221
5081
Tin tức
tintuc
/vanhoa/tintuc/
972074
Phim Lý Công Uẩn: Để không xấu hổ với tiền nhân
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Phim Lý Công Uẩn: Để không xấu hổ với tiền nhân
,

   (VietNamNet) - Đây không phải sự "pha trộn" hay "xào xáo" kịch bản, như một hai người nào đó quan niệm. Ai cũng biết kịch bản văn học chưa phải là phim mà mới chỉ là nguyên liệu ban đầu – Ông Lê Đức Tiến.

 

> NBK Thiên Phúc: Quyết tử cho Cụ Lý Thái Tổ quyết sinh?

> Phim Lý Công Uẩn: Gà cúng cần phải để nguyên con!
> Phim Lý Công Uẩn: Càng bàn càng rối!
> Phim Lý Công Uẩn: Sáng tạo chán lại quay về “truyền thống”!
> Tranh cãi xung quanh kịch bản phim Thái Tổ Lý Công Uẩn
> Phim 1000 năm Thăng Long: Làm lấy được may ra thì kịp!
> Kịch bản phim 1000 năm Thăng Long có bị bỏ quên?
> Phim lịch sử 1000 năm Thăng Long: 2 dòng nhưng 1 chuẩn?
> Sẽ có một "mùa" phim lịch sử Việt Nam?

 

Cho đến giờ phút này, dự án phim truyện nhựa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long về Vua Lý Thái Tổ vẫn còn nhiều câu hỏi ngỏ dù đã tìm được đơn vị thực hiện và đang triển khai những bước đầu. Trao đổi với ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, Giám đốc dự án phim Lý Công Uẩn, người có thể coi là “đầu mối” của những câu hỏi ngỏ này.

 

Ý kiến sai lệch là khó tránh khỏi

 

Theo dõi tuyến bài về phim Lý Công Uẩn đã được đăng trên VietNamNet, bản thân ông có ý kiến gì với phát biểu của những người liên quan?

 

Ông Lê Đức Tiến
Ông Lê Đức Tiến
- Trước hết, tôi không tán thành ý kiến cho rằng “đến giờ phút này dự án vẫn còn nhiều câu hỏi ngỏ”. Hãng Phim truyện Việt Nam (PTVN) sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan tới việc triển khai dự án này. 

 

Tôi đã đọc loạt bài liên quan đến bộ phim này đăng trên VietNamNet. Phim Thái tổ Lý Công Uẩn là một bộ phim lịch sử quy mô lớn của Điện ảnh Việt Nam, lại là phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, do đó đã được dư luận người xem, phóng viên báo chí, trong và ngoài ngành Điện ảnh, quan tâm theo dõi.

 

Phản ánh việc triển khai Dự án tại Hãng PTVN, sự hào hứng của đội ngũ cán bộ, nghệ sỹ... đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày bấm máy bộ phim lịch sử này được cập nhật tại vietnamfilm.com.

 

Một số ý kiến sai lệch, hoặc không chính xác của một vài cá nhân về công tác tổ chức triển khai bộ phim là điều không tránh khỏi. Những ý kiến như vậy của một vài người do trình độ, nhận thức và quan điểm làm phim còn hạn chế, hoặc thiếu thông tin v.v... cũng là dịp để anh em nghệ sỹ trong Hãng tham khảo, rút kinh nghiệm.

 

Tiếp cận với lịch sử, với danh nhân, với những chiến công, thành tựu hiển hách của tổ tiên cha ông, đặc biệt với vị vua anh minh, nhân hậu, người khai sáng đất Thăng Long - Thái tổ Lý Công Uẩn - để khai thác làm phim, đòi hỏi những nghệ sỹ điện ảnh phải có tinh thần trách nhiệm cao, sự nỗ lực phấn đấu nâng mình vươn lên tầm cao mới, gột bỏ những toan tính tầm thường, giữ tâm hồn trong sáng hơn, cao thượng hơn. Có như vậy may ra mới làm được điều gì đó tốt đẹp, để không xấu hổ với tiền nhân và có ích cho lớp con cháu noi theo.

