(VietNamNet) - Trên tinh thần: “Chúng ta không sợ khuyết điểm, chỉ sợ khuyết điểm không được vạch ra, và sợ nhất là biết khuyết điểm mà không chịu sửa”, chúng tôi xin bổ sung bài viết sau vào chuyên đề Lịch này.
Học vị giả!
Từ khi lên làm Trưởng Ban lịch nhà nước, ông Trịnh Tiến Điều thường ký tên kèm theo học vị thạc sĩ. Lãnh đạo đành phải hỏi bên Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhận được công văn trả lời rằng: ông Trịnh Tiến Điều không phải là thạc sĩ. Tưởng thế là đã rõ.
Lĩnh vực lịch là một lĩnh vực “độc!”, với nghĩa là đơn độc, đơn côi (chẳng biết ghép nó vào đâu – đành tạm gửi nó vào một cơ quan là Trung tâm Thông tin Tư liệu. Ở đó dường như chẳng ai biết gì về lịch cả) nên độc quyền tuyệt đối, … Ở lãnh địa này dường như chỉ có một người, đó là Trưởng Ban lịch Nhà nước.
Tuy Ban chỉ có 2, 3 người, nhưng kèm theo cái tên gọi bình thường là Lịch, còn có 2 chữ Nhà nước nên ai cũng “sợ”, ai cũng tin. Một cơ quan bạn cần phải lập một Hội đồng Khoa học về lịch, đành phải đến xin ông Trưởng Ban lịch tư vấn. Thế là ông kê ra một loạt những người thân và “phong” luôn cho họ những học vị cao vời. Tất nhiên ông cũng “phong” cho mình một học vị cao, nhưng do “khiêm tốn” nên chỉ hơi cao một chút, tức là từ cử nhân lên thạc sĩ.
Thế là một Hội đồng Khoa học “ở trên giời” được lập ra. Tất nhiên, một Hội đồng như thế không thể tồn tại được. Phải lập một Hội đồng khác thay thế. Để chuẩn bị lập một Hội đồng khác không lẽ không mời ông Trưởng Ban lịch Nhà nước tham gia, không lẽ không mời ông Trưởng Ban làm phản biện. Người ta lại thấy ông tự khai là thạc sĩ. Vì đã từng trải kinh nghiệm “đau sót” nên lần này cơ quan bạn phải nhờ cơ quan chủ quản của ông Điều xác nhận một cách chính thức. Ban Tổ chức Cán bộ đã xác nhận có dấu má hẳn hoi rằng ông Điều chỉ là cử nhân. Tưởng thế đã là đủ, ai dè trong bài nhận xét phản biện ông lại viết kèm theo tên mình một chữ “master”.
Gần đây, vào cuối năm 2005 khi viết “Lời giới thiệu” và hiệu đính cho cuốn “Nghiên cứu lịch vạn niên - Tra cứu Âm Dương lịch vạn niên 121 năm (1900-2020”) của tác giả Nguyên Mạnh Linh, Nxb Từ điển Bách khoa, 2005, ông lạị lén ghi cái học vị thạc sĩ “của mình” vào bìa 4 cuốn sách.
Văn bản giả?
Một lần tôi đến một nhà xuất bản, làm việc với một nhóm biên tập viên; tại đây một biên tập viên đã đưa bảng số liệu cho tôi xem. Đây không phải lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một Bảng số liệu lịch chính thức của Nhà nước năm 2007 – Đinh Hợi, bởi hôm tham dự cuộc Tọa đàm Lịch in tùy tiện chúng tôi đã được ông Lý Bá Toàn, Cục phó Cục Xuất bản cho xem, nên khi mới ngó qua bảng này tôi đã có cảm giác hơi ngờ ngợ. Tôi xem kỹ lại và thấy văn bản Nxb đó được cấp năm 2006 cho năm 2007 là văn bản rởm; còn văn bản cấp năm 2005 cho năm 2006 mới là văn bản thật.
Văn bản rởm cấp năm 2006 (xin xem ảnh 1 chụp phần con dấu và chữ ký ở cuối văn bản đó) có đặc điểm sau: Con dấu và chữ ký của Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin tư liệu là màu đen, các con dấu giáp lai cũng màu đen, bởi đó là bản photocopy, chỉ có chữ ký của Trưởng Ban lịch Nhà nước và con dấu của Ban lịch Nhà nước là màu đỏ. Cái phần “tươi” này là được “làm thêm” về sau. Đây đúng là một “nghệ thuật” làm văn bản giả!
Văn bản cấp năm 2005 cho năm 2006 (xin xem ảnh 2 chụp phần con dấu và chữ ký ở cuối văn bản đó) mới là thật. Ở đó chỉ có chữ ký của Giám đốc Trung tâm và con dấu Trung tâm Thông tin tư liệu “tươi” màu đỏ, không có con dấu Ban lịch Nhà nước và chữ ký của Trưởng Ban lịch. Có lẽ còn một vài Nxb khác cũng nhận được văn bản rởm như thế này và có thể đặt ra các câu hỏi: Liệu các số liệu trong văn bản rởm có khác gì với số liệu trong văn bản thật hay không? Tại sao là Trưởng Ban lịch Nhà nước, nắm toàn quyền trong tay mà ông Điều còn phải làm các văn bản rởm? Và ông Điều đã “chế tác” cái văn bản giả này như thế nào?
Con dấu giả?
Tôi được biết con dấu mới nhất của Ban lịch Nhà nước trực thuộc Trung tâm thông tin tư liệu nằm trong Trung tâm KHTN & CNQG (xin xem ảnh 4) của ông Điều đã bị Giám đốc Trung tâm Thông tin Tư liệu thu lại từ lâu để tránh tình trạng ông Điều có thể dùng bừa. Việc đề phòng này quả thật không thừa, nhưng không đủ. Việc xấu vẫn xẩy ra, bởi cách giải quyết đó không cơ bản. Cũng cần nói thêm rằng con dấu đó giờ đây cũng không còn hiệu lực nữa vì Trung tâm KHTN & CNQG đã được đổi thành Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đem các văn bản chụp được này tới hỏi Kỹ sư Nguyễn Mậu Tùng, nguyên Trưởng Ban lịch Nhà nước, tôi được biết thêm:
- Con dấu ở góc trái phía trên trang 1 là con dấu cũ của Ban nghiên cứu và quản lý lịch Nhà nước trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam và Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam ngày xa xưa (xin xem ảnh 3) thời kỳ Kỹ sư Nguyễn Mậu Tùng làm Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Quản lý lịch Nhà nước, nó đã mất hiệu lực từ năm 1993.
- Con dấu Ban lịch Nhà nước trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam và Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam (xin xem ảnh 1, con dấu ở bên phải) là con dấu rởm, chưa từng được khắc một cách chính thức vào thời Ủy ban Nghiên cứu vũ trụ còn tồn tại, tức là lúc Kỹ sư Nguyễn Mậu Tùng làm Trưởng Ban lịch. Ông Tùng không hề biết nó; bởi thế đây chắc chắn phải là con dấu giả.
Có điều là: trong bảng số liệu lịch năm 2007 có đến hai con dấu của 2 cơ quan khác nhau, đều không có hiệu lực. Con dấu ở đầu trang 1 (ảnh 3) là con dấu của Ban nghiên cứu và Quản lý lịch Nhà nước và là con dấu thật, nhưng đã mất hiệu lực từ 13, 14 năm nay. Con dấu ở trang cuối (ảnh 1) là của Ban lịch Nhà nước, nhưng là con dấu giả , tất nhiên không có hiệu lực.
Tôi chỉ nêu việc này như một câu hỏi: Phải chăng con dấu Ban lịch Nhà nước trong ảnh 1 này là con dấu giả?
-
PGS- TS Lê Thành Lân (lethanhlan@yahoo.de)
Chuyên đề Lịch:
> Lịch in sai, trách nhiệm chính thuộc về ai?
> Lịch Việt Nam: hiểu thế nào cho đúng ?
> Nên bỏ cơ chế "Xin - Cho" số liệu lịch
> Lịch 2007: Các NXB đang mò mẫm và tự bảo vệ mình
> Lịch 2007: Các tiết Trung Hoa được Việt hoá như thế nào?
> Lịch bloc 2007: Tự do hay "Cá lớn nuốt cá bé"?
> Không thể tuỳ tiện trong cách tính lịch
> Toạ đàm về lịch hay là chuyện "ném đá ao bèo"?