,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
224961
Nữ sĩ Anh Thơ: Nhà chật không “nhốt” được thơ!
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Nữ sĩ Anh Thơ: Nhà chật không “nhốt” được thơ!

Cập nhật lúc 10:03, Thứ Hai, 08/03/2004 (GMT+7)
,
Nữ sĩ Anh Thơ

(VietNamNet) - Một căn hộ 13m2 tranh tối tranh sáng. Mùi dầu gió, mùi bàn ghế, mùi ẩm thấp nồng nồng. Tủ sách sang màu nước sơn, bàn tiếp khách cũ kỹ, góc bếp chỉ đủ cho một người đứng, bếp ga đơn hoen gỉ… Đó là “bức tranh” ngôi nhà hiện nay của nữ sĩ Anh Thơ, tác giả tập Bức Tranh Quê một thời vang bóng. Ở tuổi 84, bà vẫn viết, viết hối hả như chỉ sợ thời gian không còn đủ... 

Chồng mất, con gái nuôi lập gia đình xa xứ, bà Anh Thơ sống một mình đã 10 năm nay. Người ngoài ít ai nghĩ rằng bà cụ già có mái tóc bạc trắng, mắt mờ, dáng đi lọm cọm vì đau khớp kia ngày ngày vẫn phải “cày” trên những trang giấy để kiếm thêm thu nhập. Bởi vì mức lương hưu (của Hội Nhà văn Việt Nam) chỉ đủ để bà chi trả tiền sinh hoạt, trong khi ở cái tuổi của mình, bà bị bao nhiêu thứ bệnh của người già hành hạ, nào thấp khớp, nào tiền đình, huyết áp, dạ dày… Chưa kể, mắt mỗi ngày mỗi kém, bà lại phải thuê một cô thư ký đến đánh máy bản thảo và làm giúp những việc lặt vặt. Cuộc sống vì thế thêm phần chật vật. Ngày nào cũng vậy, bà cặm cụi với những bài bút ký, thơ, ký sự bên chiếc bàn nhỏ xíu kê sát cửa sổ - có lẽ đó là nơi sáng nhất trong nhà. Những bài viết của Anh Thơ ở tuổi này tất nhiên không thể còn “phong độ” và sắc sảo như thuở “tung hoành” ở báo Đông Tây thời trẻ nữa, nên sự xuất hiện trên các báo cũng thưa dần. Những năm gần đây, báo chí ngày một đổi khác, đội ngũ phóng viên trẻ thì nhiều, và cuộc sống bận rộn của thời đại công nghiệp khiến độc giả nói chung không còn thích đọc thơ và văn xuôi trữ tình như ngày xưa… Điều đó càng khiến cho các bài viết của bà thật khó tìm được một nơi cộng tác thường xuyên.  

Vậy mà nữ sĩ lại đang có thêm một nỗi lo mới. Sắp tới, thành phố sẽ tiến hành triển khai dự án xây khu đô thị mới 25 tầng trên nền khu tập thể Văn Chương cũ, nơi có căn nhà của bà Anh Thơ. Chính quyền phường yêu cầu các hộ chuẩn bị di dời. Mỗi hộ sẽ được nhận 400.000 đồng tiền thuê nhà mỗi tháng trong thời gian đợi nhà mới, kéo dài khoảng 2 năm. Bà già 84 tuổi thở dài: “Số tiền trợ cấp chỉ đủ thuê một căn phòng cho sinh viên, như tôi già yếu, đi lại khó khăn, không ở nổi. Mà bây giờ thuê một căn hộ bình thường ít nhất cũng phải từ 800.000 đến 1 triệu đồng. Trừ tiền thuê nhà rồi, số còn lại, không hiểu sẽ chi tiêu thế nào? Cũng chẳng biết tôi có chờ được đến khi có nhà mới hay không?”. 

