,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
218575
Lạm bàn về sự phôi phai bản sắc
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Lạm bàn về sự phôi phai bản sắc

Cập nhật lúc 13:47, Thứ Bảy, 28/02/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Dấu ấn riêng - trong giới hạn nghiêm túc của nó, bao giờ cũng là một trong những cách thức buộc người ta phải lưu giữ vào trí nhớ các ấn tượng có được sau mỗi lần tiếp xúc với những văn hóa khác mình. Điều này mang một ý nghĩa phổ quát, và góp phần tạo nên tính bản sắc, sự hấp dẫn của bất kỳ một “tiểu văn hóa” nào dẫu đó là một nhà hàng, một bản làng hay một thành phố, một địa phương…

Phố phường Hà Nội

Ngày nọ, sau khi tốn khá nhiều cảm xúc và chữ nghĩa để phân tích cho tôi biết sự khác nhau giữa “phở bò Hà Nội” với “phở bò Nam Định”, một anh bạn rủ tôi tới cửa hàng phở trên phố Võ Thị Sáu. Lúc ấy phố xá đã lên đèn, khách khứa ra vào nhộn nhịp. Ngồi cạnh chiếc bàn kê sát vỉa hè, ngước nhìn chiếc hộp làm bằng formica có đèn né-on sáng trưng, tôi tủm tỉm cười rồi nói với bạn: “Công nhận ở đây đúng là phở Nam Định!”. Thấy bạn ngơ ngác, tôi liền chỉ chiếc hộp formica, trên đó người ta ghi rõ: “Phở tái Năn, phở tái Lạm…!”. Hai thằng cười bò, riêng tôi còn tự hỏi: “Nếu bỏ qua cái sự viết sai chính tả kia đi, thì phải chăng mấy chữ “tái Năn, tái Lạm” lại không phải là một dấu ấn riêng giúp thực khách nhận diện và nhớ tới nhà hàng?”. Lại nhớ trên đường Hoàng Quốc Việt, có một hàng thịt chó cứ vài tháng lại thấy treo một biển hiệu: tháng này là “thịt chó Nhật Tân”, vài tháng sau thấy treo biển “thịt chó Việt Trì”, rồi “thịt chó Vân Bình” và gần đây biển hiệu là “thịt chó Hải Nam”! 

Hãy thử một lần “tuần du” trên đường Hùng Vương - TP Việt Trì, đường Hoàng Liên - TP Lào Cai, đường 7. 5 - TP Điện Biên… bạn sẽ nhận ra nhiều điều thú vị. Do điều kiện địa lý, đường phố ở đây đều dài hàng chục km và đặc biệt là chúng giống nhau kỳ lạ, đến mức có thể nói không ngoa rằng đang đi trên đường 7.5, nếu không thấy thấp thoáng mấy chiếc khăn Piêu, bộ xửa cóm, hẳn bạn sẽ ngỡ đang dạo bước trên đường Hoàng Liên, đường Hùng Vương… thậm chí như trên một đường phố mới mở nào đó ở Hà Nội. Những ngôi nhà ống, mái có chóp nhọn hoặc lợp tôn Ausnam quét sơn chống gỉ màu nâu sậm hay đổ bê tông gắn ngói hồng, được quây kín như bưng bằng khung nhôm, kính Trung Quốc thành một khối đen sì. Những quầy hàng vàng bạc, hiệu đồng hồ lấp lánh, sáng choang. Những cửa hàng photocopy - đánh máy vi tính - in lazer. Rồi những đại lý xe máy Honda, đồ điện tử Samsung, điện thoại Nokia. Những mái hiên di động Phú Thành và cà phê Trung Nguyên. Những tấm biển quảng cáo bia Heineken, dầu gội đầu Enchanteur, cùng hình ảnh chàng Beckham đang cười toe toét bên bình dầu nhớt Castrol Power. Rồi nữa là những hotel to nhỏ dở tây dở ta với nhà ăn tầng tầng lớp lớp bàn ghế phủ khăn trắng lốp, trên bày rượu vang Bordeaux và bia Tiger… Tất cả san sát bên nhau, tạo nên một toàn cảnh mà du khách dù có cố gắng cũng khó lòng “định vị” được nơi mình đã tới.

Khăn piêu Thái

 

