(VietNamNet)- Vở cải lương Kim Vân Kiều công diễn làm lóe lên chút hy vọng, song cũng tạo áp lực cho dự án nâng cấp cải lương.
Một màn tấu hài |
Thay một vở cải lương bình thường hiện nay (vẫn sáng đèn hàng tuần tại rạp Hưng Đạo, TP.HCM) với khoảng vài mươi diễn viên, đạo cụ, cảnh trí sơ sài, bằng một vở gồm hơn 500 diễn viên từ nhiều loại hình sân khấu, cảnh trí quy mô, thì kinh phí thông thường khoảng hơn trăm triệu đồng nhảy vọt lên gấp mười lần cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng khán giả bỏ tiền mua những chiếc vé giá còn cao hơn vé một số chương trình ca nhạc, đi xem sự công phu dàn dựng thiên về bề nổi kia hay để thưởng thức nghệ sĩ ca diễn?
Để thưởng thức các nghệ sĩ ca diễn, giới mộ điệu cải lương thất vọng vì khó mà quen được cảm giác vừa nghe Phượng Hằng ca mùi mẫn xong được bồi tiếp bằng giọng hát hơi khàn của ca sĩ Phương Thanh! Còn đến để xem sân khấu hoành tráng thì có vẻ họ không còn là fan của cải lương nữa mà đã chuyển qua thói quen của công chúng sàn diễn ca nhạc.
NSƯT Lệ Thủy và Minh Vương vai Thúy Kiều và Từ Hải |
Thế nên mới có chuyện tuyến nhân vật phụ của vở được giao cho các diễn viên hài tung hứng hơi quá đà, quá... dai. Những đoạn tấu hài này không ngoài mục đích làm cân bằng một vở phần nhiều bi ai, nhằm chiều chuộng nhiều kiểu khán giả.
Cho nhiều nữ nghệ sĩ, ca sĩ vào vai Thúy Kiều theo từng giai đoạn cuộc đời là một phá cách của đạo diễn Hoa Hạ, nhưng cũng chính vì thế sự ấn tượng của khán giả về nhân vật trung tâm này lẽ ra phải có, đã trôi tuột. Hơn 10 Thúy Kiều từ lúc trẻ của Tú Sương đến lúc già của NSƯT Lệ Thủy mà chỉ một vài người để lại dấu ấn thì khó mà vực được trọn vẹn chân dung nàng Kiều cũng như toàn bộ vở cải lương bạc tỉ.
Điểm yếu cố hữu của các kịch bản chuyển thể là thường không chuyển tải được hết cái hay của tác phẩm gốc. Đã đành cảnh trí của vở Kim Vân Kiều tuy quy mô song không thể so sánh với những đoạn tả cảnh tài tình của Nguyễn Du. Nhưng cả những kịch tính, những phân đoạn điển hình của Truyện Kiều vẫn chưa được khai thác tối đa.
Dài gần 3 giờ, cascadeur đu dây từ trần nhà thi đấu xuống sàn, những màn múa của diễn viên balet, ca vũ của diễn viên tuồng v.v..., rõ ràng Kim Vân Kiều cũng đã làm thỏa mãn ít nhiều khán giả hôm nay vốn xem nhiều hơn nghe.
Nếu sân khấu cải lương được tiếp sức bằng những vở kiểu như Kim Vân Kiều, hy vọng khán giả sẽ trở lại. Nhưng với cái giá nào? Hơn một tỉ đồng cho một vở chỉ diễn vài đêm để cầm chắc lỗ thì cả những người nặng tình với cải lương cũng không dám nghĩ tiếp.
Ai sẽ làm tiếp những vở diễn gọi là để vực dậy sân khấu cải lương? Kinh phí bao nhiêu thì không lỗ nặng và tránh gây... xôn xao? Ai đảm bảo lần tổ chức sau cũng sẽ có 4.000 khán giả chịu đến nhà thi đấu để nghe ca diễn khi ngoài kia còn nhiều loại hình giải trí hấp dẫn hơn?...
Thế nên, mở màn cho hành trình nâng cấp nghệ thuật sân khấu cải lương bằng một vở như Kim Vân Kiều là một mở đầu quá khó và đầy thách đố.
-
V.Tiến - Ảnh: M.Cường