221
5081
Tin tức
tintuc
/vanhoa/tintuc/
973112
Thi hoa hậu hay tuyển người đẹp... cho thuê?
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Thi hoa hậu hay tuyển người đẹp... cho thuê?
,

(VietNamNet) - Làm sao người ta có thể tin người đẹp, mang trên mình danh hiệu hoa hậu đầy hấp lực, lại đi với đàn ông thành đạt, mà... không có chuyện gì xảy ra?

Hoa hậu biển Vũ Ngọc Diệp. (V.T)

Tính sơ sơ từ đầu đến cuối năm 2007, có chừng chục cuộc thi hoa hậu, người đẹp đã, đang và sẽ diễn ra trên nhiều địa phương trong cả nước. Mật độ tổ chức như thế là ít hay nhiều so với số dân thì còn tùy góc độ nhìn nhận.

Điều cần nói là các cô hoa hậu được sản xuất hàng loạt từ những tiêu chí - cái khuôn giống nhau để mà chi, khi thực tế đã có nàng đương kim hoa hậu đang làm những công việc mà chẳng cần đến cái danh hiệu ấy cô vẫn làm tốt?

Chỉ có các nhà tổ chức mới tin rằng Hoa hậu các dân tộc Việt Nam khác với Hoa hậu thế giới người Việt, hay Hoa hậu trang sức khác với Hoa hậu thể thao..., chứ khán giả thì không còn mấy ai tin nữa. Ra đầu ngõ mà hỏi thì đố các ông, các anh - những người đáng lẽ rất quan tâm đến các cuộc thi hoa hậu - phân biệt được hoa hậu nào là hoa hậu nào. Trong khi các bà, các chị thì sẵn sàng kể vanh vách rằng các cô hoa hậu trước và sau khi đăng quang tuyên bố gì, yêu hòa bình hay ghét chiến tranh (?!).

Hoa hậu biển 2006 Vũ Ngọc Diệp trả lời phỏng vấn rất thật thà rằng, sau khi đăng quang sẽ lại quay trở về làm người mẫu cho chương trình trò chơi truyền hình Hãy chọn giá đúng trên VTV3 như trước. Và cô đã quay lại thật, làm bình hoa di động hút mắt người xem vào mấy món quà thưởng. Chỉ khác là bình hoa ấy giờ có thêm chút danh hiệu mà thôi.

Đây chỉ là một điển hình cho thực trạng "các hoa hậu đi đâu về đâu?". Làm người mẫu game show như Ngọc Diệp không dở, bằng chứng là cô đã chọn tiếp tục công việc, ngay cả khi vừa lên ngôi sắc đẹp kia mà? Nhưng chẳng lẽ hoa hậu ở Việt Nam lại... ế như thế sao, không còn việc gì cho xứng đáng hơn với cái danh hiệu mà nhiều vị phụ huynh có con gái xinh đẹp luôn ao ước?

Nhân đây cũng giở lại một chuyện cũ liên quan tới cô hoa hậu của cuộc thi lâu năm nhất trong phong trào thi hoa hậu ở Việt Nam: hoa hậu Việt Nam (báo Tiền phong tổ chức) 2002, Mai Phương. Chuyến bỏ nhà đi hơn một tuần lễ trong khi đã là đương kim hoa hậu Việt Nam của cô làm xôn xao dư luận, đến cả các hãng thông tấn nước ngoài cũng bám vào đó để đưa tin, mới thấy cái câu "đi đâu về đâu" vận vào đây sao mà cay đến thế!

Nhà tổ chức thi hoa hậu thường hay ấp úng và lòng vòng khi bị tra vấn "cuộc thi của ông/bà có gì khác cuộc thi của ông/bà kia?", vì lấy đâu ra cái gì khác hơn ngoài mấy màn áo tắm, áo dài, áo dạ hội... Nhưng đụng đến vấn đề trách nhiệm của đơn vị tổ chức sau khi các người đẹp đăng quang thì họ khẳng khái hẳn lên. Điệp khúc thường là  "chúng tôi chỉ tạo điều kiện cho các danh hiệu trong khả năng của mình chứ không cam kết sẽ giúp được gì hơn ngoài tầm tay".