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở toàn cảnh kiến trúc và tổ chức đô thị, trong cuộc sống hàng ngày ở các đô thị mới thành lập hay đang phát triển dường như cũng đang lặp lại những cách thức, thói quen sinh hoạt… của kiểu loại đô thị mà chúng đã mô phỏng và có lẽ vì thế người ta không cố gắng tạo ra một “dấu ấn riêng” mà bằng lòng thỏa mãn, hoặc khai thác triệt để những “dấu ấn” đã có. Tỷ như sự có mặt tràn lan, đến mức trở thành “đặc sản” của mọi danh lam thắng cảnh ở phía Bắc của những tấm áo, chiếc khăn, cái túi làm bằng vải thổ cẩm dệt công nghiệp chẳng hạn. Tấm áo thổ cẩm ở Phong Nha, Bắc Hà, Tam Đảo, Chùa Hương cũng không khác gì những tấm áo tương tự ở Sơn La, Điện Biên, Nghĩa Lộ… hay trên phố Hàng Gai. Hoặc nếu bạn lưu lại ở Sa Pa, Tam Đảo vài ngày, người ta sẽ “nã” cho bạn những bữa ăn tràn đầy su su luộc chấm muối vừng, ngọn su su sào tỏi. Cũng như thế, ở Tuần Giáo, ở Điện Biên, ở Yên Bái… người ta sẽ đãi bạn đến mức khiếp hãi những đĩa rau cải ngồng hay măng luộc. Và không biết bạn sẽ nghĩ sao khi trên đường thiên lý Bắc - Nam đôi lúc dừng chân vào một nhà hàng, bạn bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của cô tiếp viên khi thấy bạn hỏi một chai bia nội mà không hăng hái hưởng ứng lời gợi ý “tế nhị” là nên dùng vài ly rượu ngoại. Còn đặc sản ư, nhà hàng nào cũng đưa ra một thực đơn nếu không là thịt thú rừng thì cũng là những hải sản của mọi miền ven biển, không ghẹ thì cua, không tôm thì mực...

Xuống chợ

Nhớ vài hôm trước trong một khách sạn ở Điện Biên, thấy ngày nào cũng có vài chục chàng trai cô gái người Thái tụ tập ở tầng một, thi thoảng vài người ra vào với vẻ quan trọng, tôi rất tò mò. Ghé xem họ làm gì, thấy cạnh chiếc bàn trên xếp đầy thực phẩm và mấy cái thớt, hai “bác” đầu bếp tuổi trạc tam tuần, mũ ống và tablier nghiêm chỉnh, đang hướng dẫn cách thức chế biến salade Nga và thịt bò bifteck… Hỏi ra mới biết các chàng trai cô gái từ các huyện, các bản về đây để học cách nấu ăn tiếp du khách nước ngoài. Lại nhớ trong cuộc gặp gỡ ở bản T. cách đó ít bữa, tôi thực sự bị bất ngờ khi một cô gái Thái xinh như trong mộng, vừa chuốc rượu cho tôi vừa thỏ thẻ: “Hôm nay các anh phải “Bắc Cạn” với chúng em thì mới được về”. Ngồi cạnh một mâm cơm “toàn Thái” với nộm rau má, cá trê nướng… mà được nghe một lời giao ước như thế thì quả là đáng kinh ngạc. Nghĩ đi thì vậy, nghĩ lại cũng là chuyện thường tình, nếu biết rằng lát nữa cô sẽ múa xòe dưới tấm băng rôn to tướng có in dòng chữ “Việt Nam - điểm đến của thiên niên kỷ mới” và nhiều ngôi nhà sàn xinh xắn trong bản Thái của cô vừa được đánh vernis quét sơn bóng Nhật Bản, nhiều chiếc cầu thang “chín bậc tình yêu” duyên dáng nơi đầu hồi đã bị phá đi, thay vào đó là chiếc cầu thang xi măng cốt thép bề thế, có lát gạch men.

Trong bản Mèo

Dấu ấn riêng - trong giới hạn nghiêm túc của nó, bao giờ cũng là một trong những cách thức buộc người ta phải lưu giữ vào trí nhớ các ấn tượng có được sau mỗi lần tiếp xúc với những văn hóa khác mình. Điều này mang một ý nghĩa phổ quát, và góp phần tạo nên tính bản sắc, sự hấp dẫn của bất kỳ một “tiểu văn hóa” nào dẫu đó là một nhà hàng, một bản làng hay một thành phố, một địa phương… Điều này lý giải tại sao bản sắc văn hóa lại luôn là tấm “căn cước văn hóa” của mỗi cộng đồng cư dân khi tham gia vào sinh hoạt văn hóa của dân tộc, và rộng hơn, là “căn cước văn hóa dân tộc” khi tham gia vào sinh hoạt văn hóa nhân loại. Và nó cũng sẽ giúp bạn không ngạc nhiên lúc dạo bước trên bờ biển Nha Trang đã nhìn thấy những ông tây bà đầm tròn trùng trục, da dẻ đỏ au, đang vắt chân chéo khoeo ngồi uống nước dừa hoặc đang lúi húi ra vào trong những căn nhà sàn làm bằng gỗ, bé tý tẹo, được gắn vắt vẻo giữa lưng chừng những cây phi lao. Nó cũng góp phần lý giải tại sao ta lại thường gặp những anh tây chị tây ba lô to đùng trên lưng đang cặm cụi vượt qua những nẻo đường cheo leo trên Tây Bắc, Việt Bắc để có một đêm cắm trại giữa rừng, để có những bức ảnh kỷ niệm với một ngọn thác, một quãng suối hoang vu hay với một cô gái Mông…

Theo cách nhìn ấy, quá trình đô thị hóa hiện tại đang phát lộ một tình trạng mà có lẽ chúng ta không mong muốn đó là sự phôi pha bản sắc, bởi xét đến cùng chúng đang là sự lặp lại, là bản sao của một mô hình!

  • Nguyễn Hòa (2/2004)

,
,