221
5081
Tin tức
tintuc
/vanhoa/tintuc/
986290
Liên hoan phim Việt 15: Không thể thay đổi điều lệ!
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Liên hoan phim Việt 15: Không thể thay đổi điều lệ!
,

(VietNamNet) - LHP Việt Nam là sinh hoạt nghề nghiệp lớn. Nó có luật chơi riêng. Nếu bây giờ chúng ta thay đổi điều gì thì phải thay đổi điều lệ - Ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh.

 

  > Không có người nước ngoài trong ban giám khảo

 

Điều lệ quy định rồi

Ông Lê Ngọc Minh
Ông Lê Ngọc Minh

Thưa ông, tại sao chúng ta chỉ mời các vị khách quốc tế ngồi vào ghế khách mời mà không phải ghế giám khảo?

 

- LHP Việt Nam đã trải qua 14 kỳ, và nay là lần thứ 15. Chúng tôi cho rằng các nhà điện ảnh Việt Nam đủ tài năng, trình độ cảm nhận để thẩm định các tác phẩm cho các đồng nghiệp mình, không nhất thiết phải mời chuyên gia nước ngoài.

 

Trừ những LHP quốc tế, LHP của các quốc gia trên thế giới cũng không có người nước ngoài ngồi ghế giám khảo. Trên thực tế qua 14 kỳ liên hoan trước, chúng ta đã chọn được những tác phẩm xứng đáng. Nhiều tác phẩm đó cho đến nay vẫn là những nguyên giá trị. Vậy tại sao chúng ta phải “nhờ cậy” đến người ngoài?

 

Nhưng kỳ liên hoan nào chúng ta cũng không tránh khỏi những điều tiếng kiểu “chia giải”, “vừa đá bóng vừa thổi còi” hay “vuốt mặt khó tránh mũi”... những vị giám khảo là người ngoài sẽ khiến cuộc thi khách quan hơn?

 

- Tôi tin những vị giám khảo Việt Nam có đủ bản lĩnh và lòng tự trọng để vượt qua những điều đó. Họ sẵn sàng đặt những mối quan hệ cá nhân sang một bên.

 

Theo quan sát của cá nhân tôi, những người được chọn vào BGK trong những LHP trước đều khá vô tư, công bằng và đặt quyền lợi cao nhất của ngành điện ảnh lên trên để tìm ra những cá nhân và tác phẩm thật sự xuất sắc. Hơn nữa tôi không tin bất cứ nghệ sĩ nào có thể hy sinh lòng tự trọng và uy tín của mình vì một quan hệ cá nhân nào đó.

 

Hội nhập không có nghĩa chỉ hướng ngoại

Liệu Áo lụa Hà Đông có tiếp tục tạo ra một cơn bão dư luận như ở giải thưởng Cánh diều vàng?
Liệu Áo lụa Hà Đông có tiếp tục tạo ra một cơn bão dư luận tại LHP 15 như ở giải thưởng Cánh diều vàng?

 

Nhưng nếu việc mời nghệ sĩ nước ngoài vào vị trí “cân đo đong đếm” là nguyện vọng từ những người làm phim thì Cục Điện ảnh có cân nhắc không?

 

- Trước hết LHP là sinh hoạt nghề nghiệp lớn, hai năm rưỡi, 3 năm mới có một lần, và đã có “thâm niên” được gần 40 năm. Nó đã có “luật chơi”. Đó là điều lệ của LHP và những quy định rõ ràng.

 

Điều lệ LHP khẳng định thành viên BGK phải là những nhà hoạt động điện ảnh ưu tú, có uy tín trong các lĩnh vực sáng tác, sản xuất, phổ biến phim… và không có phim dự thi trong loại hình mà mình là thành viên BGK. Điều lệ đã quy định như vậy, nếu bây giờ chúng ta thay đổi điều gì thì phải thay đổi điều lệ...

