(VietNamNet) - Một vị trí ngoài lề có lẽ thích hợp với tôi hơn cả. Không phải vì cả văn học trong nước lẫn văn học hải ngoại đều chưa đủ hấp lực, mà bởi tôi quan niệm rằng, cầm bút, trong hoàn cảnh nào cũng là thách thức dư luận- Thuận.
> Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam: Chuyên nghiệp... nửa mùa
Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho chị lần này có phải là một dấu hiệu tốt cho thấy các nhà văn người Việt sống ở nước ngoài đang ngày càng được thừa nhận như một bộ phận của văn chương Việt?
- Nếu coi ngôn ngữ như yếu tố quyết định của văn chương thì một nhà văn viết bằng tiếng Việt không thể xếp vào dòng nào khác ngoài văn học Việt. Được thừa nhận hay không có lẽ không quan trọng bằng quyền bình đẳng.
Tặng thưởng này có làm cho chị cảm thấy mình “thuộc về” nền văn học trong nước một cách sâu sắc hơn so với trước kia không?
- Một vị trí ngoài lề có lẽ thích hợp với tôi hơn cả. Không phải vì cả văn học trong nước lẫn văn học hải ngoại đều chưa đủ hấp lực, mà bởi tôi quan niệm rằng, cầm bút, trong hoàn cảnh nào cũng là thách thức dư luận. Khi tác giả và xung quanh mà làm lành với nhau thì chắc là phải nói lời cáo phó cho nghệ thuật.
Theo chị, khi trao tặng thưởng cho Paris 11 tháng 8, Ban xét giải Hội Nhà văn Việt Nam đã dựa trên những tiêu chí gì?
- Câu hỏi này lẽ ra phải được đặt trực tiếp cho Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi cũng rất muốn biết Paris 11 tháng 8 được tặng thưởng vì những lý do gì.
Từ Paris 11 tháng 8 đến T. mất tích, hình như thực tại Việt càng ngày càng trở nên mờ đối với chị?
- Trong nghệ thuật, không có hiện thực nào nhỏ bé, cũng không có hiện thực nào vĩ đại. Chiến tranh hạt nhân hay đồng tính luyến ái không thể biến một tác giả bất tài thành đại văn hào thế giới. Cho đến nay, tôi vẫn giữ một niềm tin rằng thử thách với người cầm bút không phải nằm ở đề tài mà ở khả năng sáng tạo trên đề tài ấy.
T mất tích không dành một chữ nào cho hiện thực Việt để tác phẩm có thể làm một cuộc phiêu lưu từ đầu chí cuối. Xã hội Pháp hết được nhìn dưới mắt của kẻ nhập cư (như Chinatown và Paris 11 tháng 8) mà bị phán xử bởi những nhân vật sinh ra và lớn lên ngay từ lòng nước Pháp. Bằng cách ấy, cuộc sống không hiện lên một cách ngẫu nhiên, an toàn, mà phải chịu mổ xẻ, tranh cãi và là kết quả của nhiều phiên bản chồng chéo. Tôi đã mỉm cười nhiều lần khi viết cảnh làm tình kì lạ của vợ chồng viên nha sĩ - kẻ thì rạo rực (vì thèm khát thực sự), kẻ thì đóng kịch (để ép cung đối phương):
...Bà vợ đã gọi điện rủ rê ông ta đến khách sạn. Hai người làm tình say sưa và đợi đến lúc ông ta chuẩn bị lên đến cực khoái thì bà ta thì thầm hỏi: «anh nói đi, anh đã chôn con ở đâu?» y hệt như ngày trước bà ta vẫn thì thầm hỏi: «anh nói đi, anh thích yêu em ở đâu?», thậm chí còn bằng một giọng ngọt ngào hơn nữa vì bà ta rất cần câu trả lời của ông ta. Tôi hình dung lúc đầu có thể viên nha sĩ cũng cảnh giác nhưng mà bà ta không ngừng cử động đôi đùi, mỗi khi khép chúng vào, bà ta lại nhắc lại câu hỏi: «anh nói đi, anh đã chôn con ở đâu?» và vì ông ta chưa biết trả lời ra sao, thì bà ta lại mở chúng ra. Cứ như thế đến lần thứ mười, vừa kích thích (khép đùi) vừa dọa nạt (mở đùi), bà ta đã thành công. Viên nha sĩ cảm thấy vô cùng sung sướng (vì chưa bao giờ bà ta điêu luyện như thế), và chính vào giây phút cực khoái, vừa tưới đẫm âm hộ của vợ, ông ta vừa thốt lên: «anh đã chôn nó dưới gốc cây phong non», y hệt như ngày trước ông ta vẫn thốt lên: «anh thích yêu em ở chỗ này này». Cái câu mà bà ta trông đợi cũng là câu mang lại cho ông ta mười hai năm tù... (T. mất tích, NXB Hội Nhà văn sẽ xuất bản cuối năm 2006).
