,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
432858
Truyện tranh thiếu nhi: Bội thực những ý tưởng nhảm nhí
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Truyện tranh thiếu nhi: Bội thực những ý tưởng nhảm nhí

Cập nhật lúc 18:10, Thứ Tư, 02/06/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Sau những thành công lớn về mặt tài chính của những bộ tranh truyện Nhật Bản như: “Đôrêmon”, “Siêu quậy Téppi”, “Thủy thủ mặt trăng”, “Bảy viên ngọc rồng”, v.v… truyện tranh trong nước cũng được xuất bản rất nhiều với nhiều nét mô phỏng theo truyện của nước ngoài. Truyện tranh liên kết xuất bản với nước ngoài cũng chưa thuyết phục được các độc giả nhí...

 

 

Truyện Nhật: Siêu nhân tí hon và kiếm hiệp… liên hành tinh

 

Tính cinematic trong thể loại "truyện Manga" của Nhật Bản

Những phép thần thông biến hóa của những chuyện cổ tích không còn hiệu nghiệm trong thời hiện đại nữa. Người Nhật đã thành công khi tiếp tục truyền thống "truyện Manga" bằng cách thay thế những quyền năng “thiếu cơ sở” của những chuyện cổ tích bằng viễn tưởng về sự vạn năng của khoa học kỹ thuật. Sự thành công vang dội của “Đôrêmon” là một dẫn chứng thuyết phục nhất của ý tưởng này. Các em thiếu nhi rất say mê những cỗ máy thời gian có thể cho phép đi ngược về quá khứ hay nhảy vọt đến tương lai, những thiết bị có thể phục vụ cho những nhu cầu rất “trẻ con” của các em như ham chơi, lười học, thích làm anh hùng, v.v…

 

Trong bối cảnh rộng rãi của những phép màu hiện đại, các tác giả truyện tranh Nhật Bản đã “sáng tạo” ra loại truyện “kiếm hiệp… liên hành tinh”, pha trộn giữa những tiến bộ khoa học và truyện kiếm hiệp. Những cuộc chiến tranh liên tu bất tận giữa các hành tinh, giữa những dũng sĩ của những thế kỷ mai hậu chống lại bọn ác ma, tội phạm vũ trụ. Những gương mặt lạnh lùng, những lời thoại cộc lốc, những đòn thế đánh nhau sặc “mùi” kiếm hiệp pha trộn một chút màu mè của khoa học như năng lượng mặt trăng, năng lực siêu nhiên… lồng trong những cốt truyện cực kỳ rối rắm, dễ làm cho cả người lớn say mê chứ không riêng gì trẻ con. “Bảy viên ngọc rồng”, “Thủy thủ mặt trăng”, “Siêu nhân Locke”, “Dấu ấn rồng thiêng” (2 bộ), v.v… trước đây là “đặc trưng” và đại diện cho loại truyện này.

 

Trẻ con ở nước nào cũng thích “được làm” hiệp sĩ, siêu nhân...

Trẻ con ở nước nào cũng thích “được làm” hiệp sĩ, siêu nhân. Các truyện tranh kể chuyện đủ loại siêu nhân như: diệt trừ tội phạm vũ trụ (“Dấu ấn rồng thiêng”, “Siêu nhân Locke”), đá bóng (“Cầu thủ bão táp”, “Đội bóng thành đồng”), quậy (“Siêu quậy Téppi”, “Tân siêu quậy”), chữa bệnh (“Bác sĩ quái dị”), câu cá (“Chú bé câu cá”), thậm chí nấu ăn cũng trở thành… vĩ đại (“Đầu bếp siêu phàm”, “Đầu bếp tí hon”), v.v…!

 

Nhưng có khi lòng say mê hình ảnh siêu nhân lại bị… “lạm dụng” quá mức. Điển hình là “Đại tướng nhóc con”, tác giả của bộ truyện này đã cho các em nhỏ có một khái niệm về… “giang hồ trường học”!. “Thần tượng” trong câu chuyện, chú bé Manchiki được bọn nhóc tôn là “đại tướng” - do chú bé có nhân cách của một tay hảo hán “xã hội đen” của Hồng Kông. Những chú nhóc học sinh cũng chia băng lập đảng, cư xử với nhau theo luật… giang hồ!

 

Nhiều bộ truyện tranh cũng có nét vẽ thật tối tăm và… rối mắt, điển hình là truyện “Siêu nhân Locke”, “Ninja loạn thị”, v.v… Đọc “Ninja loạn thị” quả là dễ “loạn thị” thiệt, vì những nét vẽ nhân vật “siêu thực” với những tấm áo chi chít những… dấu thập, trông thật rối mắt (!?)

 

Truyện liên kết xuất bản: Còn xa tầm với…

 

Những nhà làm sách trong nước dự tính sẽ “thắng” khi liên kết xuất bản những tác phẩm truyện tranh đã trở thành “cổ điển” đối với thiếu nhi thế giới như “Tintin”, “Xì trum”, “Gấu Petzi”, “Caroline”, v.v… Những cốt truyện dễ thương, lý thú được thử thách qua thời gian đó được in trên giấy tốt, màu sắc đẹp đẽ, chữ in rõ ràng nhưng vẫn chưa đến với các em thiếu nhi nhiều do giá còn khá cao – 15.000 đến 17.000 đồng/quyển – so với túi tiền phổ biến chừng một vài ngàn tiền quà bánh của các em.

