(VietNamNet) - Mốc 2010 rất quan trọng, nhưng nếu vì lý do nào đó mà bộ phim không ra kịp thì cũng đã là một dấu mốc dịp 1000 năm rồi, có thể chiếu sau lễ kỷ niệm cũng được. Phải làm sao để bộ phim không chỉ là “gà cúng”... - Ông Nguyễn Trọng Tuấn.
> Phim Lý Công Uẩn: Gà cúng cần phải để nguyên con!
> Phim Lý Công Uẩn: Càng bàn càng rối!
> Phim Lý Công Uẩn: Sáng tạo chán lại quay về “truyền thống”!
> Phim 1000 năm Thăng Long: Làm lấy được may ra thì kịp!
> Kịch bản phim 1000 năm Thăng Long có bị bỏ quên?
> Phim lịch sử 1000 năm Thăng Long: 2 dòng nhưng 1 chuẩn?
> Sẽ có một "mùa" phim lịch sử Việt Nam?
Với tư cách đại diện chủ đầu tư và ban tổ chức, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội trao đổi về dự án "Lý Công Uẩn".
Chúng tôi đã mua quyền sử dụng kịch bản
Được biết Ban chỉ đạo (BCĐ) đã giao dự án Lý Công Uẩn về Hãng Phim truyện Việt Nam. Vậy Hãng sẽ được toàn quyền xử lý dự án, hay BCĐ vẫn sẽ tham gia chỉ đạo, giám sát suốt quá trình làm phim?
Ông Nguyễn Trọng Tuấn.
- Khi Thành phố Hà Nội quyết định giao cho Hãng Phim truyện VN sản xuất phim này thì Giám đốc Hãng sẽ chịu trách nhiệm về nội dung, nghệ thuật. BCĐ cũng đã giao cho ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội làm chủ đầu tư dự án. BCĐ chỉ theo dõi, kiểm tra và giám sát quá trình sản xuất, còn trách nhiệm lớn nhất thuộc về Giám đốc Hãng phim và Sở VHTT Hà Nội.
Theo những gì tôi biết, Giám đốc Hãng phim truyện VN Lê Đức Tiến đang gấp rút hoàn thiện kịch bản trong tháng 7 này. Trước đó, Hà Nội và BCĐ đã đồng ý cho hãng mua quyền sử dụng kịch bản văn học của các tác giả tham gia đấu thầu như Lưu Trọng Ninh, Đinh Thiên Phúc, Lê Phương. Riêng đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã từ chối bán kịch bản cho chúng tôi.
Sau đó một Ban biên tập đã được lập ra để viết lại thành một kịch bản hoàn chỉnh. Kịch bản này sẽ được đưa ra Hội đồng thẩm định, nếu hội đồng và chủ đầu tư thông qua thì sẽ đưa vào sản xuất.
Nói một cách khác, hiện tổ sản xuất đang ngồi “trộn” kịch bản của các tác giả Ninh – Phúc – Phương. Vậy ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc trộn đó? Và kịch bản mới sẽ theo hướng nào?
- Đúng! Chúng tôi đã mua quyền sử dụng kịch bản của các tác giả này, và sẽ xử lý chúng theo hướng dùng những chi tiết tốt nhất. Tôi không nắm rõ ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc viết lại kịch bản. Chỉ chắc rằng Ban biên tập phải có đủ ba tác giả trên, cộng thêm sự giúp sức của các chuyên gia lịch sử, điện ảnh, văn học... Giám đốc Hãng có toàn quyền mời những chuyên gia giỏi nhất Việt Nam về giúp sức. BCĐ sẵn sàng ủng hộ.
Sẽ khó nếu không có sự giúp sức từ bên ngoài
Vậy đạo diễn phim sẽ là ai? BCĐ, hay Hà Nội, hay Hãng phim có quyền chỉ định vai trò này?
Đạo diễn sẽ do Hãng đề xuất và BCĐ thông qua. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ở Hãng Phim truyện VN vì hãng là cánh chim đầu đàn của điện ảnh Việt Nam, là nơi tập trung nhiều đạo diễn giỏi. Theo đánh giá của chúng tôi thì không thể chọn được đơn vị nào tốt hơn cho dự án này. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chọn một tổng đạo diễn. Có thể Hãng cũng đã dự kiến được là ai rồi (?!). Giám đốc Hãng hẹn sau khi hoàn thiện kịch bản sẽ đề xuất đạo diễn. Tôi đánh giá cao sự thận trọng của anh Tiến. Trên thực tế, sự hấp tấp cũng như những phát ngôn không đúng lúc của nhiều người cũng đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến dự án.
Nhưng những đối tượng tham gia dự thầu như đạo diễn Đỗ Minh Tuấn có quyền đòi hỏi thông tin về kết quả dự thầu của họ chứ? Đến giờ BCĐ đã có thông báo chính thức nào tới họ chưa?
- Chúng tôi đã có cả một hội đồng thẩm định để làm việc này. Chủ tịch Hội đồng Lê Đăng Thực đã thông báo việc cả mấy kịch bản đều không đạt yêu cầu cho ông Tuấn rồi. Chúng tôi cũng đã đưa ra thông điệp chính thức: chất lượng từng kịch bản không ổn, vậy ai đồng ý có thể bán quyền sử dụng để chúng tôi viết lại kịch bản trên cơ sở các bản thảo của họ. Ông Tuấn không đồng ý thì đó là việc của ông ấy.
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cũng kêu ca rằng lúc đầu Hà Nội khen ngợi kịch bản của ông và động viên sửa chữa hoàn thiện, nhưng cuối cùng lại thay đổi thái độ khiến ông ấy “hồ nghi rằng Hà Nội đã nhắm sẵn đạo diễn nhưng vẫn tổ chức đấu thầu kéo dài để bóc lột trí tuệ một cách tinh vi”?
- Ông Tuấn không nên nói thế, tôi cho rằng nói thế là rất thiếu ý thức. Nói một cách thẳng thắn, các đạo diễn của ta quá tự tin đến ảo tưởng, chỉ mải tranh cãi mà không nhìn thực tế. Nếu không có sự giúp sức từ bên ngoài, chúng ta rất khó làm được một bộ phim lịch sử cho ra hồn. Trường quay ở đâu, người ngựa ở đâu, kể cả kinh nghiệm ở đâu? Lẽ ra việc họ (các đạo diễn - PV) nên làm lúc này là tìm cách tiếp cận với nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm, thuê mượn nhân tài vật lực, đón mời chuyên gia đến giúp sức thay vì phát ngôn linh tinh.
Nói vậy sao chúng ta không thuê luôn một đạo diễn nước ngoài... cho tiện?
- Không được, không bao giờ được! Phim văn hóa lịch sử kỷ niệm của ta sao có thể để một người nước ngoài làm được. Chúng ta chỉ thuê một cố vấn giỏi thôi. Những đại cảnh phức tạp cũng có thể tổ chức sản xuất ở nước ngoài, vì chi phí sẽ thấp hơn việc xây dựng trường quay, thành quách, huy động người ngựa thuyền bè trong nước.
Không tiếc tiền nếu phim được làm tử tế
Vì sao phần khởi động của dự án phim lại kéo dài, trì trệ như vậy? Phải chăng nhà biên kịch Hồng Ngát nói đúng, rằng “Ai cũng muốn yên thân, không ai muốn chịu trách nhiệm, không ai có được tinh thần của Lý Công Uẩn: dám quyết việc lớn”?
- Hà Nội không ném tiền ra để có thêm một bộ phim “cúng cụ". Cũng không phải Hà Nội không dám quyết! Hà Nội sẵn sàng quyết và tạo mọi điều kiện cho các nghệ sĩ điện ảnh. Bản thân tôi cho rằng, Mốc 2010 rất quan trọng, nhưng nếu vì lý do nào đó mà bộ phim không ra kịp thì cũng đã là một dấu mốc dịp 1000 năm rồi, có thể chiếu sau lễ kỷ niệm cũng được. Phải làm sao để bộ phim không chỉ là “gà cúng” mà thực sự là một tác phẩm điện ảnh giá trị, một dấu mốc quan trọng trong công cuộc phát triển điện ảnh Việt Nam.
Nhiều người nói “điện ảnh là trò chơi của nhà giàu”. Vậy chắc chắn cái giá của “dấu mốc” sẽ không rẻ, Hà Nội có sẵn sàng chịu chơi?
- Hà Nội sẵn sàng đầu tư, nhưng Hà Nội cũng rất thận trọng để không tiêu tiền lãng phí. Hà Nội không tiếc tiền, nhưng cần biết chắc bộ phim sẽ được làm tử tế. Chính vì thế hiện chúng tôi cũng rất chặt chẽ trong việc tạm ứng kinh phí. Khi dự án đã được phê duyệt và triển khai thì chúng tôi sẽ đầu tư rất nhanh!
Xin cảm ơn ông!
-
Hoàng Hường (thực hiện)
ý kiến của bạn: