,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
215419
Đi tìm người vợ Tây Nguyên của Công sứ Sabatier
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Đi tìm người vợ Tây Nguyên của Công sứ Sabatier

Cập nhật lúc 14:50, Thứ Bảy, 28/02/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Chuyện đã lâu rồi, nhưng là người chuyên rong ruổi tìm hiểu về văn hóa dân gian, tôi luôn nghĩ về nó. Tôi muốn chính những huyền thoại của vùng đất Tây Nguyên sẽ soi vào ký ức, và khiến mọi tâm hồn cùng lung linh, nhân ái, như chính người Tây Nguyên bao đời nay vậy...

Cưỡi voi du lịch ở Buôn Đôn

Léopold Sabatier, người Pháp, đã từng làm công sứ Đắc Lắc từ những năm thuộc thập kỷ 20 của thế kỷ 20. Với cương vị công sứ, một mặt Sabatier chống phá cách mạng, mặt khác chống đối bọn tư bản đồn điền đến khai thác Đắc Lắc với chủ trương cực đoan “đất Tây Nguyên của người Tây Nguyên”. Do chủ trương này mà ông bị giới tư bản ở “chính quốc” kiện và ông bị thải hồi sớm. Về những việc trên, tốt xấu như thế nào sẽ có những nhà nghiên cứu lịch sử nhận định.

Điều chúng tôi muốn nói ở đây, Sabatier là người có công sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Tây nguyên, cụ thể là dân tộc Êđê. Ông đã có công sưu tầm, dịch và công bố sử thi Đăm Xăn và in hai lần,  lần đầu ở Paris, năm 1927, lần sau ở Hà Nội, năm 1933. Ông lại là người mở đầu việc sưu tầm, dịch và công bố  luật tục Êđê. Việc này được toàn quyền Pierre Pasquier nêu gương và khuyến khích người Pháp làm theo. Từ đó, nhiều luật tục của các dân tộc Tây Nguyên khác được người Pháp công bố: Bana, Jrai, Mạ, ...

Là người chuyên tâm tìm hiểu sử thi Tây Nguyên, qua bài viết của ông về Đăm Xăn, qua những người Pháp khác đánh giá, nhận định, kể về việc làm của ông về sử thi, tôi nhận thấy ông là người thực sự trân trọng và yêu quý sử thi Êđê, tìm mọi cách để giữ gìn nó. Theo lời thuật của Roland Dorgeles thì L. Sabatier đã làm việc công phu và khó nhọc cho sự ra đời của cuốn sách. Dorgeles viết: "Ở căn nhà gỗ trước tòa sứ, tôi thấy tất cả mọi người (các già làng Ê đê - Phan Đăng Nhật) ngồi xổm trên đất, tôi còn nghe những giọng khàn khàn thảo luận về từng từ, và tôi cũng thấy ông cúi xuống trước chiếc bàn gỗ, ghi chép một cách kiên nhẫn, từng câu đầy hình tượng mà nhiều thế hệ những người chăn trâu, người đi săn đã truyền lại từ chiều sâu của nhiều thế kỷ: (Bài ca cuối cùng của người Mọi (cách gọi cũ, nay không phù hợp nữa). Bài tựa trong sách Bài ca chàng Đam Xăn, Paris, Le Blanc et Trautman xuất bản 1927, trang 9).

Cụ Aê Nô (bên trái) và tác giả bài báo trước mảnh vườn xưa của bà Sao Nhuôn.

Ông đã từng cho học sinh trường tiểu học Buôn Ma Thuật (mà sau này là những cụ Y Ngông, Y Wang, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội và chủ nhiệm Ủy ban dân tộc chính phủ) học thuộc lòng sử thi Đam Xăn và mỗi buổi sáng trước khi vào lớp đọc đồng thanh một đoạn. Chính nhờ việc này mà Đăm Xăn được trả lại cho người dân Êđê.

Ngoài việc yêu quý sử thi Tây Nguyên, ông còn yêu một cô gái Tây Nguyên, kết hôn và đưa cô về Pháp. Trên con đường miệt mài đi tìm sử thi Tây nguyên mấy chục năm qua, tôi rất quan tâm đến thông tin trên và cố tìm hiểu về nó. 

Sinh thời, Bác Y Ngông có cho biết cô gái này là người Lào, ở Buôn Đôn. Khi Sabatier tổ chức diễn kịch Đăm Xăn, đã mời cô đóng vai Hơ Nhị còn mình đóng Đăm Xăn. Năm 1999, trong cuộc họp về luật tục Tây Nguyên mà tôi đồng chủ tọa với GS Condominas, tôi có hỏi về cô vợ Tây Nguyên của Sabatier. GS nói có biết việc này, và họ đã sinh hạ được một con gái. “Nhưng rất tiếc - lời ông - ngoài ra tôi không biết gì hơn vì họ ở tỉnh, không ở Paris”. Tôi có nhờ GS  khi về Pháp, nếu có điều kiện, tìm địa chỉ của cô gái Tây Nguyên và nhờ báo cho tôi biết.         

Vừa rồi, tháng 12-2003, tôi có dịp về Buôn Đôn tìm hiểu về văn hóa dân gian, như nghề nghiệp của tôi, đinh ninh sẽ kết hợp hỏi về “nàng Hơ Nhí”, người đã kết hôn với “chàng Đăm Xăn” - Sabatier. Đến nơi, hóa ra Buôn Đôn bây giờ là một huyện mênh mông, một cô gái sống ở đây cách  70 năm, bóng chim tăm cá, biết đâu mà tìm.  

