lãi của sân khấu xã hội hóa, mà ông Lê Duy Hạnh gọi là "niềm đam mê có phần mù quáng", chắc hẳn phải được đánh giá cao hơn vở diễn kinh phí 200 triệu đồng mà phần "mù quáng" nhiều hơn phần "đam mê"!
-
Võ Tiến