 

Cách triển khai công việc của Ban chỉ đạo làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hãng phim truyện VN như thế nào mà ngay những người trong cuộc cũng không thống nhất thông tin – quan điểm (ý kiến của ông Nguyễn Trọng Tuấn và ông Đinh Thiên Phúc)?

 

- Sau khi nhận quyết định của UBND TP Hà Nội đặt hàng Hãng PTVN tổ chức sản xuất bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn, trong đó quy định trách nhiệm của Hãng PTVN, của Sở VHTT, Sở Tài chính và Văn phòng Ban chỉ đạo làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (BCĐ), các đơn vị thường xuyên gặp gỡ trao đổi công tác nhằm phối hợp điều hành triển khai Dự án phim.

 

Anh Nguyễn Trọng Tuấn hiện là Chánh văn phòng BCĐ có quyền phát biểu chính kiến của mình, mà tôi nghĩ rất có chừng mực. Một hai giả thiết mà anh Tuấn nêu ra (anh Tuấn đã dùng từ "có thể") về thời gian hoàn thành bộ phim, thì chúng tôi (Hãng PTVN, Sở VHTT và Văn phòng Ban chỉ đạo) cũng đã từng tính toán, bàn bạc. Anh Tuấn là nhà quản lý, nên luôn có những thận trọng cần thiết.

 

Nếu anh Đinh Thiên Phúc, tác giả kịch bản phát biểu ý kiến riêng của mình có điều gì thái quá, thì cũng dễ hiểu, và cũng không có gì mâu thuẫn với nội dung mà anh Tuấn phát biểu. Mong muốn chung của hai anh là bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn được triển khai thành công, đúng tiến độ, kịp thời phục vụ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

 

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng đã phát biểu trên báo là sẽ triển khai kịch bản của Lưu Trọng Ninh – Lưu Trọng Văn. Đạo diễn này cũng tuyên bố “Trong phim Lý Công Uẩn của tôi, hình ảnh người phụ nữ sẽ rất lớn. 70% lý do của việc dời đô là vì người tình”. Bản thân ông với tư cách là Giám đốc dự án của phim, ông nghĩ sao về ý kiến này?

 

- Tôi chưa được đọc bài phát biểu của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Hàng ngày, tôi thường xuyên trao đổi công tác với các đạo diễn của Hãng, trong đó có anh Ninh. Tôi không thấy anh Ninh nói gì với tôi về việc này.

 

Không ai lấy thực tế lịch sử để đăng ký bản quyền cho riêng mình

 

Được biết ông và nhà văn Lê Phương cũng tham gia đấu thầu dự án này. Bản thân ông với tư cách một đạo diễn dự thầu đã nhận được trả lời chính thức về kết quả dự thầu từ phía ban tổ chức chưa?

 

- Tôi đã được làm việc với Chủ tịch Hội đồng tư vấn tuyển chọn kịch bản và đọc nhận xét chính thức của các thành viên Hội đồng về kịch bản của chúng tôi và nhà văn Lê Phương.

 

NBK Thiên Phúc phát biểu trong kịch bản đang được nâng cao sẽ tập trung khai thác phần dời đô. Trong khi đạo diễn Đỗ Minh Tuấn lên tiếng cảnh báo “Nếu trong kịch bản "xào” có chuyện xung đột khi dời đô và định đô thì đó là vi phạm quyền tác giả”. Qua đây có thể thấy quan điểm và cách triển khai công việc của những người liên quan khá mâu thuẫn và phức tạp? Việc đó có dẫn đến những rắc rối kiện cáo về bản quyền không?

 

Chúng ta nên xem lại những điều khoản về Quyền Tác giả quy định trong Bộ Luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ mà Nhà nước ban hành. Trong các bộ luật đó, quy định: Quyền của tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo ,“Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ: Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học”... Tôi không tin là đạo diễn Đỗ Minh Tuấn có ý kiến như vậy: đăng ký bản quyền việc xung đột khi dời đô và định đô”. Lịch sử và những danh nhân đất nước là tài sản chung quý báu của tất cả chúng ta. Không ai lấy những sự việc, hiện tượng tự nhiên, xã hội, lấy thực tế lịch sử, sự kiện và danh nhân lịch sử, v.v… để đăng ký bản quyền cho riêng mình.

 

Và, với tư cách môt đạo diễn được Hà Nội mời tham gia viết kịch bản điện ảnh, tôi có thể nhắc anh Đỗ Minh Tuấn về việc trong Dự án triển khai phim truyện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của tôi gửi BCĐ (đợt đầu tiên, tháng 10/2005), đã trình bày về nội dung bộ phim Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cần lấy bối cảnh chủ yếu ở Đại La - Thăng Long, cần nhấn mạnh vai trò vua Lý Công Uẩn trong quyết định rời đô từ Hoa Lư về Đại La, kiến thiết Thăng Long, củng cố, lãnh đạo quốc gia Đại Việt ngày càng vững mạnh. Kèm theo là Đề cương cụ thể của bộ phim tương lai. Sau đó tôi cũng đã gửi một phần nội dung Dự án này qua Email trao đổi công việc cho anh Đỗ Minh Tuấn. Báo chí cũng đã chuyển tải một số nội dung của Dự án.

 

Hưởng ứng đợt viết kịch bản lần cuối của Hà Nội (tháng 5/2006), tôi cùng nhà văn Lê Phương đã triển khai kịch bản Lý Công Uẩn trên cơ sở Đề cương nêu trong Dự án triển khai phim truyện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tháng 7/2006 kịch bản Lý Công Uẩn hoàn thành đã được gửi về BCĐ, và đăng ký bản quyền tại Cục Bản quyền Tác giả Văn học Nghệ thuật ngày 11/8/2006. Tôi không nghĩ sẽ có "rắc rối kiện cáo về bản quyền” vì chẳng có ai vi phạm bản quyền tác phẩm của ai cả. Kịch bản của Đỗ Minh Tuấn, vì anh từ chối để Hãng sử dụng, nên cho tới giờ phút này Hãng PTVN chưa được đọc, và chắc đang lưu trữ an toàn tại Văn phòng Ban chỉ đạo làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

 

Ông Thiên Phúc nói sẽ chỉ dùng lời dẫn chuyện cho các đại cảnh, trận chiến… vậy là VN mất một cơ hội có phim “bom tấn”?

 

- Tôi nghĩ đây là ý kiến cá nhân anh Phúc, dưới góc độ nhà Biên kịch. Quy mô bộ phim ra sao, giải pháp nghệ thuật thể hiện các đại cảnh thế nào v v… sẽ được khẳng định trong Kịch bản phân cảnh và Tổng Dự toán phim.

 

Phải chăng thông tin bị “nhiễu loạn” như vậy vì ban tổ chức không đưa ra những thông tin rõ ràng khiến những người trong cuộc cũng mơ hồ và hoang mang. Là người trực tiếp nắm giữ dự án, ông có thể nói rõ: kịch bản và đạo diễn nào đã được chọn? (Theo như kế hoạch ông thông báo công khai trên Báo Văn nghệ trẻ, tháng 8 là thời điểm hoàn thiện kịch bản và đề xuất đạo diễn.)

