Di tích Hoàng thành phủ vải bạt che mưa
(VietNamNet) - Đó là cách tối ưu trong thời điểm hiện nay để bảo vệ khu di tích Hoàng thành Thăng Long khỏi bị biến thành một cái ao rộng ngót hai chục ngàn mét vuông ngay giữa trung tâm thành phố.
Cùng với che vải bạt và bọc nilon vào các khối trụ, nền móng, một hệ thống máy bơm được huy động với trên 10 công nhân để hút nước từ các hố ga xả ra hệ thống tiêu thoát nước của thành phố. Nước được hút xả cả trong và sau khi mưa. Đó là cách tốt nhất trong thời điểm hiện nay, nhưng nhược điểm thấy rõ của nó, theo TS. Tống Trung Tín -Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ - là tình trạng ẩm ướt triền miên cho di tích, và không thể tác nghiệp được.
Trong khi đó, chúng ta tiếp tục chờ đợi phương án thiết kế mái che và tiêu thoát nước của ĐH Xây dựng hiện mới đang trong giai đoạn hoàn thành thiết kế chi tiết. Kêu ca về tiến độ của công trình này cũng không ích gì, vì vấn đề là chúng ta đã chậm ngay từ đầu. Một việc đáng lẽ phải hoàn thành từ trước Tết thì đến trung tuần tháng 3/2004 ta mới rục rịch khởi động, thành lập Hội đồng đánh giá phương án bảo vệ cấp thiết di tích cũng như mở gói thầu tìm phương án. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đặc cách cho đề án bảo vệ di tích Ba Đình bớt một số thủ tục hành chính lòng vòng. Mặc dầu vậy, những bước tối thiểu đến thời điểm hiện nay vẫn chưa xong. GS. Trần Quốc Vượng cho biết, phương án sẽ hoàn thành trong vòng 56 ngày. Như vậy, chắc chắn là di tích sẽ phải trải qua cả mùa mưa trong tình trạng ẩm thấp và độ an toàn không cao vì chỉ được phủ vải bạt.
Những cơn mưa lớn trong 2-3 tuần vừa qua đã chứng minh cho dự báo của nhiều chuyên gia khí tượng: mùa mưa năm nay lượng mưa rất lớn và diễn biến phức tạp, vì mấy năm vừa qua lượng mưa thấp, ta lại vừa trải qua một thời gian dài thời tiết lạnh và khô. Hơn nữa, hạ tầng cơ sở của hệ thống thoát nước ở Hà Nội vừa thiếu vừa yếu, năm nào cũng xảy ra tình trạng ngập lụt sau mỗi trận mưa tại nhiều tuyến phố rất gần với khu khai quật hiện nay. Đấy là chưa nói đến bản thân cấu trúc của lòng đất cổ Hà Nội, đặc biệt là khu vực khai quật, với dấu vết chắc chắn của những dòng sông cổ và lớp sét rỗng dưới mặt đất. Với những đặc điểm đó, nước mưa sẽ không chỉ từ trên trời rơi xuống mà còn từ lòng đất đùn lên.
Trong tình hình đó, việc thoát nước ở các hố khai quật (sâu trung bình 3-5m) chỉ làm theo phương pháp thủ công là nước đến đâu bơm tiêu đến đấy rồi cho xả ra hệ thống thoát nước vốn có của khu Ba Đình, thì thật là ... quá liều!
-
Đ.D.H