,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
67342
Thế hệ @: thần tượng là Bill Gates.
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Thế hệ @: thần tượng là Bill Gates.

Cập nhật lúc 11:06, Thứ Năm, 19/06/2003 (GMT+7)
,
(VietNamNet) - Trong con mắt của nhà biên kịch trẻ Phan Huyền Thư, một thế hệ sinh ra trong hoà bình, đầy đủ tiện nghi vật chất, chịu ảnh hưởng rõ rệt của Internet, có tên gọi là Thế hệ @. Mới đây, kịch bản phim tài liệu ''Thế hệ @'' của chị đã được duyệt, và chuẩn bị quay những thước phim đầu tiên. Có hay không một ''danh xưng'' như thế, mặt phải, mặt trái của nó là gì? Chúng ta cùng nghe tác giả trò chuyện.
Phan Huyền Thư -Tác giả kịch bản Thế hệ @

- Xin hỏi chị, tác giả kịch bản Thế hệ @, dường như chính chị đang viết về thế hệ của mình, thế hệ ấy có những gì bức xúc?
 
- Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc và đầy hào hứng khi nghĩ đến một bộ phim tài liệu mà ở đó, tôi đã nghĩ suy, tự lý giải nhiều hiện thực đặt trong một bối cảnh thật phóng khoáng của đất nước hiện nay, để cố công vẽ nên chân dung của chính thế hệ mình.

Thế hệ nào cũng mang theo mình những sứ mệnh của lịch sử, của khát vọng sống, lý tưởng sống và đương nhiên cả những hiện thực mặt trái của nó. Như chúng ta đều biết, "Thế hệ @" là thế hệ thanh niên được mệnh danh trong thời đại công nghệ thông tin, trong bối cảnh đất nước chuyển mình mạnh mẽ với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Bức xúc của "Thế hệ @" , theo tôi chính là ở chỗ một tầng lớp thanh niên ra đời hoàn toàn sau chiến tranh, có quá nhiều thuận lợi và đầy đủ về tiện nghi vật chất, nhưng đôi khi lại đi vào những bế tắc rất cá nhân. Vai trò của đoàn thể, của các tổ chức xã hội không còn có ảnh hưởng lớn đối với họ như đã từng đối với các thế hệ cha anh đi trước. Vậy thì họ sẽ phải suy nghĩ và hành động như thế nào để tìm ra được trả lời cho câu hỏi: Lý tưởng sống của chính mình, của thế hệ mình là gì? Trong một điều kiện quá nhiều thuận lợi như vậy, sự lựa chọn con đường sống đúng đắn cho mình thật sự đã trở thành vấn đề bức xúc.

- Honoré de Balzac có viết: ''Đằng sau bất cứ gia tài nào đều là một biển máu''. Chị đã viết thế hệ @ gần như gặp nhau trong một quan niệm sống: kiếm tiền, hưởng thụ và khẳng định mình. Các nhân vật @ thành đạt mà chị đề cập trong phim có biết đến Balzac hay không?

- Tôi cho rằng, khi họ đã gặp nhau trong một quan niệm sống như vậy, việc họ có chung thần tượng, không có gì đáng phải nghĩ ngợi nhiều cả. Và thần tượng của các @ Việt Nam, cũng như các @ trên toàn thế giới hiện nay, thường hay nhắc đến, rất tiếc, lại không phải là Balzac, mà là Bill Gates.

Như tôi đã viết trong kịch bản, bạn hãy thử trả lời câu hỏi Bill Gates là ai? Nếu bạn trả lời Bill Gates là ông vua Microsoft, bạn đã không thật sự hiểu về thế hệ @. Câu trả lời đó có màu sắc quan liêu! Câu trả lời đầy đủ phải là Bill Gates còn là người đàn ông giàu nhất thế giới. Việc có tài, làm chủ được thông tin, tri thức phải đi đôi với một thành tựu cụ thể, đó chính là thước đo giá trị của bạn. 

- Trong kịch bản có đoạn nói đến sự nôn nóng trong kiếm tiền, hưởng thụ, khẳng định mình sẽ dẫn đến thoái hoá nhân tính đáng lo ngại. Là một nhà thơ, xin chị nói kỹ hơn về nỗi lo ngại này?