Cuộc phiêu lưu này có làm chị thấy tự tin hơn không?
- Đã tự tin thì không phiêu lưu. Một trong những lý do chủ yếu để người ta tiếp tục viết đó là khao khát muốn khám phá khả năng sáng tạo của bản thân. Mỗi tác phẩm là một chuyến đi xa, để tác giả tìm thấy một “cái tôi” khác, còn độc giả thì được đưa đến một “miền đất” mới.
Chị có nghĩ đến việc một lúc nào đó sẽ chuyển sang viết bằng tiếng Pháp - ngôn ngữ của đất nước và nền văn hóa nơi chị đang sống - như M. Kundera, V. Nabokov, Cáp Kim (Ha Jin), Sơn Táp (Shan Sha), Đới Tư Kiệt… không? Chị nghĩ sao nếu sau khi đã chuyển sang viết bằng tiếng Pháp chị sẽ không còn cơ hội nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn hay các giải thưởng văn chương khác ở trong nước nữa?
- Viết bằng tiếng mẹ đẻ hay bằng ngôn ngữ nước sở tại là câu hỏi khiến không ít nhà văn di dân đau đầu. Vấn đề cuối cùng vẫn là chất lượng. Bản thân tôi luôn tâm niệm các tác phẩm có giá trị bao giờ cũng tìm được tiếng nói chung, ấy là tiếng nói của nghệ thuật. Có thể một lúc nào đó, tiếng Pháp của tôi sẽ được đưa ra thử sức, nhưng hiện tại thì tôi không muốn hòa mình vào đội ngũ các tác giả tầm tầm đã quá đông đúc ở nơi đây.
So sánh với Kundera và Nabokov là điều không thể. Vẫn biết trong văn chương, ngôn ngữ là yếu tố quyết định nhưng ở hai tài năng xuất chúng này, tiếng mẹ đẻ có lẽ đã đánh mất tầm quan trọng của nó.
Giải thưởng là điều tôi không bao giờ nghĩ tới. Cả danh vọng lẫn tiền tài đều có nguy cơ làm cùn mọi ngòi bút. Tất nhiên không phải người cầm bút nào cũng ý thức được điều ấy.
Sau T. mất tích, chị đang có những dự định gì?
- Có lẽ vẫn là một tiểu thuyết, nhưng thế nào thì bây giờ chưa thể biết trước được.
Chị quan tâm tới cái gì nhất lúc này?
- “Con người nhỏ bé” luôn là mối quan tâm của nhiều người viết. Trong trường hợp của tôi, với tư cách một nhà văn di dân, “con người nhỏ bé” đã chuyển thành “di dân nhỏ bé”. Vâng, đúng là người ta chỉ cần có mấy tiếng đồng hồ để bay từ Paris sang Dakar, Bagdad, Bombay hay Hà Nội, nhưng có lẽ người ta chẳng bao giờ có thể rút ngắn khoảng cách giữa các mức sống, các niềm tin, các nền văn hóa... Theo đánh giá của tôi, một trong những nạn nhân chính của cái hố ngày càng sâu giữa phương Tây và Thế giới thứ ba không ai khác ngoài “di dân nhỏ bé”. Mặc cho bộ luật chống phân biệt chủng tộc lâu lâu lại được tặng thêm vài điều khoản, người nước ngoài hạnh phúc nhất ở Pháp bao giờ cũng đến từ các quốc gia hùng mạnh, còn người nước ngoài bất hạnh nhất suốt thế kỉ qua vẫn giữ nguyên màu da từ rất đậm đến hơi đậm.
Đọc bản thảo Chinatown dịch ra tiếng Pháp, người ta xua tay: nhà văn Việt nên viết về vịnh Hạ Long, về tình yêu đôi lứa, về thiện thắng ác...chỉ các nhà văn Trung Hoa và Nhật Bản mới có quyền làm độc giả Pháp đau đầu!
Anh thấy đấy, phân biệt chủng tộc không giảm đi chút nào, mà ngày càng tìm được những hình thức tinh tế hơn để trú ngụ một cách yên ổn.
-
Thụ Nhân thực hiện