,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
458518
Phố cổ Hà Nội đón bằng Di tích Quốc gia
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Phố cổ Hà Nội đón bằng Di tích Quốc gia

Cập nhật lúc 10:30, Thứ Hai, 12/07/2004 (GMT+7)
,

VietNamNet) - Ngày 24/7 tới, Phố cổ Hà Nội sẽ chính thức nhận bằng Di tích Quốc gia. Lễ rước bằng trọng thể này sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV3. 

Ô Quan Chưởng

"Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực di tích đã được khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực này phải được phép của Bộ trưởng Bộ VH-TT". Đây là nội dung đáng chú ý của quyết định công nhận khu phố cổ được xếp hạng là "Di tích lịch sử" ký ngày 5/4/2004 và chính thức có hiệu lực từ ngày 19/4/2004. Khu phố cổ gồm các phường: Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Mã, Cửa Đông, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

 

Dấu vết lịch sử đậm đặc

Trên bản đồ Hà Nội, phố cổ Hà Nội được khoanh một vòng khép kín, giới hạn bằng các phố Trần Nhật Duật, Phùng Hưng, Cầu Gỗ, Hàng Đậu. Đây còn gọi là "khu 36 phố phường". Khu phố cổ được biết đến hiện nay được thiết kế và quy hoạch theo phong cách kiến trúc Pháp với mạng lưới đường hình bàn cờ nhưng dấu vết lịch sử thì lại in đậm ở nhiều lớp văn hoá chồng lên nhau. 

Phường: Vào thời Lê, "phường" ngoài nội dung chỉ các tổ chức của những người cùng làm một nghề (phường chèo, phường thợ) thì còn một nội dung nữa, chỉ những khu vực địa lý được coi là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở kinh thành Thăng Long. Sử cũ còn ghi Thăng Long đời Lê gọi là phủ Phụng Thiên. Chia ra hai huyện Vĩnh Xương (sau đổi ra Thọ Xương) và Quảng Đức (sau đổi ra Vĩnh Thuận). Mỗi huyện 18 phường. Như vậy Thăng Long có 36 phường. Suốt ba thế kỷ, nhà Lê vẫn giữ nguyên sự phân định hành chính đó.

Sang đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đổi "Thăng Long" là phủ "Hoài Đức" và chia nhỏ ra làm nhiều đơn vị mới, có tên gọi là phường, thôn, trại. Huyện Thọ Xương bị chia ra làm 8 tổng với 183 phường, thôn, trại; huyện Vĩnh Thuận bị chia ra làm 5 tổng với 56 phường, thôn, trại. Tổng cộng phủ Hoài Đức, tức kinh thành Thăng Long cũ, gồm 13 tổng, 239 phường, thôn, trại.

Sơ đồ giới hạn khu phố cổ Hà Nội

Đến khoảng giữa thế kỷ XIX, hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận vẫn y nguyên 13 tổng nhưng con số các phường, thôn, trại rút xuống mạnh (do sáp nhập): Thọ Xương còn 113 phường, thôn, trại. Vĩnh Thuận còn 40 phường, thôn, trại. Tổng cộng là 153 phường, thôn, trại. Như vậy là nhà Lê cho Thăng Long hưởng một quy chế riêng (gọi là Phủ, trực thuộc trung ương và suốt ba thế kỷ chỉ gồm có 36 phường). Ngược lại, nhà Nguyễn đã đánh đồng Thăng Long với các phủ khác, phải lệ thuộc vào tỉnh và cũng có tổng, có thôn, có trại như mọi nơi.

Trên thực tế không có cái gọi là "Hà Nội 36 phố phường". Chỉ có Thăng Long thời Lê có 36 phường hoặc là Hà Nội thời Minh Mạng có 239 phường, thôn, trại và Hà Nội thời Tự Đức với 153 phường, thôn, trại. Do tình hình chia nhỏ Thăng Long nên một phường đời Lê đã phân ra làm nhiều phường, thôn, trại thời Nguyễn.

"Phố": Phố khác hẳn phường. Nếu phường nguyên nghĩa là một khu vực hành chính thì phố nguyên nghĩa là chỗ bán hàng, nơi bày hàng, tức là như ta nói ngày nay là cửa hàng, cửa hiệu. Phố có thể là một ngôi nhà bày bán hàng mà cũng có thể ban đầu chỉ là một chỗ trống nhưng lấy làm nơi bày hàng hóa để buôn bán. Ví dụ như cụm từ phố Hàng Trống nguyên nghĩa chỉ là một ngôi nhà, một cửa hàng bán trống. Cũng vậy phố Hàng Chiếu vốn chỉ một nhà bày bán chiếu... Song, do các "phố" tập trung ken sát nhau thành một dãy (dài hoặc ngắn là tùy) nên cái dãy gồm nhiều phố ấy (phố với nghĩa là cửa hàng, cửa hiệu) cũng được gọi tắt là phố.

 
Phố cổ Hà Nội xưa

"Hàng": Đặc điểm chung của các phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng từ "Hàng", tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó. Thí dụ: Hàng Ðào, Hàng Ðường, Hàng Mã, Hàng Thiếc... Từ đời Lê (thế kỷ XV) nhiều người Trung Quốc được phép cư trú ở Thăng Long (Hà Nội), họ rủ nhau đến làm ăn buôn bán ở phố Hàng Ngang. Xưa kia ở hai đầu phố có dựng hai cái cổng chắn ngang đường, tối đến đóng lại. Do đó thành tên Hàng Ngang. Như tên gọi, Hàng Ðường có rất nhiều cửa hàng bán đường, mứt, bánh, kẹo. Sát với chợ Ðồng Xuân là phố Hàng Mã. Mặt hàng truyền thống làm từ các loại giấy màu ở phố này gần như không thay đổi từ khi lập phố. Hàng năm, vào dịp Tết Trung thu của trẻ em (15/8 âm lịch) cả phố Hàng Mã trở thành một chợ bán đồ chơi muôn màu sắc. Từ đầu phố Hàng Mã đi thẳng sang phố Hàng Chiếu dài 276m (nơi bán nhiều loại chiếu thảm bằng cói) là đến Ô Quan Chưởng (cửa Ðông Hà) di tích khá nguyên vẹn của một trong 36 phố phường Thăng Long xưa hay phố nghề rất điển hình: Hàng Thiếc.

Mỗi nghề còn giữ lại trên tên phố Hà Nội nay đã qua bao thay đổi, còn đến hơn sáu mươi phố bắt đầu bằng chữ Hàng như Hàng Đào, Hàng Tre, Hàng Sắt, Hàng Mành, Hàng Bún, Hàng Bè... trong hơn ba trăm sáu mươi phố của Hà Nội hiện nay. Có những phố nguyên có chữ Hàng nhưng đã được mang tên mới như Hàng Cỏ (Trần Hưng Đạo), Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), Hàng Giò (Bà Triệu phía trên), Hàng Lọng (Đường Nam bộ rồi Lê Duẩn), Hàng Nâu (Trần Nhật Duật), Hàng Kèn, (Quang Trung), Hàng Bột (Tôn Đức Thắng)

Phố cổ Nội xưa và nay

Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, khu phố cổ Nội mang dấu ấn văn hóa của nhiều thời kỳ, cũng là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền trên đất nước. Cũng vì vậy, khu phố cổ Nội có nguồn di sản văn hóa phi vật thể phong phú đa dạng. Nhiều công trình còn lưu giữ được phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng.

Đầu thế kỷ XX, dưới thời Pháp thuộc, khu phố cổ Hà Nội chưa được xem là một loại di tích cần phải bảo tồn. Thời gian gần đây, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã cùng bắt tay vào việc bảo tồn phố cổ. Bộ Xây dựng đã ban hành điều lệ xây dựng trong khu phố cổ, UBND TP Hà Nội đã thành lập riêng một ban quản lý khu phố cổ. Nhiều tổ chức, nhà khoa học tâm huyết đã có những đề xuất nhằm giữ gìn khu phố cổ mặc dù trong đó di sản kiến trúc còn lại chưa thật tương xứng với tuổi tác và tầm vóc của thủ đô. Trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, công trình bảo tồn, tôn tạo thí điểm hai ngôi nhà cổ 87 Mã Mây và 38 Hàng Đào đã được khánh thành.

Tuy nhiên, với diện tích 100ha, 76 phố chính và hơn 1.000 nhà cổ, nhà cũ, việc gìn giữ, bảo tồn xem ra không dễ dàng. Khu phố cổ Nội có đặc trưng là nơi tập trung dân cư, với trên 10 vạn người đang sinh sống. Điều kiện sống tối thiểu trong khu phố cổ thật khó tin nổi: diện tích phụ bình quân 1m2/người, trên 50% số nhà không có nhà vệ sinh riêng, 20% số nhà không có bếp, trên 50% số hộ có 6 người ở trong một buồng, mật độ vi khuẩn trong một mét khối môi trường nhiều gấp 5 lần tiêu chuẩn môi trường sạch, trung bình có 4 đến 5 hộ ở trong một "ống nhà" mà trước kia là của một gia đình ở... Cùng với mật độ dân số tăng nhanh là sự xuống cấp của nhà ở đã được xây dựng hơn 100 năm. Hiện nay, số n cần phải sửa chữa là 80%, 20% trong số đó bị hư hỏng nặng. Không chỉ có vậy, trong khu phố cổ có tới 60 công trình tôn giáo, tín ngưỡng (đình, đền, miếu...) mà công trình nào hiện cũng bị lấn chiếm, xuống cấp.

