(VietNamNet) - Có đơn vị sân khấu đã 17 năm làm xã hội hóa vẫn đi... học hỏi kinh nghiệm, có sân khấu làm ăn phát đạt vẫn muốn được nhà nước giúp đỡ...
Tuổi 17 vẫn còn bé tí!
Liên hoan sân khấu xã hội hóa 2006 vừa bày ra một thực tế gây ngỡ ngàng: đoàn kịch xã hội hóa Sóng Biển (Hải Phòng) đã tồn tại từ năm 1989 đến nay nhưng người ngoại đạo lại không hề biết!
Cần một so sánh để thấy rõ hơn sự quan liêu này: sân khấu xã hội hóa 5B Võ Văn Tần của TP.HCM ra đời cùng năm 1989, nhưng ngược lại, đã "quậy" tưng bừng từ đó đến nay, nức tiếng cả nước.
Thế nên mới có chuyện ngược đời. Cùng thâm niên, chắc hẳn cũng nhiều kinh nghiệm "sống mái" với thị trường như nhau, nhưng ông Trần Đại, trưởng đoàn kịch Sóng Biển bảo chuyến này vào TP.HCM dự liên hoan cốt là để học hỏi mô hình hoạt động của sân khấu xã hội hóa phía Nam mang về vận dụng.
Hẳn nhiên, do có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển nên các đơn vị phía Nam đã đi trước. Nếu nói đi tìm kiếm kinh nghiệm, thì Sóng Biển không chỉ học ở sân khấu 5B mà còn có thể học được nhiều điều từ các đơn vị thành lập sau 5B rất lâu như công ty Thái Dương (sân khấu IDECAF), công ty Vân Tuấn (sân khấu Phú Nhuận), công ty Phước Sang (sân khấu Sài Gòn)...
Ông Trần Đại ao ước: "Sân khấu xã hội hóa phía Nam sáng đèn hàng đêm, vé bán trước cả tháng, là mơ ước của chúng tôi. Nhưng không thể bê nguyên xi mô hình vì phía Nam có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về kinh phí, mặt bằng, khán giả...".
Song, nhìn vào vở Biển cồn cào đoàn Sóng Biển dựng để dự liên hoan, thấy mơ ước của ông Đại có thể vẫn chỉ là... ước mơ. Phong cách dựng cũ kỹ, những câu thoại sáo rỗng, đại ngôn như trong Biển cồn cào đã không còn thấy trên bất cứ sân khấu nào của TP.HCM.
Ông Lê Duy Hạnh, PCT Hội sân khấu Việt Nam, nói thẳng: "Tôi không thích vở diễn này. Vì đài từ, lời thoại, cách diễn quá xưa, không phù hợp thời đại. Tôi rất thương nghệ sĩ, hiểu rằng họ đã diễn hết mình nhưng sản phẩm này mà nhắm vào khán giả TP.HCM thì rõ ràng đã lỗi nhịp".
Ông trưởng đoàn chống chế rằng "có cái gì đem cái đó, cái riêng của mình, nếu làm như kiểu trong Nam thì đâu còn là mình nữa?". Nhưng khán giả hôm nay, không riêng gì ở TP.HCM, liệu có mặn mà với một đơn vị xã hội hóa lại diễn những vở "lỗi nhịp" như vậy?
Và liệu họ có đạt được ước mơ "sáng đèn hằng đêm" và đi hết con đường xã hội hóa của mình với hành trang như thế?
Làm đi, đừng nói suông!
Tập trung tại liên hoan, dù thuộc hàng "vua không biết mặt, chúa không biết tên" hay đã nhẵn mặt, các đơn vị sân khấu tư nhân đều đồng thanh kêu lên: chúng tôi cần được nhà nước động viên, ủng hộ!
Ngạc nhiên nhất là bà bầu Hồng Vân đề xuất xin nhà nước mỗi năm 20-30 triệu đồng kinh phí cho sân khấu Phú Nhuận của mình (cũng như các đơn vị tư nhân khác) dựng vở, trong khi đơn vị này đang rất ăn nên làm ra.
TS. Nguyễn Thị Minh Thái "tố cáo" đây là một kiểu làm nũng của con cái đối với cha mẹ: "Tôi không nghĩ chị Hồng Vân cần vài chục triệu đồng mà là cần một sự khích lệ. Không có mấy chục triệu đồng của nhà nước thì chị vẫn dựng vở, hoạt động như thường".
Trong khi đó, đoàn Sóng Biển trước ngày du Nam gần như cũng phải hét lên "tôi đang tồn tại". Cuối cùng đoàn cũng được... biết đến qua một buổi diễn phải đi xin hỗ trợ tiền thuê nhà hát.
Khi ông Nguyễn Văn Khánh, Cục phó Cục NTBD đưa ra các loại nghị định của Chính phủ về "chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập", ông Lê Duy Hạnh, thừa nhận: "Tôi gắn bó với sân khấu xã hội hóa từ những ngày đầu, nhưng cũng chưa từng nghe nói đến các nghị định về xã hội hóa!".
Chẳng cần đến nay còn bảo rằng nghị định khuyến khích, tư nhân cũng đã bắt tay làm sân khấu từ lâu rồi. Phát biểu của ông Hạnh ngầm nhắc rằng "chúng ta làm đi, nói chung chung nhiều lắm rồi".
Xã hội hóa là phải sống!
Đến giờ này thì không còn có chuyện quay qua hỏi nhau vì sao phải xã hội hóa sân khấu, mà đã tới lúc đặt câu hỏi phải làm như thế nào.
Đạo diễn trẻ Đức Thịnh (sân khấu Phú Nhuận) cho hay anh thường ngồi ở phòng vé để "đo" thị hiếu khán giả: "Đến 70% khán giả thích xem vở hài, họ thường hỏi vở này có vui không, có cây hài nào không... Tôi dựng vở là vì mình thích trước. Song với vở hài, khán giả cười sảng khoái thì họ tiếp nhận dễ dàng hơn, chỉ làm sao đừng dựng những vở ăn khách nhưng cười dễ dãi".
Khán giả như vậy, hành xử kiểu đoàn công lập ngồi lo giữ ngôi đền thiêng sân khấu thì chỉ có nước uống nước lã mà sống.
Trong tương lai, việc xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật còn diễn ra mạnh mẽ hơn. Nhà nước còn tài trợ, còn véo chỗ này đắp chỗ kia, các đơn vị còn há miệng ngồi chờ, kể cả tư nhân cũng muốn dự phần, thì còn chưa thể chuyên nghiệp.
Bà Nguyễn Thế Thanh, PGĐ Sở VHTT TP.HCM "dỗ dành" các sân khấu tư nhân: "Các đơn vị tư nhân không nên mặc cảm gì cả. Cứ làm vở bán vé được cho khán giả là chuyên nghiệp, sống được với tiền bán vé là chuyên nghiệp. Quan trọng là làm chuyên nghiệp đến mức nào, 80% hay chỉ 50%?".
Con số 50% mà bà Thanh đưa ra chưa thể chứng minh bằng thực tế trong một sớm một chiều. Sân khấu tư nhân lâu nay vẫn bị nhìn bằng ánh mắt rằng "chúng nó" toàn làm vở câu khách, rẻ tiền".
Nhưng cũng sân khấu tư nhân, chứ không ai khác, đã đỡ đần rất nhiều cho cái cơ thể èo uột của sân khấu công lập bao nhiêu năm nay.
-
Võ Tiến