,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
142268
Tạm lấp cát để khai quật sau; xây bảo tàng ngoài trời hay...?
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,
Phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ khu vực xây toà nhà Quốc hội mới

Tạm lấp cát để khai quật sau; xây bảo tàng ngoài trời hay...?

Cập nhật lúc 15:15, Thứ Ba, 11/11/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Sáng nay (11/11), Ban Tư tưởng Văn hoá TƯ và Bộ VH-TT đã họp báo về kết quả bước đầu khai quật khảo cổ học tại khu vực Ba Đình và việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử này. Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin ông Phạm Quang Nghị cho biết Chính phủ xác định đây là các di tích đặc biệt có giá trị, cần được nghiên cứu một cách chi tiết, đầy đủ và khoa học nhất. Ba phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích này đã được đưa ra, nhưng Bộ trưởng Phạm Quang Nghị cho rằng ''chưa có được phương án tối ưu''.

Lớp cắt các tầng văn hoá đã khai quật

Chưa thể biết có bao nhiêu hiện vật!

Trong cuộc họp báo sáng nay, các quan chức của Bộ VH-TT và Viện khảo cổ đã khẳng định giá trị to lớn của di chỉ thành Thăng Long xưa như là một sự đóng góp to lớn vào kho tàng di sản văn hoá của dân tộc. Bộ trưởng Bộ VH-TT cũng đã thông báo vắn tắt quyết định mới đây của Bộ chính trị về kế hoạch Hoãn việc xây dựng toà nhà Quốc hội mới, chuyển địa điểm xây dựng Hội trường Quốc gia về khu vực Mỹ Đình.

Kệ kê cột bằng đá được cho là thuộc thời Trần

Ông Tống Trung Tín, Viện phó Viện Khảo cổ học cũng đã trình bày một cách khái quát những kết quả bước đầu của quá trình khai quật với những hình ảnh thuyết phục ghi lại từ hiện trường khu vực định xây toà nhà Quốc hội mới. 4 khu vực khai quật: A, B, C và D trải rộng trên diện tích 16.000m2 được tiến hành phát lộ suốt gần một năm qua đã nói lên quy mô rất hoành tráng của Hoàng Thành Thăng long xưa trải dài suốt 1000 năm. Hiện tại 16.000/ 22.000m2 đã được khai quật xong. Dự kiến số diện tích còn lại sẽ khai quật trong vòng 3-4 tháng nữa. Mặc dù mới chỉ tiến hành phát lộ một diện tích nhỏ trong tổng số hơn 50.000m2 dự định khai quật nhưng kết quả cho thấy đây là di chỉ khảo cổ có giá trị nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Chính ông Tống Trung Tín cũng cho rằng không thể biết tại đây có bao nhiêu hiện vật và di chỉ này là vô giá. Nhiều phát hiện có thể giải thích cho những biến động của lịch sử hình thành và phát triển kinh thành Thăng Long. Hệ thống di vật quý giá và tiêu biểu lần đầu tiên cũng được đưa ra một cách hoàn chỉnh: gạch Giang Tây Quân (TK 7-9), vò men đặc trưng của TK 7,  gạch có khắc chữ Hán Đại Việt Quốc Quân Thành Chuyên (được xây vào thời Đinh), tượng đầu rồng, phượng, các loại lá đề gắn trên đầu ngói ống của thời Lý - Trần...

Bình rượu gốm thời Trần
Bình gốm cổ đời Trần được tìm thấy tại khu vực khảo cổ

Trước giá trị văn hoá và lịch sử to lớn của di chỉ khảo cổ này, có 3 phương án bảo tồn di chỉ quý giá này được đưa ra. Đó là:

1. Bảo tồn toàn bộ di tích khai quật được trong khu vực dự định xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) như một bảo tàng ngoài trời nhằm phát huy tác dụng giáo dục truyền thống văn hiến nghìn năm của dân tộc.

