,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
29820
Nhạc trẻ - bao giờ lấy lại chất lượng?
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Nhạc trẻ - bao giờ lấy lại chất lượng?

Cập nhật lúc 19:54, Thứ Hai, 17/03/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Năm 2003 hứa hẹn một sự thay đổi lớn trong thị trường ca nhạc. Sân khấu âm nhạc trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều giọng ca trẻ với cách thể hiện độc đáo, trẻ trung. Nhiều ban, nhóm nhạc tan rã. Không phải họ giải nghệ mà họ tách mình ra để hát sôlô, để tự khẳng định vị trí của mình. Bên cạnh niềm vui thị trường ca nhạc trong nước khởi sắc, cũng còn nhiều băn khoăn về chất lượng của ca sĩ hiện nay cùng với những ca khúc mà họ thể hiện.

Ca sĩ Mỹ Tâm

Ca khúc thời mở cửa

Chưa bao giờ những tác phẩm âm nhạc ra đời nhanh và nhiều như hiện nay. Những ca khúc được thai nghén bằng loại ''giống'' ngắn ngày. Các nhạc sĩ đã tung những đứa con tinh thần của mình một cách gấp gáp để kịp theo đơn đặt hàng. Như một người tung, một người hứng nhịp nhàng, nhạc sĩ là người thai nghén, ca sĩ là những người quảng cáo ca khúc. 

Bên cạnh những ca khúc sáng tác, một số "nhạc sĩ" đã tỏ ra "nhanh nhậy" khi sử dụng vốn liếng ngôn ngữ của mình để viết lời cho những ca khúc nhạc ngoại. Những bài hát kiểu này khá thú vị, ấn tượng nhưng nếu xem xét kỹ một chút chỉ là sự lắp ráp các từ ngữ vô nghĩa. Nội dung nhạt nhẽo, hời hợt xoay quanh chủ đề tình yêu: đau khổ vì chia xa, vì không yêu được người trong mộng...

Một nhà giáo dạy nhạc cho hay: ''Thật không thể chấp nhận những ca khúc với những ca từ rỗng tuếch, khờ khạo. Nên chăng chúng ta cần phải thành lập một hội đồng duyệt các tác phẩm âm nhạc trước khi đưa tác phẩm đến với công chúng''.

Những lời ca não nề như ''Ngày anh ra đi mang theo trái tim em..., ai đã từng khóc vì yêu...'', ''Tình là trái đắng không tên...'' hay ''Người đã đến với em thì mãi mãi có nhau...'' lại được khán giả trẻ yêu thích. Thậm chí, một bài hát nhạc ngoại có đến hai ba lời Việt khác nhau như Tình đơn côi, Liều thuốc cho trái tim, Tình đơn phương...

Ca sĩ hay con rối?

Nhạc sĩ cần ca sĩ và ngược lại. Thế nên, nhiều ca sĩ đã trở thành con rối trên sân khấu âm nhạc. Hiện nay, trào lưu nhạc trẻ vươn lên chiếm vị trí số một trên thị trường âm nhạc. Các album nhạc trẻ sôi động, trẻ trung bán chạy hơn các thể loại nhạc khác. Tại các cửa hiệu kinh doanh băng đĩa nhạc, gian hàng nhạc trẻ bao giờ cũng được nhiều người tìm đến. Trong khi đó, nhạc truyền thống với những sáng tác ''đi cùng năm tháng'' do những nhạc sĩ tên tuổi được thể hiện bởi những ca sĩ được đào tạo bài bản lại chỉ có ít người tìm mua. Khách hàng của loại nhạc này là những người có tuổi, còn một số lượng lớn các bạn trẻ chỉ ''trung thành'' với thể loại nhạc nhảy nhót hay rền rĩ yêu đương.

Người ta mải đổ xô đi tìm các album mới nhất của thần tượng. Dường như đây là thời đại của các ''công chúa'' của dòng nhạc teen-pop. Bước lên sân khấu ca nhạc nhưng nhiều ''ca sĩ'' chưa đủ ''chất'' để trở thành một ca sĩ thực thụ. Khán giả hâm mộ quay cuồng theo từng điệu nhảy, bị lôi cuốn với những bộ cánh khêu gợi. Những ca sĩ kiểu này tồn tại nhờ vào lăng xê của ông bầu và sự ủng hộ của giới trẻ. Trong khi đó, những ca sĩ đi theo dòng âm nhạc đích thực, thứ âm nhạc không hề dựa dẫm vào những màn nhảy múa, những bộ trang phục siêu gợi cảm lại không được khán giả ưu ái bằng.