Khó tin "cặp phạm trù" người đẹp - đại gia

Những người đẹp của lớp đào tạo người đẹp cho thuê. (A.M)

Duy nhất có nhà tổ chức cuộc thi Hoa hậu tài năng các vùng duyên hải diễn ra vào tháng 11 tới đây, dám mạnh miệng tuyên bố rằng họ sẽ bảo đảm các "tài năng" mà mình phát hiện không lâm vào cảnh "đi đâu về đâu" nữa. Nhưng cái cách mà họ tổ chức lớp đào tạo người đẹp, gom luôn cả 3 người đẹp đứng đầu, để cho thương gia, khách VIP... thuê, đang gây nghi ngại xôn xao cho dư luận.

Bởi người ta cứ liên tưởng đến hình ảnh "đại gia - người đẹp" được nhắc nhiều trong thời gian gần đây dưới cái nhìn không mấy thiện cảm. Hoa hậu đi làm mẫu game show đã khó coi trong mắt nhiều người, bắt hoa hậu xách cặp cho đại gia lại càng khó chấp nhận, khi hình ảnh sóng đôi này vốn đã mang tiếng xấu nhiều hơn tiếng tốt.

Làm sao người ta có thể tin được người đẹp, mang trên mình cái danh hiệu có hấp lực cao, lại đi với đàn ông thành đạt, mà... không có chuyện gì xảy ra? Đâu có nói suông chơi, bởi thực tế lù lù ra đấy. Hoa hậu P.T.N theo chồng đại gia nhưng giờ phải sống cảnh không chồng vì chồng đang ở trong trại giam. Hoa hậu H.K.A thì mới đây cưới ông chồng đại gia thứ hai sau khi ông chồng đại gia thứ nhất đã vào tù.

Tất nhiên vẫn có nhiều hoa hậu hạnh phúc đề huề như Diệu Hoa, thành đạt như Ngọc Khánh chẳng hạn. Nhưng thói thường, vài cái điển hình không mấy đẹp kể trên lại làm người ta nhớ nhiều hơn cái đẹp, dẫn đến sự dị nghị và thiếu tin tưởng hơn đối với những "cặp phạm trù" người đẹp - đại gia.

"Bao nhiêu cuộc thi hoa hậu tổ chức xong rồi người ta không biết các cô ở đâu, ngay cả ông Dương Xuân Nam (trưởng BTC cuộc thi hoa hậu Việt Nam được biết đến nhiều nhất hiện nay - PV) cũng vậy. Nhưng đối với công ty chúng tôi thì các cô, dù rớt hay đậu, đều nằm dưới sự quản lý của chúng tôi, chứ không chạy đi đâu cả", bà Trần Thị Bích Mai, GĐ công ty Ánh Mai, đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu tài năng các vùng duyên hải khẳng định quyết tâm làm khác người như vậy.

Nhưng các người đẹp liệu có... bỏ chạy hay không, và công cuộc làm ăn dùng người đẹp đánh vào đại gia này có gây nên điều tiếng xấu nào không thì bà Mai bảo rằng mình không chắc chắn kiểm soát được!

Còn nhà tổ chức nào có cách làm "hậu hoa hậu" tốt hơn và giảm thiểu rủi ro hơn cách thức của công ty Ánh Mai? Hay cứ vẫn tôi có tiền (tài trợ) thì tôi tổ chức, hoa hậu nhận vương miện rồi đi đường hoa hậu, nhà tổ chức đi đường tổ chức, nhà tài trợ cũng cuốn logo là xong, 1 - 2 năm sau lại bày ra cuộc nữa? Ấy là chưa kể nhiều cuộc thi chỉ làm một lần rồi... lặn. Thực tế đã là như thế, mà vai trò của quy chế tổ chức thi hoa hậu sửa đổi ban hành năm 2006 lại đã bắc thêm một nấc thang cho những ý tưởng thương mại kia đang chực chờ để tiếp tục vùng vẫy.