- Với tư cách là một viên gạch @ hơi "già lửa", tôi thấy việc thoái hoá nhân tính không chỉ là vấn đề của riêng một thế hệ nào. Trên thực tế, các tệ nạn tham nhũng, phạm pháp của các thế hệ đi trước vẫn đang là một mối lo ngại của toàn xã hội. Đây cũng là một tấm gương hai mặt cho thế hệ @ phải nhận thức và cảnh tỉnh. Tôi nghĩ, có một logic thật đơn giản, nhưng cũng đầy mâu thuẫn về mối liên quan trực tiếp của các chuẩn mực, các giá trị, giữa các thế hệ cùng tồn tại trong một hoàn cảnh lịch sử.

Vấn đề của thế hệ @ chỉ là sự đáng lo ngại, và rất cần phải ngăn chặn, trong khi vấn đề của các thế hệ đi trước là việc đã rồi, khó cứu vãn nổi. Giúp cho thế hệ @ nhận thức và giải quyết những bài học kinh nghiệm của các thế hệ đi trước là quan trọng hàng đầu, họ phải tự biết tránh những hố sâu, những vực thẳm trên đường đi của mình. Không ai có thể sống bằng kinh nghiệm của người khác được !

- So với đề cương ban đầu, kịch bản được duyệt có nhiều thay đổi không, thay đổi những gì? Xin cho ví dụ?

- So với đề cương ban đầu, kịch bản của tôi đã có nhiều thay đổi. Tôi đã viết lại đến bốn lần, và tôi biết là kịch bản hiện đã được duyệt vẫn còn quá nhiều vấn đề cần phải chỉnh sửa. Tuy nhiên, với một bộ phim tài liệu, cho đến tận giờ chót, thậm chí cho đến tận sau khi Hội đồng duyệt phim xem và góp ý, bộ phim vẫn được xem là nằm trong giai đoạn sáng tạo, cho nên không có điều gì đáng phải lo lắng quá.

Quá trình chỉnh sửa, bổ sung và thay đổi của kịch bản, cũng chính là quá trình thay đổi, nhìn nhận lại chính nhận thức của tôi về thế hệ @. Được vẽ chân dung của chính thế hệ mình là điều vừa may mắn, vừa khó khăn. Chẳng hạn, nếu như tôi nhìn nhận hiện thực theo chiều hướng bi quan, tác động đến người xem sẽ là rất lớn, họ rất dễ bị sa vào tình trạng hình dung méo mó, dị dạng về thế hệ @ qua những thú vui, sự ăn chơi, hưởng thụ của thế hệ trẻ. Ngược lại, nếu tôi chỉ chú trọng vào những thành tựu khoa học và thành công của một vài cá nhân, tôi sẽ làm mất đi sự sinh động, phức tạp rất khách quan vốn có của cả một thế hệ. Tôi luôn phải tự nhắc nhở mình: Họ là cả một thế hệ chứ không chỉ là một nhóm người... 

- Giả sử Thế hệ @ đã hoàn thành và công chiếu, chị muốn nói gì thêm với ''thế hệ trước @''?

- Tôi nghĩ, nếu tôi vẽ chân dung thế hệ mình thật giống với họ, tôi đã quá mãn nguyện rồi. Đấy chính là điều mà tất cả những người con trong gia đình thuộc thế hệ @ muốn nói với cha, mẹ, anh chị của mình. 

Tôi muốn khẳng định một điều: Thế hệ @ chính là thế hệ sẽ đưa đất nước lên một tầm cao mới. Tại sao tôi lại tin tưởng như vậy? Thử nghĩ lại cùng nhau mà xem, chúng ta đã mất gần một thế kỷ để sống và cống hiến cho một lý tưởng: "Không có gì quí hơn độc lập tự do". Hiện nay, chúng ta đã có một lý tưởng mới: "Tất cả vì mục tiêu dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Vậy thì ai sẽ là người thực hiện điều đó, nếu không phải là họ, những thanh niên thuộc thế hệ @?

- Xin cám ơn chị!

  •  Hàn Thuỷ Giang (thực hiện)
,
,