(VietNamNet) - Cuốn sách hấp dẫn từ đầu đến cuối bởi sự thật tàn nhẫn thuộc dạng thâm cung bí sử đã vượt ngưỡng trí tuệ thông thường của người đọc.
John Perkins vừa là nhân chứng sáng giá của một nhóm "sát thủ kinh tế" vừa là tác giả của cuốn sách sám hối về tội ác mà ông đã gây ra cho các nước đang phát triển nhưng không phải vì thế mà cuốn sách trở nên hấp dẫn. Sức hấp dẫn nằm ngay ở tội ác. Tội ác càng lớn, nhất là thứ tội ác được khoác cho một lớp áo nhân đạo sang trọng và được thực hiện bởi những nhân vật có quyền thế nghiêng trời lệch đất thì càng hấp dẫn công chúng.
Cuốn sách "Lời thú tội của một sát thủ kinh tế" chứa đựng vô số những tội ác như vậy và kinh khủng hơn: đây là những tội ác có thực mà hệ quả của nó vẫn còn đang phơi bày, rất dễ kiểm chứng.
Mặc dù tên của cuốn sách đã nói lên quá rõ thái độ của tác giả -Lời thú tội của một sát thủ kinh tế - nhưng sau khi đọc một mạch cuốn sách hấp dẫn này chúng ta rất dễ thống nhất một điểm: Rất nhiều sự thật kinh khủng, tàn ác và rất ít sự sám hối chân thực!
Jonh Perkins tham gia nhóm Sát thủ kinh tế ngay từ những ngày đầu thành lập và ông đã làm cho các nước đang phát triển như Indonexia, Panama, Ả rập Xêút, Iran vv...dính những khoản nợ khổng lồ và lệ thuộc hẳn vào Mỹ.
Ông nói một chính xác như một triết gia và bóng bẩy như một nhà cách mạng mang tinh thần hòa bình xanh như sau: " Khi con người được thưởng vì lòng tham thì sự tham lam sẽ trở thành động lực tồi tệ. Khi chúng ta coi việc tiêu dùng vô độ các tài nguyên thiên nhiên trên trái đất thánh thiện, khi chúng ta dạy con trẻ bắt chước những người đang sống những cuộc sống thiếu lành mạnh, và khi chúng ta định rõ rằng, một phần đông dân số phải quỵ lụy, phụ thuộc vào một số ít kẻ thuộc tầng lớp cao quý, chúng ta đã tự rước lấy tai họa. Và chúng ta đã gặp tai họa.".
Lời thú tội của một sát thủ kinh tế Tác giả: Jonh Perkins Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành Giá bìa: 75.000 đồng/cuốn |
Dĩ nhiên, Jonh Perkins đã rất thành công và ông đã được tưởng thưởng xứng đáng vì những phép thuật đánh tráo khái niệm tuyệt vời thông minh mà hậu quả của nó ông gọi đích xác là tội ác.
Bài giảng mới mẻ của ông về lĩnh vực kinh doanh tài chính chắc chắn sẽ làm sởn gai ốc những công dân thuộc thế giới thứ ba:
"Chúng tôi (Mỹ) là một nhóm người ưu tú, những người tận dụng tối đa các tổ chức tài chính quốc tế để khiến các quốc gia khác phải phụ thuộc vào chế độ tập đoàn trị đang điều khiển những tập đoàn lớn nhất, chính phủ và các ngân hàng của chúng tôi.
Chẳng khác nào Mafia, các EHM (sát thủ kinh tế) ban ân huệ. Những ân huệ này tồn tại dưới hình thức các khoản vay để phát triển cơ sở hạ tầng - nhà máy điện, đường cao tốc, bến cảng, sân bay, các khu công nghiệp.
Một điều kiện cho những khoản vay như thế là các công ty xây dựng của nước chúng tôi (Mỹ) phải được đảm nhiệm công việc xây dựng tất cả các dự án này. Xét về bản chất, hầu hết các khoản tiền trên không bao giờ rời khỏi nước Mỹ; nó chỉ đơn giản được chuyển từ các phòng giao dịch của ngân hàng ở Washington sang cho các công ty xây dựng ở New York, Houston hoặc San Francisco".
Nấp dưới vẻ phồn thịnh hào nhoáng của bê tông sắt thép và những khu công nghiệp, đô thị công nghiệp - biểu hiện của mức tăng trưởng kinh tế ảo- tại các nước thuộc thế giới thứ ba là những khoản nợ chồng chất và quá trình sa mạc hóa tài nguyên. Hiệu quả của đồng vốn vay được tính: cứ 100 USD dầu thô lấy ra từ các khu rừng nhiệt đới của Êcuađo thì có tới 75 USD rơi vào túi của các công ty dầu lửa. Hầu hết số tiền còn lại được dùng để trả nợ nước ngoài, trang trải chi phí quân sự và chi tiêu của chính phủ - trong đó khoảng 2,5 USD được chi cho y tế, giáo dục và các chương trình giúp đỡ người nghèo".
Hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn vay nhằm khai thác kiệt quệ tài nguyên của chính mình chỉ là: làm được 100 USD nhưng sẽ chỉ có 3 USD đến được với người cần nó nhất - những người bị ảnh hưởng bởi các khu công nghiệp, công nghệ cao- và những người đang chết dần chết mòn do thiếu thức ăn nước uống.
Những kẻ nhận ân huệ kiểu EHM không chỉ lâm cảnh đói nghèo, kiệt quệ quệ tài nguyên, lệ thuộc cả về kinh tế lẫn chính trị mà còn không bao giờ trả được nợ gốc và nợ lãi: Kẻ cho vay cắt cổ sẽ bán những sản phẩm công nghệ cao và chỉ có chúng mới duy trì bảo dưỡng, nâng cấp được. Lãi mẹ đẻ lãi con, nợ mới chồng nợ cũ mà không phá sản mới là chuyện lạ!
Người Việt Nam đọc sách "Lời thú tội của một sát nhân kinh tế" rất dễ liên tưởng tới một câu văn nổi tiếng của Nam Cao phát ra từ miệng Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo, đại ý: Bóp cổ người nghèo lấy 5 đồng rồi quăng cho hắn 5 xu vì..."thương anh túng quá!".
Jonh Perkins viết sách như thế đấy. Viết về những tội ác kinh tế mang tính thời đại mà rõ ràng sáng sủa, đã đọc là không thể bỏ dở giữa chừng. Một giọng văn phân tích, lý giải khi thì bằng những số liệu biết nói khi thì bằng những cố gắng tuyệt vọng chỉ để cho độc giả ở các nước nghèo hiểu rằng: Chúng tôi đang siết cổ anh đấy, anh có biết không; hãy chết một cách êm ái và tha tội cho chúng tôi!
Không có gì rõ ràng hơn, tàn nhẫn hơn những sự thật được che phủ bởi các khoản vay nhân đạo như vậy. Người ta gọi cách thức tiến hành tội ác của cả hệ thống sát thủ kinh tế một cách văn nhã là: những con rắn nấp trong hoa hồng!
-
Ngân Hà