,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
469840
Đà Nẵng tưng bừng đón Liên hoan Văn hoá du lịch
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Đà Nẵng tưng bừng đón Liên hoan Văn hoá du lịch

Cập nhật lúc 15:30, Thứ Tư, 21/07/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - 2 ngày trước lễ khai mạc Liên hoan văn hoá du lịch 2004, Đà Nẵng đã lộng lẫy cờ hoa chờ đón hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước!

 
Khu du lịch Bà Nà đã sẵn sàng đón khách đến với Liên hoan Văn hoá du lịch Đà Nẵng 2004

Ngày hội của quần chúng

Trong những ngày này, trên khắp các nẻo đường Đà Nẵng đã xuất hiện hàng loạt băng-rôn, panô… mời gọi du khách và người dân đến với Liên hoan Văn hóa Du lịch (diễn ra từ 23/7 đến 1/8). Đây cũng là lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức một Liên hoan Văn hoá Du lịch hoành tráng để tự quảng bá hình ảnh và tiềm năng du lịch của mình. Du khách mong chờ ở liên hoan này một điều gì đó khác lễ hội Hạ Long, Festival Huế khi Đà Nẵng chọn thời điểm tổ chức khá gần kề với các lễ hội đó. Tuy đi sau và thiếu kinh nghiệm tổ chức loại hình lễ hội, nhưng với quyết tâm của chính quyền và nhân dân, Liên hoan Văn hoá Du lịch Đà Nẵng hứa hẹn đem lại sự khởi đầu tốt đẹp cho Năm Du lịch 2005 của TP.

Ngay từ khi ý tưởng về Liên hoan được hình thành, các nhà tổ chức đã phải đau đầu với câu hỏi: “Điều gì làm nên đặc trưng của miền biển Trung Trung bộ thông qua liên hoan này?". Hàng loạt phương án được đưa ra bàn bạc, chỉnh sửa, thêm bớt... Hàng tuần, đích thân Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP đều dành thời gian xem xét cụ thể mọi mặt của công tác chuẩn bị. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hoàng Tuấn Anh chỉ đạo: "Không sợ tốn kém, sẵn sàng thuê các chuyên gia về lễ hội trong Nam ngoài Bắc, các nhà viết kịch bản, các đạo diễn hàng đầu của cả nước về giúp, chỉ sợ làm không ra hồn!". Với tinh thần đó, chương trình chi tiết của Liên hoan đã dần dần hình thành. Khá nhiều hoạt động thiếu tính cộng đồng, thiếu hấp dẫn và bó hẹp trong một khuôn khổ nhất định đã bị loại bỏ. Lễ hội phải là của mọi người dân TP và du khách đến với Đà Nẵng, đồng thời mang nét riêng biệt không thể trộn lẫn đối với các vùng miền khác.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Lương Minh Sâm: "Liên hoan Văn hoá Du lịch Đà Nẵng sẽ thật sự là ngày hội lớn có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều nghề và dĩ nhiên là không thể thiếu vai trò "du lịch nhân dân" của quần chúng. Tâm điểm của liên hoan là nghệ thuật sân khấu hóa các hoạt động đòi hỏi có sự tham gia đông đảo của quần chúng như truyền thuyết Ngũ Hành Sơn, lễ hội Cầu Ngư, hóa trang đường phố (với 3.000 người tham gia)… Bên cạnh đó là những hoạt động vui chơi như đua ghe, lắc thúng chai, đèn lồng, thả diều, đua xích lô du lịch, ẩm thực miền biển… cũng là những hoạt động không thể thiếu vai trò quần chúng!".

Ẩm thực xứ Quảng sẽ thu hút du khách

Đến với ẩm thực xứ Quảng

Bắt đầu bằng chương trình Gặp gỡ Bà Nà, cũng là dịp giới thiệu đến du khách một khu nghỉ mát lý tưởng giữa đại ngàn được người Pháp phát hiện vào cuối thế kỷ 19, Liên hoan Văn hoá Du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục cuốn du khách vào một loạt các hoạt động hoành tráng và mang đậm nét đặc trưng của miền biển Trung bộ như biểu diễn thuyền hoa trên sông Hàn, diễu hành quy mô lớn dọc đường Bạch Đằng, lễ hội đèn lồng, đua thuyền, lắc thúng chai...

Đặc biệt trong liên hoan sẽ có một điểm nhấn khó có thể bỏ qua: Liên hoan văn hoá ẩm thực Hương sắc chợ quê, diễn ra trong khuôn viên Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng (46 - 48 Bạch Đằng) từ 30/7 - 1/8. Nằm ở vị trí đẹp nhất TP, dưới những tán cây vông đồng cổ thụ tỏa bóng mát cùng với gió lộng từ sông Hàn, tại đây sẽ dựng lên 10 gian hàng bằng tranh tre, nứa lá và 10 chõng tre, thúng mủng... được trang trí đèn lồng, đèn măng sông, bàn ghế bằng mây tre nhằm tái hiện khung cảnh chợ quê với các quán ăn dân dã của xứ Quảng và các vùng, miền trong nước.