 

Nhưng tiêu chí của LHP năm nay là "Vì một nền điện ảnh VN đổi mới và hội nhập", có lẽ là thời điểm thích hợp để thay đổi?

 

- Theo tôi, nên hiểu khái niệm hội nhập rộng hơn một chút, bao gồm hội nhập giữa phim nhà nước và phim tư nhân, giữa phim của những người trẻ năng động với người lớn tuổi nhiều kinh nghiệm, giữa các thể loại, giữa điện ảnh Việt Nam và điện ảnh thế giới. Chúng ta nên hiểu “hội nhập” là bao gồm cả hội nhập nội bộ và hội nhập bên ngoài. Ở đây tính hội nhập nhằm tạo cơ hội cho sự ganh đua lớn hơn, tạo tính thị trường cao hơn chứ không phải chỉ đơn giản là hướng ra bên ngoài.

 

Cánh diều vàng là bài học lớn

 

Nhưng có một thực tế là gần đây các LHP nội chịu rất nhiều điều tiếng, nếu không nói là đang giảm uy tín, đặc biệt khi những bê bối quanh giải thưởng Cánh diều vàng bị mổ xẻ trên mặt báo?

 

- Đây là hai hoạt động hoàn toàn khác nhau. Lễ trao giải Cánh diều vàng được Hội Điện ảnh tổ chức hàng năm, còn LHP Việt Nam do Cục Điện ảnh tổ chức hai năm rưỡi, 3 năm một lần. Tất nhiên cả hai đều hướng đến những giá trị nghệ thuật, nhân văn nhưng cung cách thì không phải hoàn toàn như nhau. Khi tổ chức các sự kiện văn hoá lớn cũng khó tránh khỏi điều này điều khác, nhưng cơ bản là vẫn đạt được những mục đích chính, vẫn có những dư âm tích cực. Theo tôi, nhìn lại mỗi kỳ LHP Việt Nam vẫn còn thấy đọng lại nhiều điều và cơ bản vẫn giải quyết được câu hỏi: công chúng đón nhận LHP như thế nào và các tác phẩm được tôn vinh có xứng đáng không?

 

Theo ông thì sao?

 

- Những phim được giải từ trước đến nay phần lớn đã thành giá trị kinh điển. Hơn nữa từ LHP 14 các hãng phim tư nhân cũng bắt đầu tham gia và cũng đoạt giải. LHP 15 cũng sẽ có nhiều phim tư nhân, cho đến giờ này đã có 5, 6 phim truyện nhựa đăng ký. LHP đã trở thành một sân chơi bình đẳng. Chính vì thế, nhiệm vụ của Ban Tổ chức là phải tìm được một BGK tối ưu nhất, và khi đã giao trọng trách cho họ rồi là phải hoàn toàn tin tưởng ở họ.

 

Như ông phân tích thì Cánh diều vàng và LHP Việt Nam (Bông sen vàng) là hoàn toàn khác nhau, nhưng trên thực tế thì đầu phim vẫn vậy, các thành phần tham gia, và thành viên giám khảo vẫn là các chuyên gia quen thuộc, vậy cũng khó có thể nói những điều tiếng từ “Cánh diều vàng” không làm ảnh hưởng đến “Bông sen vàng”?

 

- Đó sẽ là bài học rất đáng tham khảo cho những người làm công tác tổ chức. Chúng tôi đã cân nhắc khá kỹ lưỡng việc lựa chọn BGK và tổ chức chấm giải, đồng thời học hỏi rất nhiều từ các LHP cũng như cách đánh giá tác phẩm từ các giải thưởng điện ảnh quốc tế. Không ai dám nói một hoạt động lớn như vậy mà toàn bích, không có sai sót gì, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực ở mức cao nhất. Ngoài những giải thưởng chính, chúng tôi còn có giải thưởng do khán giả bình chọn được tổ chức tại chỗ thay vì cách tính trên số vé được thống kê, điều tra từ công tác chiếu bóng.

 

Xin cảm ơn ông! 

  • Hoàng Hường (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,