(VietNamNet) - Tôi thấy việc kiểm tra, giám sát với sinh viên là cần thiết, nhưng các nhà hàng vũ trường, vũ trường, phòng trà... được phép hoạt động kinh doanh thì các em biểu diễn ở đấy là không hề sai.- Bà Hạnh Nguyên (Hiệu phó Trường ĐHSK)
Ông An Thuyên, bà Hạnh Nguyên, ông Trần Thanh Hiệp và ông Trần Quốc Cường. |
Ông đã đến các bar, vũ trường, phòng trà, nhà hàng và những tụ điểm âm nhạc của Hà Nội chưa?
Ô. Trần Thanh Hiệp (HT Trường ĐH Sân Khấu): - Tôi cũng đi với bạn bè đến một vài địa điểm ca nhạc, tôi cũng biết không phải tất cả các quán bar, nhà hàng, phòng trà, sàn nhẩy nào cũng xấu.
Ô. Trần Quốc Cường (HT Truờng CĐ Múa): - Tôi chưa bao giờ vào vũ trường, quán bar, phòng trà cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, nhưng có một lần duy nhất tôi vào vũ trường ở Đà Nẵng, tôi thấy vũ trường này rất văn minh. Tôi biết vũ trường, nhà hàng khách sạn không phải là xấu tất, cái chính do người quản lý những nơi đó thôi.
Ông sẽ quản lý sinh viên như thế nào để tránh tình trạng các em ... trốn đi diễn?
Ô. Trần Thanh Hiệp: - Chúng tôi ủng hộ công văn của Cục Nghệ thuật Biểu diễn và đã thông báo đến sinh viên công văn này. Nhưng để kiểm soát việc biểu diễn của các em thì rất khó, nếu bạn bè của các em không phản ánh, chúng tôi cũng không biết được. Hơn nữa, ngoài giờ học, chúng tôi không quản lý các em vì sinh viên của tôi đều trên 18 tuổi đã đủ quyền công dân. Tôi thấy để cho sinh viên bộc lộ tài năng thì không thiếu chỗ, đâu nhất định phải nhà hàng, quán bar, sàn nhẩy?
Ô. An Thuyên (HT Trường CĐNT Quân Đội): - Tôi thấy việc này đơn giản, chúng tôi làm quản lý nên biết khoanh vùng đối tượng. Hà Nội này không nhiều những quán bar, vũ trường đáng được cho vào “sổ đen”. Chỉ cần một người ngồi gần cửa ra vào là chỉ tận tay, day tận trán được ngay. Sự kiện này chẳng ảnh hưởng gì nhiều tới chúng tôi. Trường vốn có 2/3 sinh viên ở ký túc xá, phần còn lại dễ quản lý thôi. Ai cố tình vi phạm sẽ bị phạt nặng.
Công văn nêu rõ: Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, nhắc nhở, không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại quán bar, vũ trường, quán karaoke...?
Ô. An Thuyên: - Chúng tôi ủng hộ công văn cấm học sinh, sinh viên biểu diễn. Nhà nước tốn rất nhiều chi phí để đào tạo sinh viên, cuối cùng chỉ “thị trường” là lợi. Có nhiều sinh viên, ngày tốt nghiệp điều về ngay Hà Tây công tác thôi mà cũng nằng nặc chối từ, như thế đủ biết giới trẻ ngày nay chỉ biết tới tiền (?)
Tôi có thể khẳng định chắc chắn, trường tôi chưa bao giờ có điều tiếng gì xấu từ các sinh viên mang lại. Nhiều trường cứ tuyển sinh, rồi làm việc theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, buông lỏng nhiều quá. Vấn đề thực tập của sinh viên: Luân phiên đi biểu diễn, thực tế tại địa phương, vùng xâu vùng xa, trong quân đội, các chương trình cộng đồng…
Bà Hạnh Nguyên (HP Trường SKĐA): - Tôi thấy việc kiểm tra, giám sát với sinh viên là cần thiết, nhưng các nhà hàng vũ trường, vũ trường, phòng trà... được phép hoạt động kinh doanh thì các em biểu diễn ở đấy là không hề sai. Nếu công văn trở thành luật văn bản hay thành luật biểu diễn và không cho phép sinh viên nào dám vi phạm. Nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều ý kiến đề xuất để sao cho thích hợp nhất.
Sinh viên nghệ thuật có đặc trưng nghề nghiệp riêng, các em học đàn, múa hát, diễn nên các em phải giữ nhan sắc, làn da, đôi tay, gót chân... không thể bắt sinh viên làm thêm bằng nghề rửa bát thì sẽ vinh hạnh hơn biểu diễn. Sinh viên của chúng tôi ngoài giờ học cũng phải làm thêm bằng nghề các em đang học.