 

- Tôi không nghĩ thông tin đang "nhiễu loạn”, mà những người cung cấp thông tin và chuyển tải thông tin tới bạn đọc, vì không có thông tin chính thức và đầy đủ, nên đã bị "nhiễu loạn” mà thôi. Cũng nên xem lại khái niệm “những người trong cuộc” là ai ? Trong thời điểm hiện tại," những người trong cuộc" theo tôi là các thành phần của Ban chuẩn bị Dự án phim“Thái tổ Lý Công Uẩn” mà Hãng PTVN đã thành lập. Sau khi Ban biên tập đã hoàn thành kịch bản hoàn chỉnh và nâng cao, được “Hội đồng tư vấn tuyển chọn kịch bản”, Lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Bộ VH-TT-DL và BCĐ thông qua, Ban chuẩn bị Dự án phim“Thái tổ Lý Công Uẩn sẽ trình các cấp có thẩm quyền xét duyệt:

 

-          Kịch bản phân cảnh,

-          Phác thảo các bối cảnh Nội và Ngoại,

-          Phương án tạo dựng bối cảnh,

-          Phác thảo các loại vũ khí quân sự, các loại thuyền chiến, thuyền rồng,

-          Phác thảo các mẫu phục trang, các loại đạo cụ,

-          Phương án nhân sự, chuyên gia, cố vấn tham gia Đoàn làm phim,

-          Phương án lựa chọn và đào tạo diễn viên,

-          Phương án huy động voi, ngựa, diễn viên quần chúng,

-          Phương án kỹ xảo,

-          Tổng Dự toán phim, Kế hoạch toàn trình,

-          Kế hoạch cấp phát kinh phí, Phương án làm hậu kỳ, v.v…

 

Mọi công tác đều rõ ràng và cụ thể. Những người am hiểu quy trình sản xuất Điện ảnh sẽ không bao giờ bị "nhiễu loạn”.

 

Về kịch bản bộ phim tương lai, xin phép được trình bày cụ thể: Sau khi nhận được Quyết định đặt hàng làm phim Thái tổ Lý Công Uẩn của UBND thành phố Hà Nội, Hãng PTVN đã làm việc với Chủ tịch Hội đồng tư vấn tuyển chọn kịch bản Văn phòng BCĐ tiếp cận nghiên cứu những biên bản các cuộc họp thẩm định đánh giá chất lượng các kịch bản của các tác giả, đạo diễn đã gửi về Hà Nội qua các đợt tuyển chọn kịch bản trong 2 năm qua, tổng cộng có 4 kịch bản. Cuộc họp cuối cùng với những ý kiến cụ thể của 10 thành viên Hội đồng tư vấn đã phân tích những mặt được và chưa được của 4 kịch bản điện ảnh đó, gồm:

 

1.       THÁI TỔ LÝ CÔNG UẨN của Biên kịch Đinh Thiên Phúc,

2.       LÝ CÔNG UẨN của Đạo diễn Lưu Trọng Ninh,

3.       LÝ CÔNG UẨN của đồng tác giả Nhà văn Lê Phương và Lê Đức Tiến.

4.       NGƯỜI CHA CỦA THĂNG LONG của Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn.

 

Hãng PTVN chủ trương tận dụng các ưu điểm của từng kịch bản để hoàn chỉnh nâng cao kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn của Biên kịch Đinh Thiên Phúc - Kịch bản đoạt giải B cuộc thi kịch bản phim lịch sử về Thăng Long-Hà Nội và đã được BCĐ đề nghị đưa vào sản xuất. Hãng PTVN đã đề nghị các Đạo diễn, Tác giả đồng ý cho Hãng sử dụng kịch bản của mình, nhưng cuối cùng chỉ có Đạo diễn Lưu Trọng Ninh và đồng tác giả Lê Phương, Lê Đức Tiến đồng ý bán bản quyền kịch bản cho Hãng.

 

Trong kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn của Biên kịch Đinh Thiên Phúc, phần các vua triều Tiền Lê, phần Lý Công Uẩn lên ngôi và quyết định dời đô được viết tương đối kỹ. Kịch bản kết thúc vào năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn rời Hoa Lư về Đại La, và đặt tên Thăng Long cho kinh đô mới. Ngoài nhân vật trung tâm là Lý Công Uẩn, thì bối cảnh và các nhân vật chủ yếu của phim là Hoa Lư và Triều Lê. Kịch bản phim hoàn chỉnh nâng cao sẽ được bổ sung những nội dung mới từ 2 kịch bản của Lưu Trọng Ninh và của đồng tác giả Lê Phương, Lê Đức Tiến.

