(VietNamNet)– Sáng 18/1, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học về "Đàn Xã Tắc", các nhà khoa học và quản lý đã nhất trí bảo tồn di tích này.
Theo tiến sĩ Đặng Văn Bài, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, di tích Đàn Xã Tắc gắn chặt với giá trị văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa. Cùng với ‘Thăng Long tứ trấn’ (Bạch Mã, Voi Phục, Trấn Vũ, Kim Liên), Đàn Nam Giao và Đàn Xã Tắc rất cần được nhìn nhận như những cột mốc văn hóa, giúp nhân dân hình dung được phần nào về quy mô và phạm vi của kinh thành Thăng Long xưa.
Ông Bài đưa ra phương án là bảo vệ một bộ phận quan trọng nhất của di tích, làm sao để “có sức hấp dẫn với công chúng nói chung và hành khách đi qua khu vực này, mà vẫn tạo điều kiện triển khai dự án xây dựng tuyến đường vành đai thành phố quan trọng đã được phê duyệt”.
Ông Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam cũng cho rằng việc bảo tồn Đàn Xã Tắc là cần thiết vì trân trọng và khai thác tốt di tích lịch sử - văn hóa không chỉ là trân trọng quá khứ, mà còn có giá trị cao về kinh tế nếu kết hợp có hiệu quả với du lịch. Ông Nhật đề xuất phương án là nên quy hoạch khu vực Đàn Xã Tắc thành một bùng binh nhỏ, đường giao thông sẽ thiết kế chạy hai bên. Ở giữa đảo giao thông sẽ xây một biểu tượng để ghi dấu di tích ý nghĩa này.
Tuy nhiên nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc lại tỏ ý nghi ngờ di tích vừa phát lộ chưa thể khẳng định là vết tích đàn Xã Tắc. Ông Phúc cho rằng những đồ đá, đồ gốm, đồ đồng.. tìm được chưa thể chứng minh di tích đó là Đàn Xã Tắc. Ông chứng minh rằng vào khoảng năm 1048 một hoàng tử đời Lê đã được xây hoàng phủ tại khu vực cửa Trường Quảng (khu vực Ô Chợ Dừa nay). Những di vật tìm thấy hoàn toàn có thể là dấu tích của hoàng phủ đó.
Ông Phúc kết luận chưa thể khẳng định vị trí Đàn Xã Tắc, do đó không thể coi đây là dải đất thiêng. Ông Phúc đề nghị không tiếp tục đào khảo cổ nữa, và chỉ làm một biểu tượng với nội dung: Đây là đất phường Xã Đàn, năm 1048 đã có đàn thờ thần Xã (đất đai) và Tắc (lúa gạo), một tín ngưỡng nông nghiệp thời cổ.
Ông Vũ Quốc Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng cho rằng xây dựng bảo tồn Đàn Xã Tắc là dự án không khả thi. Ông Hiền cho rằng chỉ nên tư liệu hóa các di vật và dấu tích tìm được bằng thuyết minh, hình ảnh, bản vẽ … để trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội trong tương lai, rồi lấp cát để hoàn thiện công trình xây dựng. Sau đó làm biển chỉ dẫn hoặc một biểu trưng để ghi dấu sự tồn tại của Đàn Xã Tắc, đồng thời lấy tên di tích đặt cho con đường.
Nhà sử học Lê Văn Lan không tham gia hội thảo, nhưng có gửi ý kiến khẳng định chắc chắn di tích này là Đàn Xã Tắc. Tuy nhiên ông phản đối tất cả những ý kiến đưa ra như “làm một đảo giao thông lớn” xây dựng lại “đàn Xã Tắc của thế kỷ XXI” hay “làm một công viên văn hóa lịch sử” tại di tích.
Ông Lan cho rằng ở khu vực Ô Chợ Dừa không chỉ có di tích Đàn Xã Tắc, mà còn là dấu tích của hai công trình lịch sử - văn hóa quan trọng khác nữa là: cửa ô Trường Quảng và đọan tường thành Đại La của kinh thành Thăng Long xưa. Phương án của ông Lan là xây một khu bảo tồn liên hợp cả ba chủ thể: Đàn Xã Tắc, Ô Chợ Dừa và Đại La Thành, chú trọng vào biểu tượng của công trình hơn là tính cụ thể.
Kết thúc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu kết luận hội thảo như sau: Khẳng định di tích là Đàn Xã Tắc; thống nhất bảo tồn di tích, cụ thể là xây đường tách ra hai bên di tích. Trên “đảo giao thông” sẽ xây biểu trưng, cụ thể thế nào sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến các nhà khoa học trong một hội thảo khác.
Đàn Xã Tắc là tượng trưng cho đất đai cả tổ quốc. Đàn Xã Tắc được đắp lộ thiên, gồm hai tầng, hình vuông, mặt nhìn về hướng Bắc. Tầng trên cao 1,6 m, cạnh dài 28 m, mặt nền tô 5 màu theo nguyên tắc của Ngũ hành: giữa màu vàng, phía Đông màu xanh, phía Tây màu trắng, phía Nam màu đỏ, phía Bắc màu đen. Trên nền còn đặt 32 bệ đá để cắm tàn. Tầng dưới cao 1,2 m, cạnh dài 70 m, mặt nền phía trước lát gạch, hai bên có bệ để cắm tàn. Cả tầng trên và tầng dưới đều có lan can gạch cao 1m chạy xung quanh, chính giữa bốn mặt đều xây hệ thống bậc cấp để lên xuống. Mỗi khi tế Xã Tắc, lan can tầng trên được quét màu vàng, lan can tầng dưới được quét màu đỏ. Khi ấy, tầng trên đặt án thờ thần Đại Xã và Đại Tắc ở chính giữa. Đàn thờ thần Hậu Thổ, Càn Long thị và Hậu Tắc thị phối thờ ở hai bên. Khuôn viên đàn Xã Tắc được giới hạn bằng một vòng tường gạch hình chữ nhật, cao 1,2 m, chiều Bắc-Nam hơn 160 m, chiều Đông-Tây hơn 200 m. Mặt Bắc tường trổ 3 cửa phường, các mặt còn lại chỉ trổ một cửa. Bên ngoài vòng tường, ở phía Nam có một bình phong gạch, dài 10 m, cao 3,7 m, dày 0,85 m, ở phía Bắc, ngoài vòng tường đào hồ vuông, bờ kè đá, cạnh dài 60 m. Lễ tế ở đàn Xã Tắc được tổ chức hằng năm hai lần vào ngày Mậu của tháng trọng xuân và tháng trọng thu (tức tháng 2 và tháng 8 âm lịch.
Di tích được tìm thấy khi đang thi công tuyến đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa vào tháng 12/2006. |
-
Hoàng Hường