Các cô gái có chút sắc vóc hy vọng một lần lật đời mình sang trang mới, đều luôn có rất nhiều nhà tổ chức hoa hậu đón chào. Họ rao tiêu chí này kia khác nọ chứ thật ra cũng na ná nhau cả thôi. Rớt cuộc này thì ta lại thi cuộc khác, người đẹp ạ, lo gì!

Bà Trần Thị Bích Mai, GĐ công ty Ánh Mai: "Không quan tâm chuyện người đẹp - đại gia yêu nhau"

Bà Bích Mai

Từ đâu bà lại có ý tưởng đào tạo người đẹp cho các doanh nhân thuê?

- Từ nhu cầu xã hội. Ngay bản thân tôi đây cũng muốn có một cô thư ký xinh đẹp, thông minh đi bên mình, nói gì các ông giám đốc cần người đẹp để đi giao dịch. Họ và công việc của họ nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi lẫn phía đối tác trong mọi dự án. Sau khi kết thúc một dự án, họ phải quên nó đi.

Bà có tính đến những phát sinh giữa người đi thuê và người được thuê?

- Ý anh nói là chuyện tình cảm của họ chứ gì? Chuyện đó chúng tôi không quan tâm. Họ cũng là con người chứ đâu phải thánh. Điều chúng tôi quan tâm là phải đạt được mục tiêu trong công việc. Sau giờ làm thì chuyện yêu đương là việc riêng của họ, miễn không ảnh hưởng đến công việc. Nếu không sẽ bị phạt theo hợp đồng dự án và chi phí đào tạo.

Nhưng trường hợp chuyện của họ không ảnh hưởng tới dự án, mà lại gây điều tiếng xấu ngoài xã hội?

- Chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi không thể bắt buộc họ phải làm việc mà không được yêu đương. Yêu đương như thế nào mà công việc vẫn chạy là được.

Khi tổ chức cuộc thi Hoa hậu tài năng các vùng duyên hải bà đã nghĩ tới lớp đào tạo này?

- Tôi đã có ý tưởng này trước khi tổ chức thi hoa hậu. Nhưng muốn có lớp này, phải tổ chức thi hoa hậu thì mới được nhiều người biết đến.

Vậy là bà tổ chức thi hoa hậu để kiếm học viên cho lớp người đẹp cho thuê?

- Chúng tôi tổ chức thi hoa hậu để tìm ra người vừa đẹp vừa có kiến thức, đáp ứng nhu cầu xã hội. Kế đến, nếu cần dự các cuộc thi quốc tế thì mình đã có đội ngũ sẵn.

Đào tạo hoa hậu đi thi thì được, chứ để xách cặp cho đại gia thì có khó coi đối với một hoa hậu?

- Người Việt chúng ta vẫn chưa có tư tưởng thoáng trong chuyện này. Có xách cặp mà vẫn giữ tư cách đạo đức, không làm gì sai thì có gì là sai. Không thể nói công việc đó là xấu, hay nói tôi là hoa hậu thì sẽ không làm việc đó. Cô có là hoa hậu thì về nhà cô vẫn phải lo cho chồng con.

Nhưng chính vì xã hội vẫn chưa tin tưởng ở chuyện đại gia - người đẹp nên càng cần phải có những bước đi cẩn trọng...

- Từ từ rồi sẽ có người nhìn nhận và hiểu. Không ai làm thì sẽ không có. Tôi làm điều này bị nhiều người phản đối. Nhưng tôi vẫn cố gắng làm để chứng minh cho người ta thấy hướng đi này có ích cho xã hội.

  • Võ Tiến

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,