'Không thể siết cò' khó ăn khách vì chưa đủ lực?
Phim nhựa hình sự tâm lý xã hội Không thể siết cò của Hãng phim Người bảo vệ sẽ "tái xuất" đồng loạt ở nhiều rạp chiếu phim trong cả nước dịp cuối tháng 8. Mặc dù đặt ra khá nhiều mảng hiện thực có sức nóng nhưng chỉ có 80 phút nên mọi hiện thực mới chỉ dừng lại ở mức độ "khái niệm". Có người nói rằng nếu kịch bản Không thể siết cò rơi vào tay các nhà làm phim Hàn Quốc thì họ sẽ kéo dài không dưới... 100 tập.
Không thể siết cò, kịch bản Phạm Thuỳ Nhân dựa trên 2 truyện ngắn Tôi không siết cò và Tôi quyết định tha hắn của Trần Tử Văn, đạo diễn Hồ Ngọc Xum, quay phim Võ Chiêu Dũng. Mục tiêu của nhà sản xuất là làm phim hướng đến khán giả, hướng đến yếu tố doanh thu thực ra đã được ê-kíp làm phim công khai bày tỏ. Trước hết là ở cái bắt tay giữa Hãng phim Phương Đông - Hãng phim của Công ty Điện ảnh TP. HCM - đầu mối phát hành lớn nhất thị trường TP. HCM. Rồi đến dàn diễn viên là những gương mặt đang để lại dấu ấn và gây thiện cảm trong khán giả không chỉ ở TP. HCM: Mỹ Uyên, Quang Thịnh, Yến Vi, Trần Kim Ngân.
Thông (diễn viên Quang Thịnh, nổi lên từ phim Chuột, thủ vai) xuất thân từ một gia đình lương thiện nhưng nghèo, có học và cũng có võ. Rơi vào tình huống phải cứu em gái đang làm gái phục vụ nhà hàng karaoke khỏi tay bọn siết nợ, Thông trở thành kẻ gây án và sa chân vào thế giới giang hồ, trở thành đại ca của băng nhóm phục vụ cho bà chủ xinh đẹp (Mỹ Uyên thủ vai). Thông bị buộc chặt vào thế giới đen này còn bởi tình yêu của anh đối với "bà chủ" để rồi cuối cùng đau xót nhận ra bản thân chỉ là một công cụ phục vụ cho mục đích kiếm tiền dựa trên tội ác của "người đẹp", vừa là đích ngắm để triệt hạ của những băng nhóm tội phạm khác, vừa bị công an truy đuổi...
Các nhà làm phim đã đặt ra khá nhiều mảng hiện thực có sức nóng: sinh viên giỏi tốt nghiệp không xin được việc làm vì thiếu khoản "đầu tiên", mẹ ốm con gái phải làm gái karaoke rồi vay nợ xã hội đen, bảo kê nhà hàng, đường dây tổ chức mua bán gái xuyên quốc gia... trong một bộ phim chỉ có 80 phút. Vì vậy mọi hiện thực mới chỉ dừng lại ở mức độ "khái niệm". Các số phận mới có hình hài mà thiếu các tình tiết để tạo thành xương thịt.
Có người mạnh dạn cho rằng nếu "thử" làm... phim truyền hình Hàn Quốc (đã và đang chiếu liên tục trên các kênh màn ảnh nhỏ) thì có lẽ câu chuyện Không thể siết cò phải kéo dài không dưới... 100 tập. Đánh giá thành công (về khán giả) của nhiều bộ phim Hàn Quốc (chiếu rạp hoặc trên truyền hình), nhiều người cho rằng "lõi" câu chuyện của họ không mới, hay lặp lại, nhưng phải thừa nhận sự hấp dẫn trong cách xây dựng các tình tiết của các nhà biên kịch Hàn Quốc. Còn điện ảnh Việt Nam lại đang rơi vào tình thế ngược lại: không thiếu những câu chuyện lạ, hấp dẫn độc đáo, nhưng lại không biết cách triển khai nó thành hình hài xương thịt hấp dẫn. Có lẽ các nhà làm phim Việt Nam vẫn chưa đủ lực để "siết cò" trên thị trường phim ảnh đang cạnh tranh quyết liệt hiện nay.
(Theo TT & VH)