Tham gia liên hoan văn hóa ẩm thực này là những đơn vị truyền thống trong ngành gồm các khách sạn Bamboo Green, Đà Nẵng, Furama, Datraco, Phương Đông và các nhà hàng Sao Đỏ, Đông Dương, Trúc Lâm Viên, Du lịch Suối Lương và một đại diện của ngành du lịch Quảng Nam. 107 món ăn dân dã xứ Quảng (tré, gỏi mít trộn, nem lụi, bánh tráng đập, bún mắm thịt quay...) sẽ được ch? biến và phục vụ theo phong cách xưa. Ngoài ra, một số món ăn dân tộc phía Bắc được Khu du lịch Suối Lương đưa về chế biến phục vụ, kèm theo đó là các món chay độc đáo mới lạ của nhà hàng Đông Dương. Đặc biệt, những món ăn đoạt giải trong cuộc thi các món ăn dân tộc được tổ chức tại Hà Nội năm 2002 sẽ được Nhà hàng Sao Đỏ chế biến phục vụ trong dịp này.

10 hàng gánh trên những chiếc chõng tre thì chuyên về các món ăn dân dã như khoai, bắp nướng, bánh nậm, bánh bèo, bánh đúc, đậu hủ... với người bán mặc áo bà ba, đi guốc mộc... sẽ tận tình phục vụ du khách. Trong khung cảnh chợ quê, sẽ có 9 chòi tre được dựng lên để tổ chức bài chòi hằng đêm do Trung tâm Văn hóa Hội An đảm trách. Với giá bình dân 5.000 - 10.000 đồng/món, khách sẽ thoải mái thưởng thức các món ăn phong phú, đa dạng trong không gian mát mẻ với nền nhạc dân tộc dập dìu dưới những tán cây. Một cổng chợ quê với mái tranh 2 tầng được dựng lên trong không gian đèn lồng chắc chắn sẽ gây ấn tượng cho du khách khi đến với liên hoan ẩm thực.

Đua thuyền trên sông Hàn (Đà Nẵng)

Và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc

Trong khuôn khổ liên hoan, chương trình sân khấu hóa là một hoạt động quan trọng và hấp dẫn. Sân khấu sẽ được dựng phía trước công viên bên cạnh Bảo tàng Điêu khắc Chămpa. Tại đây, tối 31/7 là màn trình diễn hình tượng hóa truyền thuyết Ngũ Hành Sơn, do đạo diễn NSND Phạm Thị Thành dàn dựng, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3 lúc 20h15. Trước đó, một phóng sự dài 15 phút về các hoạt động của lễ hội, các tiềm năng, thế mạnh của du lịch biển Đà Nẵng sẽ được phát sóng. Cùng lúc là 30 phút diễu hành nghệ thuật của lực lượng thanh niên TP cùng 15 xe hoa của các đơn vị trong ngành và 10 thuyền hoa trên sông Hàn. Những hoạt động sôi nổi trên bờ, dưới sông cùng với dàn đèn trên đường Bạch Đằng sẽ biến khu vực này trở nên rực rỡ và hoành tráng nhất từ trước đến nay. Đêm nghệ thuật thứ hai (tối 1/8) sẽ do Thành Đoàn Đà Nẵng đảm trách cũng là đêm bế mạc liên hoan.

Ngày 1/8, sông Hàn sẽ dậy sóng khi diễn ra những hoạt động thể thao truyền thống của ngư dân vùng biển miền Trung như đua thuyền rồng, lắc thúng chai... Cùng lúc, trên bãi biển Mỹ Khê sẽ diễn ra giải bóng chuyền quốc tế trên cát với sự tham gia của 12 đội bóng. Đây được xem là bước chuẩn bị để Đà Nẵng đưa sự kiện thể thao này lên tầm quốc tế vào những năm sau. Trong khi đó, tại Công viên 29/3, từ ngày 29/7 sẽ diễn ra Hội chợ Thương mại du lịch với sự tham gia của 30 đơn vị trong và ngoài ngành do Trung tâm Xúc tiến Thương mại cùng Trung tâm Xúc tiến du lịch phối hợp tổ chức. Cũng trong dịp Liên hoan Văn hoá Du lịch Đà Nẵng, hàng loạt các tour, các điểm du lịch mới cũng sẽ lần đầu tiên "trình làng" như phần mở rộng Bảo tàng Chăm, khu du lịch Bến Thành - Non Nước, tuyến du lịch Đà Nẵng - Sơn Trà...

Không quên nhiệm vụ quảng bá tiềm năng du lịch, trong dịp Liên hoan Văn hoá Du lịch 2004, Đà Nẵng sẽ đón 35 đoàn lữ hành và báo chí quốc tế tham gia, đồng thời tổ chức một hội thảo quy mô lớn "Du lịch Đà Nẵng - Tiềm năng và phát triển" với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu Việt Nam như GS Trần Quốc Vượng (ĐH Quốc Gia Hà Nội), GS Dương Trung Quốc (Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam), TS Nguyễn Minh Sơn (Trung tâm khảo sát và tư vấn môi trường biển) và nhiều tập đoàn kinh doanh du lịch hàng đầu thế giới như Magnum, WATG (Hoa Kỳ)...