Tuổi già hạt lệ như sương…

Anh Thơ giờ đây không còn nghe rõ, cũng không thể nhớ được lấy vài câu thơ mình đã làm, đã từng yêu thích, cứ phải giở từng quyển ra đọc lại. Đó là khi bà miên man  trong những ký ức xa xôi thời trẻ, nhớ về những mối tình - tình bạn và cả tình yêu - với Xuân Diệu, Nguyễn Bính và người chồng quá cố - bác sĩ Bùi Viên Dinh. Thỉnh thoảng có khách đến chơi nhà, bà lại giở tập ảnh gia đình của cô con gái nuôi Cẩm Thơ ra mời khách xem, và bùi ngùi: “Cẩm Thơ đấy, đẹp không? Hồi nhỏ nó hay làm thơ, nhiều bài hay lắm mà nó đâu có đưa mình xem, đến khi đọc, chẳng biết nó viết lúc nào. Nó là đứa đa tài, trước sáng tác thơ, bây giờ lại làm cả phim nữa, cái gì cũng giỏi”. (Cẩm Thơ sinh năm 1957, là nhà thơ cùng thế hệ với Trần Đăng Khoa. Hiện chị sống cùng gia đình chồng ở Paris). 

 

 

 

 

Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân, sinh năm 1921, quê tại vùng sông Thương, Bắc Giang. Bà là nhà thơ nữ đầu tiên đoạt giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn năm 1939 với tập Bức Tranh Quê - được ví như một bức tranh tĩnh vật bằng thơ trước cách mạng. 

Tác phẩm chính của bà gồm có: Bức Tranh Quê, Cuối Mùa Hoa (thơ), Từ Bến Sông Thương, Tiếng Chim Tu Hú, Bên Dòng Chia Cắt (hồi ký văn học).

Từ ngày ông Dinh mất, con gái Cẩm Thơ theo chồng định cư ở nơi xa, nguồn an ủi lớn nhất của Anh Thơ là bè bạn. Bà đã cùng nhà thơ Cẩm Lai, nhà thơ Thụy Chương, nhà báo Lý Thị Chung, đạo diễn, NSND Bạch Diệp - những người bạn già cùng chung cảnh góa bụa - lập ra nhóm  Lệ Sương (chữ dùng dựa theo ý thơ “tuổi già hạt lệ như sương”) để cùng nhau chia sẻ những vui buồn, khó khăn. Mỗi khi gặp nhau họ lại cùng đọc thơ, bình thơ, và… khóc chồng. Họ vừa in chung tập thơ “Sương phụ” để nhớ về những người chồng đã đi xa. Và 8/3 này, họ sẽ họp thơ ở nhà bác Lý Chung rồi cùng nhau nấu món bún Huế mà cả nhóm ưa thích… Đó hẳn là món quà tinh thần ý nghĩa nhất mà họ… tự tặng cho nhau nhân ngày Quốc tế Phụ nữ.  

Anh Thơ thổ lộ, ba tập hồi ký trước của bà hoàn thành được cũng là nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình từ bè bạn. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi giờ phút lâm chung vẫn gắng dặn các bạn trong Hội Nhà văn nhớ “giúp đỡ, quan tâm đến chị Anh Thơ để chị hoàn tất trọn bộ hồi ký”. Tập 4, nữ sĩ đang viết dở. Bà còn dự định in một tuyển tập thơ gồm tất cả những sáng tác mà bà tâm đắc nhất trong đời, từ thời Thơ Mới đến giai đoạn thơ kháng chiến. Tuy nhiên, dự định này khó thực hiện bởi cuộc sống sinh hoạt của bà còn eo hẹp, sức khỏe kém.   

Nhưng tác giả của những “Chiều Xuân”, “Đêm Xuân”, “Ngày Xuân” (tập Bức Tranh Quê) năm xưa vẫn viết, vẫn làm thơ. Hoài niệm về quá khứ, dù có làm bà bùi ngùi, song giống như suối nguồn cảm xúc không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn bà. Nữ sĩ đến “từ bến sông Thương” giờ đây đang cặm cụi sống và làm việc với những niềm vui nhỏ nhoi để mỗi ngày còn lại đều có ý nghĩa.  

Video Clip

  • Thu Hương

 

,
,