Cuối buổi gặp mặt các già làng và nghệ nhân ở Buôn Trí A, xã Krông Ana, với một hy vọng mỏng manh, tôi hỏi các vị, có ai biết một cô gái người Lào, ở vùng này, cách đây khoảng 70 năm, đã lấy công sứ Đắc Lắc, L. Sabatier.

- Có biết - cụ Aê Nô, trông khoảng dưới 80 tuổi,  nói ngay.

Tôi chưa tin :

- Tên cô là gì, cụ có biết cô ta không?

- Biết chứ, là bạn thời trẻ con mà, chúng tôi gọi nó là Sao Nhuôn.

Ama Ngoi, hiện là thôn trưởng, cải chính ý của tôi :

- Nó không phải người Lào, người Jrai, mẹ là người Jrai mà, nói tiếng Lào.

Tôi sực nghĩ, có lẽ cụ Y Ngông  nghe cô nói tiếng Lào cho là người Lào, không biết gốc Jrai của cô.

- Hình như hiện nay cô ấy ở Pháp - tôi nói.

Thông tin của tôi lại được cải chính một lần nữa :

- Nó ở đây và chết ở đây.

Thấy tôi có vẻ chưa tin, các cụ khẳng định thêm :

- Mộ nó ở đây, không tin chúng tôi chỉ cho xem.

- Có phải cô này lấy Sabatier không ?

- Phải chứ, con gái của nó ở Pháp có về đây.

Tôi mừng rỡ hỏi ngay :

- Tên cô  gái là gì, về đây bao giờ?

Nghĩa địa Buôn Đôn - nơi an táng bà Sao Nhuôn

Các cụ già lúng túng, không nhớ tên. Một bà vào loại ít tuổi trong đám này, Ama An, nói :

- Vanny, hay là Danny, về đây sau giải phóng, khoảng 1976, về hỏi tin tức gia đình, nhưng không gặp người nào biết, hoặc là có người biết cũng không  nói cho. Hồi đó còn fulrô, mọi người rất ngại tiếp xúc với người nước ngoài. Và Danny đi khỏi nơi đây có vẻ buồn.

- Thế bây giờ bà con, anh em Sao Nhuôn còn ai không ?

- Có chứ, Ama Phôn, Sao Nhuôn gọi  bằng cháu,  hiện là  buôn trưởng Buôn Trí B - Ama Ngoi nói ngay và sốt sắng bảo: Tôi cho gọi về đây nhé!

Một lát sau Ama Phôn đến. Tôi hỏi loanh quanh một hồi mới hiểu ra. Ama Phôn tên lúc đẻ là Y Siáp Mlô, bố là Y Tul Niê (chế độ mẫu hệ, lấy họ mẹ). Y Tul Niê là em của Hơ Nhuôn Niê (thường gọi là Sao Nhuôn). Như vậy, Y Siáp Mlô gọi Hơ Nhuôn Niê là bá (chị của bố) và gọi Danny, (PGS . TS Oscar Salemink, bạn của tôi, người Hà Lan, trong bài Luật tục, quyền sở hữu đất và vấn đề di cư, in ở sách Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2000, tr814, cho biết cô tên là Annie) là chị con bá. 

Trên con đường di dạo quanh buôn, Aê Nô còn kể cho tôi biết, Sao Nhuôn lúc trẻ  đẹp nổi tiếng. Cụ  dẫn tôi đến mảnh vườn của Nhuôn, chỉ cho tôi địa giới từ gốc me già đến bờ rào. Chúng tôi chụp chung tấm hình nơi khu vườn đó  

Ama Phôn (bên trái) - em của Annie - và GS Phan Đăng
Nhật

Thế là, sau nhiều năm, cuối cùng tôi đã tìm ra dấu vết của người xưa,  chỉ  tiếc cho Annie, từ chân trời Tây xa xôi lặn lội về quê mẹ tìm người thân mà không hay biết một tăm hơi gì,  phải  ngậm ngùi ra đi (!) 

Tôi viết bài này không phải chỉ cung cấp một thông tin khoa học cho những ai quan tâm đến sử thi Đăm Xăn mà đó là một tác phẩm kiệt xuất và cho đến nay vẫn là một kiệt tác của folklore Tây Nguyên, không thể chối cãi được” (ý của Georges Condominas). Hơn thế nữa, và chủ yếu là, qua bài báo, tôi muốn nhờ nhắn giùm với Annie rằng: nơi đây chị còn nhiều, bà con thân thích, ngôi mộ mẹ, mảnh vườn xưa... và đặc biệt là tấm lòng mến khách của  quê hương. Lần này, quê hương đã đổi mới, nếu về, chị sẽ không có cảm giác ghẻ lạnh như 18 năm trước đây. Lại nữa, quê mẹ chị đã trở thành một điểm du lịch có tiếng, biết bao du khách  Âu Mỹ được đón tiếp nồng hậu, huống gì chị là người con quê hương.

Những thông tin liên quan đến vấn đề này, xin liên hệ với GS. Phan Đăng Nhật, điện thoại: 04.8457987, E-mail: nhatdang@cinet.netnam.vn.

·        Bài và ảnh:  GS. TSKH. Phan Đăng Nhật.

,
,