2. Kết hợp xây dựng các công trình mới với bảo tồn tại chỗ một số bộ phận tiêu biểu, quý giá nhất của di tích. Đồng thời xem xét việc dành một diện tích nhất định trong khu vực này xây dựng một Bảo tàng (có thể gọi là bào tàng Thăng Long) hoặc dành một phần diện tích trong Nhà Quốc hội (mới) để trưng bày những tài liệu, hiện vật, mô hình hiện trạng di tích khai quật được ở khu vực này.

3. Trong trường hợp chưa đủ các điều kiện về quản lý, bảo vệ, bảo quản, kỹ thuật và tài chính để bào tồn tại chỗ thì tạm lấp cát, khi nào hội đủ điều kiện sẽ khai quật lại để bảo tồn và phát huy giá trị di tích này.

Cốt táng được phát hiện tại khu vực

Trước 3 giải pháp nêu trên, Bộ VH-TT khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm KHXH & NV quốc gia tham khảo ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước để xem xét đánh giá một cách khoa học kết quả khai quật và đề xuất phương án bào tồn và phát huy giá trị di tích có ý nghĩa đặc biệt này.

Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị cũng đã thừa nhận trong buổi họp báo sáng nay rằng có nhiều luồng ý kiến khác nhau, mỗi người đều có lý do riêng để chọn phương án họ cho rằng thích hợp nhất. "Thậm chí, có cả phương án phải lấp cát lại đã vì ta chưa đủ trình độ, tiền bạc và thời gian đánh giá đó là của triều Lý-Trần hay Lê, ngồi mà bàn luận cho rõ thì lâu quá nên cứ lấp cát lại để mai sau con cháu trưởng thành, khoa học phát triển, tài chính dồi dào thì đào hết cát lên rồi tính. Phương án nào có lợi nhất cho đất nước và dân tộc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tài chính và trình độ kỹ thuật... sẽ được lựa chọn".

Các cán bộ khảo cổ tại công trường

Lấp cát đợi thế hệ sau?

Theo ý kiến của ông Đào Quý Cảnh - một nhà khảo cổ học trực tiếp tham gia khai quật - thì với diện tích còn lại (khoảng 6.000m2) giữ lại và tiến hành khai quật từ đầu 2004 - trước 2010 để chuẩn bị cho 1.000 năm Thăng Long. Sau đó sẽ tiếp tục khai quật, lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới. Hiện di tích đã lộ ra 16.000m2, bề mặt di tích này càng để lâu phơi ra nắng gió thì sẽ nhanh hỏng. Hiện tại bề mặt các hố khai quật đã nứt nẻ, bong tróc và thiếu độ kết dính. Việc bảo quản những gì đã thu được khá đơn giản: các nhà khảo cổ học có kinh nghiệm cho rằng cần phủ lên trên bề mặt một lớp nilon, khoan các lỗ thoát nước và đổ cát lên trên. Khi nào có điều kiện bảo tồn thì dỡ lớp cát đó đi. 

Gạch từ thế kỷ thứ 7

Vị trí của điểm khai quật trong tổng thể các công trình lịch sử khu trung tâm Ba Đình

Ông Cảnh cũng nói thêm ''dù thế nào vẫn phải giữ lại một phần di tích đáng kể cho các thế hệ sau làm tiếp'', vì họ có điều kiện, phương tiện nghiên cứu tốt hơn, tổng kết được kinh nghiệm của những người khai quật trước. Cách làm này không hề xa lạ với thế giới. Tiêu biểu là cách làm với mộ Tần Thuỷ Hoàng của các nhà khảo cổ Trung Quốc. Trong giai đoạn hiện nay khi phương tiện kỹ thuật và kinh nghiệm bảo tồn di tích ngoài trời vẫn còn kém, chúng ta cần vài năm để đào tạo cán bộ khảo cổ theo kinh nghiệm nước ngoài.

Viện phó Viện Khảo cổ học Tống Trung Tín:
"Việc bảo quản cổ vật còn nhiều chuyện phức tạp lắm"

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi ngắn với Viện phó Viện Khảo cổ học Tống Trung Tín, chủ nhiệm dự án Khai quật khảo cổ học khu vực xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới.

Bộ trưởng Phạm Quang Nghị phát biểu tại cuộc họp báo sáng 11/11.