 

Hiện nay, chỉ có bộ truyện tranh về chàng cao bồi ròm Lucky Luke là vẫn bán chạy do tính mới lạ của nó đối với các em nhỏ, còn lại các bộ truyện khác (như đã kể trên) đều được bán khá chậm. “Tintin”, “Xì Trum” xuất bản được trên 10 tập; “Caroline”, “Petzi” chỉ được vài tập rồi ngưng. Truyện tranh song ngữ “Donald và bạn hữu” của Walt Disney do Saigon Time Group xuất bản mỗi tuần một kỳ từng bán khá chạy nhờ tranh in đẹp, có phần Anh ngữ, giá chỉ 3.500 đồng/tập.

 

Truyện tranh trong nước: Hàng “nhái” lẫn với hàng “xịn”

 

Bộ truyện tranh trong nước "Thần đồng Đất Việt" rất được nhiều độc giả nhí ưa chuộng.

Truyện tranh do các tác giả trong nước phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây. Có mảng truyện có tính giáo dục như “Cô tiên xanh”, “Tâm hồn cao thượng”; có mảng truyện về trinh thám, phiêu lưu như “Mũi tên xanh”, “Cậu bé Vovinam”, “Tiểu anh hùng Lạc Việt”; truyện về siêu nhân có “Siêu nhân Việt Nam”; truyện cổ tích trong nước cũng có nhiều tập của bộ “Truyện cổ nước Nam”, v.v…

 

Các tập truyện của bộ Cô tiên xanhTâm hồn cao thượng được phụ huynh và các em mua nhiều. Các tỉnh cũng chuộng loại sách này”, chị Thanh Huyền – nhân viên bán hàng của cửa hàng sách Fahasha, nói. Những câu chuyện về mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội lồng trong bối cảnh hiện tại của 2 bộ truyện này đã được các em thật sự yêu thích. Sự thành công của 2 bộ truyện này cũng đã khiến cho các bộ truyện khác bắt chước nội dung xuất hiện nhiều, chẳng hạn như bộ “Hiếu thảo hiếu học”, “Nữ hoàng bướm”, “Những tấm gương nghĩa hiệp”, v.v…

 

Một phần nội dung của bộ truyện tranh nổi tiếng "Đôrêmon".

Những truyện phiêu lưu mạo hiểm hay truyện siêu nhân của các tác giả trong nước mang đậm hơi hướm truyện ngoại. Dù cho các tác giả có “Việt hóa” các nhân vật bằng những cái tên như Lạc Việt (“Tiểu anh hùng Lạc Việt”), Đại Nam, Quốc Việt (“Siêu nhân Việt Nam”), bằng những thế võ Vovinam hay đại danh trong nước thì người đọc cũng mường tượng đến những Voltron, dũng sĩ Hesman, tứ quái TKKG, v.v... Cái chất “đề cao trẻ con và lòng tự tôn dân tộc một cách gượng ép” khó có thể thu hút được các em thiếu nhi.

 

Những ý tưởng trong “Đôrêmon”“Ông già Khốt-ta-bít” cũng đã được lập lại trong “Bé Niên cười”. Trong bộ truyện này có những đoạn trẻ ăn nói hỗn hào đối với người lớn như bé Niên nói với ông Bụt hiện đại: “Ông đã già quá xá quà xa đến nỗi tai ông có vấn đề rồi”, hay cách “báo thù” của nhân vật chính đối với người anh trai của mình bằng cách dùng phép tàng hình cho anh đạp gai, làm đổ hàng quán cho anh đền vì cái tội “bắt em ở nhà coi chừng nhà”, v.v… và v.v…

 

Siêu nhân, hiệp sĩ... có còn bị "lợi dụng" trong những bộ truyện tranh dành cho thiếu nhi?

Giá của mỗi tập truyện tranh là 3.000 – 3.500 đồng/tập, chỉ sau 2 – 3 tháng phát hành giá thường giảm còn 1.500 – 2.000 đồng/tập. Nhiều tập truyện khuyến mãi bằng cách tổ chức tặng quà cho những câu hỏi đáp dựa theo nội dung của truyện, thêm lời cho tranh liên hoàn và đăng truyện cười do các độc giả “nhí” gửi về.

 

Một người chuyên bán hàng trước cổng trường tiểu học đã cho chúng tôi biết: “Đối với các em nhỏ, hễ có cái gì mới là mua chứ chúng không cần biết nó có hay hay không”. Do vậy, nếu không có “kiểm duyệt” xã hội thì nên có “kiểm duyệt” gia đình để có thể tránh cho các em… “bội thực” những ý tưởng nhảm nhí, sớm đánh mất những mơ mộng thuần khiết.

  • Lưu Tuấn Kiệt – Đào Nữ Minh Loan

 

 

,
,