 

Ngẫu nhiên nhưng thật may mắn như có sự sắp đặt từ đâu đó, 2 kịch bản mới vừa bổ sung, vừa tiếp nối cho kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn: Bổ sung thêm "các tình huống tâm lý, kịch tính" và tiếp nối phần "định đô tại Thăng Long", tạo nên nội dung và bố cục hoàn chỉnh cho bộ phim tương lai với 3 phần: Lý Công Uẩn lên ngôi, rời đô và định đô tại Thăng Long, đặt nền móng cho triều Lý vẻ vang và Đô kỳ ngàn năm.

 

Đây không phải sự "pha trộn" hay "xào xáo" kịch bản, như một hai người nào đó quan niệm. Ai cũng biết kịch bản văn học chưa phải là phim mà mới chỉ là nguyên liệu ban đầu. Đạo diễn-Tác giả chính của phim cùng tập thể thành phần sáng tác khác như: Diễn viên, Quay phim, Họa sỹ, Nhạc sỹ... mới là người thể hiện kịch bản thành phim. Sự nhất quán trong phong cách và thể loại bộ phim tương lai sẽ phụ thuộc vào Đạo diễn và êkíp làm phim sau này.

 

Trong sản xuất Điện ảnh, không hiếm gặp những bộ phim mà kịch bản là do một tập thể sáng tạo. Ngay ở Việt Nam, nhiều bộ phim được quay theo kịch bản do nhiều Biên kịch cùng viết như: Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa đông 1946, Giải phóng Sài Gòn, Hà Nội 12 ngày đêm...  đã gặt hái được thành công. Mà nếu có bổ sung, chỉnh lý để hoàn chỉnh, nâng cao kịch bản, tạo nên một kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn có chất lượng mới, có tầm cao mới, xứng đáng để làm bộ phim đúng với tầm vóc của Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, đó chẳng phải là mong muốn của tất cả chúng ta, những Biên kịch, Đạo diễn, những người làm phim và của khán giả cả nước hay sao?

 

Đây là công việc rất cần thiết phải làm trong giai đoạn chuẩn bị trước khi tiến hành làm Kịch bản phân cảnh Tổng Dự toán, thể hiện tính chuyên nghiệp, sự thận trọng cần thiết của công tác Điều hành sản xuất, đồng thời là sự bổ sung kịp thời những khiếm khuyết trong các kịch bản Điện ảnh gửi về Hà Nội mà Hội đồng tư vấn tuyển chọn kịch bản đã phân tích tổng kết. Về Đạo diễn và các thành phần chính Đoàn làm phim, Hãng PTVN sẽ bàn bạc thống nhất trước khi quyết định, sau khi Kịch bản hoàn chỉnh được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

 

Công việc đang triển khai không ảnh hưởng đến phong cách bộ phim

 

Ông Tiến (thứ hai bên trái) cùng NBK Thiên Phúc và hai trợ lý Trường Khoa, Hữu Mười
Ông Tiến (thứ hai bên trái) cùng NBK Thiên Phúc và hai trợ lý Trường Khoa, Hữu Mười
Cũng theo kế hoạch trên Báo Văn nghệ trẻ thì tháng 9/2008 “Thái tổ Lý Công Uẩn” mới chính thức bấm máy, liệu như vậy có quá muộn? Liệu chúng ta có thể thực hiện những cảnh đơn giản trước để tiết kiệm thời gian?