- Với một diện tích lớn như vậy, mà thời gian khai quật chỉ 3-4 tháng. Theo ông, thời gian đó có đủ không?

- Thời gian tiến hành khảo cổ nói chung đúng là phải tiến hành thư thả nhưng thời gian vừa qua, theo yêu cầu về tiến độ, chúng ta đã làm có phần quá nhanh. Trên đại thể số lượng cán bộ và công nhân được tăng lên rất nhiều để đảm bảo cả vấn đề tiến độ và khoa học. Sắp tới chúng tôi sẽ phải khai quật khoảng 6.000m2 nữa, nếu có mặt bằng thì sẽ đảm bảo được vì chúng tôi sẽ tăng thêm người, trong trường hợp đặc biệt có thể tăng lên 30-40 cán bộ. Thời gian tiến hành khai quật vừa qua, kể cả cán bộ trong và ngoài Viện khảo cổ lên đến 60 người. Tuy nhiên, phương pháp vẫn sẽ giữ nguyên như cũ. Công việc này cũng sẽ dính nhiều đến việc quy hoạch khảo cổ học nhất là quy hoạch khảo cổ học đô thị. Theo ý kiến của giới chuyên môn thì những diện tích không bị thúc ép bởi vấn đề tiến độ thì sẽ khai quật hết theo phương pháp khảo cổ học. 

- Thưa ông, ta đã có ý định cử cán bộ khảo cổ học đi học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài chưa?

- Tất cả mọi việc còn đang ở cả trong đầu. Khi có quyết sách, phần việc nào thuộc Bộ VH-TT thì Bộ làm, còn việc nào liên quan đến các nhà khoa học thì chúng tôi sẽ làm. Việc bảo quản cổ vật có hai loại. Công tác bảo quản tại chỗ cũng chỉ mới bắt đầu vì liên quan đến bảo tàng ngoài trời. Chúng tôi cũng đã kết hợp với các chuyên gia khoa học tự nhiên nghiên cứu vấn đề nấm mốc, chống ẩm... Hàng ngày cổ vật vẫn được bảo quản theo nghiệp vụ thông thường của khảo cổ học. Tuy nhiên, việc bảo quản cổ vật còn nhiều chuyện phức tạp lắm.

Đầu rồng đất nung được cho rằng thuộc thời Trần (được giả định thuộc mô hình kiến trúc cung điện như bản vẽ bên trên)

- Làm thế nào để phát huy những giá trị khảo cổ này một cách tốt nhất trong khi có nhiều ý kiến khác nhau?

- Chúng ta chưa từng có kinh nghiệm làm bảo tàng ngoài trời. Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học lớn thì chúng ta chưa có chuyện gia thực thụ nào về bảo tàng ngoài trời. Nhưng đối với di tích quý giá vừa tìm thấy, giới khoa học chúng tôi trước sau như một nhất trí kiến nghị với Chính phủ giữ lại di chỉ quý giá này, vì nếu bỏ đi thì di tích sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Chúng tôi sẽ tự tìm phương pháp nghiên cứu, kết hợp mời các chuyên gia tư vấn quốc tế, mở hội nghị tham vấn lấy ý kiến của các nơi đã có kinh nghiệm xây dựng bảo tàng ngoài trời nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Thuận lợi của chúng tôi là Viện khảo cổ học cũng bắt đầu quen với việc nghiên cứu những hiện trường như thế này. Nhưng khó khăn lớn nhất là việc tiến hành khai quật trong môi trường đô thị gặp phải nhiều lực cản trong công tác giải phóng mặt bằng.

- Có 3 giải pháp bảo tồn, phát huy di tích đã được đưa ra, cá nhân ông ủng hộ giải pháp nào?

- Các nhà khảo cổ học và khoa học đề nghị theo phương án bảo tàng ngoài trời. Tôi cũng là người đã nêu lên đề nghị bảo tồn toàn bộ ngoài trời. Muốn làm như vậy, chúng ta phải có nghiên cứu, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy. Hiện tại, nhiều nơi khai quật xong chỉ làm mái che. Nếu không có bảo quản và tôn tạo thì sẽ làm cho di tích hư hỏng.

  • Bích Hạnh

,
,