Ca sĩ vừa hát vừa nhảy khi chất giọng yếu thì việc hát một bài đã quá mệt nói gì đến hát vài bài trong một chương trình, thậm chí mấy chương trình trong một đêm. Vì vậy, việc hát nhép đã gần như thành tất yếu đối với các ca sĩ hát "sô". Hát nhép đã trở thành căn bệnh căn bệnh nan y chưa có thuốc chữa.

Điều đáng nói là, mặc dù hát nhép nhưng tiền cátxê họ được nhận như hát bình thường. Hoá ra, khán giả bỏ tiền đến thưởng thức ca nhạc chỉ là để nhìn thấy ca sĩ uốn éo trên sân khấu còn lời bài hát chính là đĩa họ mua nhan nhản trên thị trường. Hát nhép không chỉ phổ biến đối với ca sĩ giọng dở hoặc trung bình, mà còn cả một số giọng đang nổi. Đến bao giờ ''căn bệnh'' hát nhép mới có thuốc chữa khỏi?

Mới nổi trên sân khấu nhạc trẻ, một ca sĩ mới 21 tuổi nhưng đã nhanh chóng được xếp vào hàng diva của Việt Nam. Những ca khúc cô biểu diễn tương đối nhẹ nhành, tình cảm và nhất là không bị che lấp bởi các màn múa minh họa. Hay chàng ca sĩ trẻ N.P.H, anh đến với nghiệp cầm ca thật tình cờ. Mặc dù chất giọng không sắc xảo nếu không muốn nói là yếu. Anh chỉ hát những bài nhẹ nhàng, tình cảm nhưng nhờ vào khuôn mặt đẹp trai, dáng người cao lớn, và những điệu nhảy uyển chuyển nên đã làm các fan ''chao đảo''.

Có những ca sĩ lại chuyển từ nghề người mẫu sang làm ca sĩ, họ cũng bước lên sân khấu với những bài hát, điệu nhảy bốc lửa.

Gần đây, cô người mẫu Ngô Thanh Vân quyết định chuyển sang nghề ca sĩ. Ngay sau khi ra mắt chưa đầy một năm, cô đã ''bạo tay'' tung ra thị trường album đầu tiên "Thế giới trò chơi" với tổng số tiền đầu tư trên 30.000USD. Album mang tính thể nghiệm của Ngô Thanh Vân, ca sĩ mới toanh, giọng còn non song có ưu điểm giỏi vũ đạo và hình thức khả ái nên đã phần nào che bớt được những điểm yếu của mình.

Tiêu chuẩn nào để đánh giá một người được mang danh ca sĩ? Chẳng lẽ, cứ bước lên sân khấu vài lần là trở thành ca sĩ... Nếu vậy, ''gắn mác'' ca sĩ thật đơn giản. Mơ ước làm ca sĩ dễ vậy sao(!?). Bởi nếu khó thì làm sao thị trường âm nhạc các ca sĩ mới xuất hiện theo cấp số nhân như hiện nay...

Khi ca sĩ đua nhau ra CD

Việc các ca sĩ, ban nhạc cho ra đời CD chẳng qua là tự quảng cáo về mình. Nhìn một cách tổng thể, số lượng nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Hình thức ra album CD riêng đã nhanh chóng lan rộng. 

Với kỹ thuật lăng xê hình ảnh hiện nay, video clip tốn khá nhiều tiền của vẫn được ca sĩ đầu tư, mặc cho việc lỗ lãi ra sao không quan trọng. Làm CD được xem như phương thức ''lùi một bước tiến hai bước'', biết chắn là lỗ nhưng các ca sĩ vẫn làm CD để quảng cáo, để tìm thị trường.

Công bằng mà nói, mỗi cảnh trong video clip đều đẹp và hấp dẫn. Các đạo diễn luôn thay đổi cách thể hiện để làm vừa lòng các fan. Thế nhưng, điều đáng nói là chất lượng giọng của các ca sĩ. Hình ảnh có thể được xử lý công phu bằng kỹ thuật digital, nhạc kết hợp khá nhuần nhuyễn và kết quả là ''tiếng nhạc át tiếng ca''. Nhờ sự kết hợp của nhạc, nhảy múa, các ông bầu... đã đưa không ít ca sĩ, nhạc sĩ nửa mùa lên đỉnh vinh quang của sân khấu ca nhạc.

Nhưng chẳng lẽ, hình ảnh nhạc trẻ Việt Nam đương đại chỉ được tạo nên bởi những ''ca sĩ'' như vậy thôi sao? 

  • Lệ Hà
,
,