 

- Chúng ta không thể "thực hiện những cảnh đơn giản trước để tiết kiệm thời gian" trong khi chưa có và chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt Kịch bản phân cảnh, Tổng dự toán, Kế hoạch toàn trình, thành phần diễn viên, kinh phí sản xuất, v.v... Không thể đốt cháy giai đoạn. Công tác chuẩn bị quay phim theo dự kiến ban đầu là 12 tháng, từ 1/2008 đến 12/2008, trong đó phức tạp nhất là xây dựng bối cảnh. Tháng 9/2008 khởi quay bộ phim là đã có sự “cuốn chiếu”, vì sẽ tiến hành song song việc quay phim và hoàn thành xây dựng những bối cảnh phức tạp nhất.

 

Khi đạo diễn chính chưa được quyết định, các công việc khác như xây dựng bối cảnh, phục trang.. đã được triển khai liệu có mâu thuẫn với quan điểm của đạo diễn sau này?

 

- Các công tác mà Ban chuẩn bị Dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn đang triển khai là một phần việc bắt buộc của một Dự án làm phim lịch sử lớn, là các công việc chuyên môn, kỹ thuật mà bất cứ Đạo diễn nào sau này được được giao trách nhiệm đạo diễn phim cũng phải nghiên cứu, thực hiện, và hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới phong cách bộ phim sau này.

 

Việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa đời sống, kiến trúc, điêu khắc... triều Lý phục vụ công tác làm phim rất khó khăn và mất nhiều thời gian, vì thiếu tài liệu, sách vở, hiện vật... phải sưu tầm bằng nhiều phương pháp, trong nước và nước ngoài. Do đó ngay từ bây giờ phải huy động các Họa sỹ, các Chuyên gia chuẩn bị các phương án bối cảnh, phục trang, đạo cụ... Vả lại, trong thành phần Ban chuẩn bị Dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn của Hãng PTVN có các đạo diễn tham gia nên những công tác đang chuẩn bị ở Hãng rất thực tiễn, sát sao, và rất bổ ích cho Đoàn làm phim sau này.

 

Ông nghĩ sao về ý tưởng phần lớn phim sẽ được làm ở nước ngoài. Đó là lựa chọn tối ưu hay duy nhất? Nếu làm 100% trong nước liệu có được không, nếu được phải cần những điều kiện gì?

 

- Hãng PTVN đang trong quá trình xây dựng Dự án, nên chưa thể khẳng định chính xác các địa điểm quay. Như đã có lần Hãng PTVN trả lời chính thức trên báo chí, sẽ tận dụng xây dựng bối cảnh quay trong nước: Hoa Lư, Cổ Loa, Đại Lải, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, ven sông Hồng v.v...

 

Để có thể khẳng định địa điểm chính dựng bối cảnh, Ban chuẩn bị Dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn của Hãng còn phải đi khảo sát nhiều nơi khác nữa. Hãng cũng đã tính cả phương án sau khi quay xong, tu chỉnh các bối cảnh thành điểm tham quan du lịch, và phục vụ làm phim lịch sử, phim truyền hình dài tập... Hãng PTVN đã xúc tiến làm việc với Ban chuẩn bị đầu tư Dự án trường quay Cổ loa để phối hợp dựng một số bối cảnh tại Trường quay Cổ Loa, việc này đang tiến triển thuận lợi.

 

Chúng ta hoàn toàn có khả năng triển khai phim này với tiềm lực trong nước là chính, có thể sẽ sử dụng chuyên gia cố vấn nước ngoài cho những lĩnh vực mà Điện ảnh Việt Nam còn yếu và thiếu hụt, như: kỹ xảo hình ảnh, xây dựng bối cảnh, âm thanh, hóa trang, phục trang, v.v... Chúng tôi tin rằng bộ phim hoàn thành sẽ đem tới đông đảo người xem không khí phấn khởi, hào sảng, niềm tự hào về Đất nước, Dân tộc, trong ngày hội lớn Ngàn năm Thăng Long.

 

Xin cảm ơn ông!

  • Hoàng Hường (Thực hiện)

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,