Thay lời kết

Chỉ diễn ra trong vòng 10 ngày với nhiều hoạt động đan xen, không quá cấp tập nhưng cũng không bị đứt đoạn, những nhà tổ chức đang kỳ vọng đón hàng chục ngàn lượt khách đến với Liên hoan Văn hoá Hu lịch Đà Nẵng 2004. Tất cả những gì Đà Nẵng mong muốn qua kỳ liên hoan này là giới thiệu đến du khách gần xa một điểm du lịch trẻ, năng động và đáng khám phá, mang nét riêng biệt xứ Quảng. Nếu thành công thì không có gì phải bàn, những nếu còn những khiếm khuyết trong chương trình thì âu cũng là điều tất yếu cho một sự khởi đầu của du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn mới. Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Lương Minh Sâm: "Liên hoan Văn hoá Du lịch Đà Nẵng 2004 nhằm giới thiệu những thế mạnh du lịch và văn hoá của TP, những nét đẹp của đất nước - con người Đà Nẵng xưa và nay. Đây cũng là dịp để tạo tiền đề nâng cao một bước chất lượng các sản phẩm du lịch của TP cũng như công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu các chính sách, các chương trình dự án kêu gọi hợp tác đầu tư và mô hình hoạt động của các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn. Qua đó, cải thiện hơn nữa hình ảnh của Đà Nẵng trên thị trường du lịch, đầu tư cả trong và ngoài nước!".

Chương trình liên hoan Văn hóa - Du lịch Đà Nẵng 2004:

Thời gian

Hoạt động

Địa điểm

23-25/7

Gặp gỡ Bà Nà tháng 7

Khu du lịch Bà Nà, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang

31/7

- 8h00: Khai mạc giải bóng chuyển bãi biển quốc tế

Bãi tắm Phạm Văn Đồng, Bãi tắm Mỹ Khê, quận Sơn Trà

 

- 9h00: Khai mạc triển lãm ảnh 'Đà Nẵng xưa và nay'

Lề đường Bạch Đằng trước trụ sở UBND và HĐND thành phố, quận Hải Châu

 

- Biểu diễn thư pháp, đèn lồng

Lề đường Bạch Đằng trước Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố, quận Hải Châu

 

- Farmtrip (đại diện các hãng du lịch, các hãng thông tấn của các thị trường trọng điểm: ASEAN, Nhật Bản, Hồng Kông...)

Furama Resort, Khu du lịch Bến Thành - Non Nước

 

- Khai trương các tour mới (Cyclo city tour, Đà Nẵng - Sơn Trà...)

Thành phố Đà Nẵng

 

- 10h00: Khai trương Khu Du lịch Bến Thành - Non Nước

Phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn

 

- 14h30: Khai mạc Lễ hội Văn hóa ẩm thực (tái hiện cảnh chợ quê, ẩm thực xứ Quảng)

CLB Thanh Niên, đường Bạch Đằng - Lê Văn Duyệt - Quang Trung, quận Hải Châu

 

- 18h00: Biểu diễn thuyền hoa (thuyền trang trí, diễu hành theo kịch bản sân khấu hóa)

Sông Hàn

 

- 19h45: Chương trình nghệ thuật khai mạc Liên hoan Văn hóa Du lịch biển 2004

Đường Bạch Đằng, trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm, quận Hải Châu

 

- 21h30: Khai mạc Lễ hội đèn lồng (diễu hành rước đèn lồng, trưng bày, trình diễn nghệ thuật chế tác sản phẩm)

Khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp, đường Bạch Đằng, quận Hải Châu

01/8

- 7h00: Khai mạc giải đua thuyền, lắc thúng chai

Sông Hàn

 

- 8h00: Khai mạc Hội chợ

Cộng viên 29/3, quận Thanh Khê

 

- 9h00: Khai mạc Hội thảo du lịch 'Du lịch biển Đà Nẵng - tiềm năng và phát triển'

Hội trường UBND thành phố, quận Hải Châu

 

- 16h00: Hội thao cứu hộ biển

Bãi tắm đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà

 

- 17h00: Triển lãm tranh thêu XQ

Đường Bạch Đằng - Nguyễn Thái Học, quận Hải Châu

 

- Trưng bày Đá nghệ thuật Non Nước và các sản phẩm truyền thống

Đường Bạch Đằng, quận Hải Châu

 

- 18h00: Diễu hành nghệ thuật và thuyền hoa

Đường Bạch Đằng, Sông Hàn

 

- 19h00: Đêm hội ca múa nhạc :Thành phố biển xanh và sức trẻ'

Sân khấu Cổ viện Chàm

  • Hải Châu
,
,