'Không đáng làm mà vẫn làm là lãng phí'
(VietNamNet) -"Việc cần thiết phải làm, để đánh dấu, để ghi nhận, để phát huy truyền thống, để ôn lại các giá trị lịch sử - đó là những điều tất yếu phải làm, vẫn phải chi; Nhưng nếu như lợi dụng cái đó để làm quá mức hoặc ăn bớt thì đó là lãng phí và tiêu cực". Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị trả lời VietNamNet bên hành lang QH.
- Một số đại biểu "kêu" trong năm vừa rồi chi cho lễ hội nhiều quá gây lãng phí, ông thấy thế nào?
- Tôi thấy cần phải phân biệt giữa hai việc: những nghi thức, những công việc chính thức cần phải làm trước các lễ hội, các sự kiện văn hoá lớn và việc lãng phí. Những nghi thức của những sự kiện văn hoá lớn là nhu cầu của đời sống tinh thần và là yêu cầu của công tác tuyên truyền giáo dục. Ví dụ đến những ngày lễ lớn như giỗ tổ Hùng Vương, không thể không có những nghi thức lễ hội, tiến hành tế lễ hay những hoạt động văn nghệ kèm theo. Nếu mình bỏ cái đó đi thì thực sự không còn có giá trị gì để ghi dấu trong ngày đó cả.
Những ngày truyền thống như 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, việc tổ chức mít tinh toàn quốc, hay mít tinh ở địa phương hoặc cơ sở tổ chức những cuộc sinh hoạt - đó là việc phải làm và nên làm. Nếu làm như vậy thì không nên coi đó là không tiết kiệm. Thế nhưng cũng là việc đó mà lại bầy biện ra, mời quá rộng, quà cáp, tặng phẩm, lẵng hoa quá nhiều thì đó là lãng phí. Có nghĩa là phải phân biệt giữa hai vấn đề: việc cần thiết phải làm, để đánh dấu, để ghi nhận, để phát huy truyền thống, để ôn lại các giá trị lịch sử - đó là những điều tất yếu phải làm, vẫn phải chi; Nhưng nếu như lợi dụng cái đó để làm quá mức hoặc có ăn bớt là lãng phí và tiêu cực.
- Nhưng trong những đợt kỷ niệm lớn, các địa phương đua nhau làm những tác phẩm chào mừng, địa phương nào cũng tổ chức kỷ niệm lớn, ông thấy thế nào? Bộ có quản được không?
- Cái đó là trách nhiệm của từng cấp cụ thể nhưng lại vẫn cần phải phân biệt như điều tôi vừa nói, nếu tỉnh này tổ chức mít tinh, tỉnh khác không tổ chức thì có khi tỉnh không tổ chức lại bị phê bình! Ví dụ như trong đợt kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa rồi chẳng hạn. Tỉnh nào cũng có người tham gia Điện Biên, cũng có cựu chiến binh, cũng có nhu cầu ôn truyền thống. Nếu tỉnh nào không làm thì nhân dân và cựu chiến binh sẽ hỏi "vì sao lại không làm?". Ở đây chúng ta phải xem xét giữa hiệu quả và tác dụng cụ thể của nó, nếu như mình chi phí tốn kém mà không đem lại hiệu quả thiết thực thì cái đó là lãng phí, là tốn kém. Nhưng làm mà đem lại được hiệu quả nhất định thì tôi cho rằng có sự rất khác nhau giữa việc nên làm và lãng phí.
- Quay về chuyện tiết kiệm mà ông có lần đã nói và bây giờ các ĐB đang "kêu": chi cho tiếp khách, hội họp quá nhiều. Theo ông làm thế nào để những cuộc họp không còn có phong bì nữa?
- Một trong những khoản chi mà dư luận cho là tốn kém và lãng phí là chi tiếp khách, đón đoàn nọ, đoàn kia về mà đôi khi phía được tiếp cũng không thấy muốn thế nhưng "chủ nhà" thì cứ ngại nếu "không thế" thì "có vẻ "làm sao ấy"? Khi còn là Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hà Nam thì ông đã tránh được tâm lý đó và người ta nói là do ông ở T.Ư về nên mới tránh được?
- Khi tôi làm thì tôi không ngại vì tôi rất hiểu các đồng chí lãnh đạo T.Ư không bao giờ muốn những địa phương tổ chức những cuộc đón tiếp rườm rà, tốn công sức, tiền của. Thế nhưng nhiều đồng chí không nghĩ như thế hoặc không dám làm như vậy, cứ cho rằng phải tổ chức tiếp đón tiệc tùng long trọng, huy động quần chúng đông, nghi thức rườm rà để tỏ lòng trân trọng đối với lãnh đạo cấp trên. Cách nghĩ, cách làm đó là không phù hợp!
- Theo cá nhân ông, hiện nay lãng phí trong lĩnh vực nào là lớn nhất?
- Những chủ trương, quyết định không đúng là những lãng phí lớn nhất. Ví dụ như việc làm quy hoạch, đầu tư cho những dự án, nhất là những dự án lớn nếu không đúng thì đó là khoản lãng phí lớn nhất.
-
Lương Thị Bích Ngọc (thực hiện)