Khởi đầu công cuộc phục hưng phố cổ.

Khu vực này hiện còn 79 công trình di tích vǎn hóa - lịch sử, tôn giáo (trong đó có khoảng 60 đình, dấu ấn tổ nghề) và 859 công trình kiến trúc có giá trị (245 ngôi nhà cổ và 614 ngôi nhà cũ), và đặc biệt là Ô Quan Chưởng (cửa Ðông Hà), di tích khá nguyên vẹn của kinh thành Thăng Long xưa.

Hiện nay, trong khu phố cổ Hà Nội có khoảng 15.270 hộ gia đình sinh sống với số người thực tế thường trú là 66.191 người, trong đó nhiều gia đình đã sinh sống từ 30 năm trở lên. Thậm chí, nhiều hộ gia đình đã 3,4 thế hệ sinh sống tại đây. Về nhà ở của các hộ gia đình trong khu phố cổ tính theo hộ: Có khoảng 15.271 hộ gia đình sống trong các diện tích đất ở là 326.750m2 (bình quân 21,4m2/hộ), diện tích nhà đang ở là 41,8m2/hộ. Tính theo nhân khẩu: bình quân diện tích đất ở là 4,9m2/người và bình quân 9,6m2/người về diện tích nhà ở.

Theo số liệu của Ban Quản lý khu phố cổ Hà Nội, nguyện vọng của những hộ dân hiện sinh sống trong khu phố cổ như sau: 37,6% số hộ muốn giữ nguyên hiện trạng, không có thay đổi gì về nơi ở, 9,2% số hộ muốn giữ nguyên, cần sửa chữa cải tạo thêm tại chỗ, 8,2% số hộ muốn giữ nguyên và mở rộng thêm diện tích cùng số nhà, 8,3% số hộ muốn giữ nguyên và mở rộng thêm diện tích nơi khác, Chỉ có 6,7% số hộ muốn rời khỏi khu vực phố cổ thay đổi nơi ở khác

Theo Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội, hiện trong khu phố cổ có: 76 tuyến phố trong phạm vi khu phố cổ và 1.081 công trình nhà ở có giá trị cần được bảo tồn, tôn tạo. Tổng khu vực phố cổ Hà Nội có 4.341 biển số nhà với tổng diện tích mặt bằng các số nhà là 402.579m2. Diện tích mặt bằng bình quân 92,7 m2/một biển số nhà. Trong một biển số nhà có bình quân 5,52 hộ gia đình sinh sống. Ngoài ra trong khu phố cổ còn có 112 di tích lịch sử và văn hóa (trong đó có 90 di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, 22 di tích cách mạng, kháng chiến…).

Hà Nội cũng đang triển khai dự án “Hà Nội 2010 - Di sản Văn hóa đặc trưng”, với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), thành phố Tuludơ (Pháp) và Brúcxen (Bỉ), nhằm giữ gìn đặc trưng văn hóa và di sản phi vật thể của phố cổ, tiếp tục tôn tạo và khuyến khích người dân tham gia tôn tạo phố cổ, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn di sản ở Việt Nam với các nước châu Á. Dự án, được triển khai trong hai năm 2004-2005, dự kiến sẽ xây dựng chương trình quản lý phố cổ bằng mạng thông tin GIS.
 

Bà Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Đến nay, phố cổ Hà Nội đã đầy đủ về khung pháp lý khi chính thức được xếp hạng di tích quốc gia, việc xây dựng và bảo tồn từ đây mới được coi là bắt đầu. Sắp tới, Ban quản lý phố cổ sẽ đề nghị thành phố cho xếp hạng một số ngôi nhà cổ đã được người dân thực hiện bảo tồn đúng tiêu chuẩn. Đồng thời cũng đề nghị thành phố đầu tư tôn tạo ô phố thí điểm (Hàng Bạc - Mã Mây - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiền).

 

Có nhiều hoạt động nhằm bảo vệ di tích phố cổ Hà Nội đã và sẽ được triển khai. Với người dân phố cổ Hà Nội, hai chữ "di tích" liệu có khiến họ nhìn lại những gì đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày và cách họ đối xử với chính mảnh đất họ đang sống? Các cơ quan chức năng sẽ "bắt đầu" như thế nào với việc bảo tồn di tích này để nó vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng và ý nghĩa cao đẹp giữa sự biến đổi chóng mặt của thời thế?

 

  • Nhật Mai (tổng hợp)

,
,