Hơn nữa, các em rất nghèo, cần đi làm, các em hát những bài lành mạnh, ngay người nghe cũng muốn nghe những bài lành mạnh. Nếu nói các em đang đi học không được đi diễn, thì các sinh viên trường Kiến Trúc đừng đi vẽ thêm, sinh viên Sư Phạm đừng đi dậy thêm... cấm như vậy có mà cấm hết. Bản thân các thầy cô cũng đi biểu diễn ở các nhà hàng, khách sạn, quán bar chứ đâu riêng gì sinh viên mà không đồng ý cho chúng đi diễn?
Phía sinh viên trường Sân Khấu có phản ứng thế nào, thưa bà?
Bà Hạnh Nguyên: - Khi công văn được phổ biến, sinh viên của tôi đến gặp tôi mếu máo: "Cô ơi, nếu cấm thế này chúng em không biết làm gì, chúng em đến nhà hàng, phòng trà quán bar hát đều rất lành mạnh". Tôi cũng nghĩ vậy, nếu không lành mạnh, thanh tra văn hoá, công an đã gửi công văn về đề nghị xử lý rồi. Nhưng cho đến giờ phút này tôi vẫn tự hào là sinh viên của mình rất ngoan, chưa có em nào vướng mắc gì đến tệ nạn hay làm sai pháp luật. Chính vì sinh viên của chúng tôi lao động tốt, lành mạnh nên chúng tôi kính đề nghị các cơ quan quản lý xem xét lại.
Thưa ông, ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng đây là công văn chỉ nhằm nhắc nhở nội bộ?
Ô. Trần Quốc Cường: - Tôi cũng biết là nên hạn chế các em, không là cấm hẳn, nhưng chúng tôi vẫn phải thông báo với các em về công văn này. Tôi thấy công văn này chỉ là giải pháp tạm thời, vì cần có một chế tài quản lý sao để khống chế tệ nạn nhưng vẫn được biểu diễn. Các nhà quản lý biết rõ tụ điểm nào tốt xấu, nếu phòng trà, quán bar, vũ trường, club... xấu thì đã bị giải thể rồi.
Nhưng các em có những lần thực tập, giao lưu?
Ô. Trần Quốc Cường: - Chúng tôi đang tập trung khai thác lễ hội để cho các em có nhiều chương trình diễn, thêm thu nhập. Gia đình nhiều em rất nghèo, không có khả năng chi trả cho việc ăn học. Ngoài ra, các em cần được diễn nhiều nơi để biết diễn ra sao cho phù hợp với khán giả. Các em còn trẻ, có sáng tạo, nếu không cho cọ xát thì khi trả bài thầy cô cũng kêu là ngô nghê, không sắc sảo. Còn thực hành biểu diễn cả khoá chỉ được 2 lần chính thức, và giao lưu thì được vài buổi, làm sao các em có thể không ngô nghê, ra trường các em tác phong nghề nghiệp kém, sẽ khó khăn cho công việc.
Còn hơn các em đi biểu diễn ở những nơi "nhạy cảm"?
Ô. Trần Quốc Cường: - Sinh viên của tôi diễn ở chỗ ấy cũng phải "bắt tận tay day tận mặt" mới được. Tôi thiết nghĩ, nếu một bài hát hay một điệu múa nếu diễn ở sân khấu tại sao không diễn ở những nơi có nhu cầu. Còn nếu các em nhẩy bục, nhẩy cột... như báo chí nêu thì đó là phi đạo đức, thì cần trị triệt để, trị đến nơi đến trốn. Vậy nếu cần biết rõ tụ điểm có lành mạnh hay không, sao các nhà quản lý không đưa camera, cho người theo dõi chặt chẽ?
Hiện tại về phía nhà trường làm sao để khắc phục tình trạng "không được biểu diễn" này?
Ô. Trần Quốc Cường: - Các nhà hàng, phòng trà, quán bar, vũ trường sẽ liên hệ với nhà trường và đưa ra ba-rem trước khi mời học sinh, sinh viên. Như vậy chúng tôi cũng biết các em diễn ở đâu và địa điểm đó như thế nào, hơn nữa chúng tôi cũng chịu trách nhiệm về chương trình các em diễn ra sao. Còn nếu các em tự ý đi diễn ở quán bar, phòng trà, vũ trường thì chúng tôi cũng rất khó quản lý, chúng tôi chỉ hướng được các em, chứ không đi theo sát các em. Các hành vi tệ nạn đã được tuyên truyền, có lệnh cấm còn nhà trường chỉ có trách nhiệm liên đới, bản thân các em là người chịu trách nhiệm chính.
-
Ngọc Lương - Triệu Vương (thực hiện)Ý kiến của bạn: