'Lẽ ra phải làm mái che từ khi bắt đầu khai quật!'
(VietNamNet) - Ý kiến hơi cực đoan này của một chuyên gia nước ngoài trong Hội thảo tư vấn quốc tế về di tích Ba Đình và Hoàng Thành chiều 11/8 thực sự làm người ta giật mình khi nhìn vào thực trạng bảo quản hiện vật khu Hoàng thành Thăng Long. "Thậm chí trước và trong quá trình khai quật đã phải nghĩ bảo tồn như thế nào!" - Ông này nhấn mạnh. Điều này đã khiến các ý kiến về khâu bảo tồn trở thành chủ đề thảo luận đáng quan tâm nhất tại Hội thảo.
TS. Silvana Rizzo (Italia): "Cần có mô hình mô phỏng hơn là phục dựng chính xác di tích"
Đây là bài học kinh nghiệm từ nước Ý. Chúng ta không thể bảo tồn được toàn bộ di tích, và không phải toàn bộ di tích đều cần khôi phục. Chỉ nên khôi phục những phần tiêu biểu nhất, do đó phải nghiên cứu để biết rằng phần nào là quan trọng tiêu biểu nhất. Từ chỗ là phế tích đến chỗ được phục dựng là cả một quá trình, trong đó có khai quật, giữ gìn, bảo tồn, phát huy. Ở đây vấn đề quy hoạch đô thị hay ý chí chính trị của Nhà nước đều quan trọng như nhau. Việc xây mới quá nhiều tạo nên mối nguy về sự thiếu hài hoà giữa cái hiện đại và cổ xưa trong một đô thị cổ, tuy nhiên không phải người dân nào cũng hiểu ra điều đó. Cần giữ gìn và bảo vệ di sản thông qua việc quy hoạch, trong đó giá trị các cuộc khai quật được coi trọng".
TS Corrado Pedeli (Chuyên gia của ICCROM): "Phủ bạt, mái che là tốt nhưng chưa đủ!"
Khi di tích đã phát lộ thì chúng ta chỉ có thể hạn chế hay làm chậm chứ không thể dừng quá trình xuống cấp của nó. Bây giờ hãy nhìn các hiện vật, di vật chỉ trên góc độ vật chất, ta sẽ thấy điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa của VN là quá khắc nghiệt đối với các di vật mới phát lộ. Với điều kiện đó, nếu không được bảo quản đúng cách, chỉ hai năm sau, di tích sẽ biến mất! Tôi chủ trương cần phải tuân theo các bước "cổ điển" như sau: Hỗ trợ khẩn cấp di tích ngoài trời, phân tích về địa chất, lịch sử; lập dự án bảo tồn; đào tạo (nhiều kỹ thuật viên của VN theo tôi biết là hoàn toàn không được đào tạo gì cả!); và cuối cùng là can thiệp bằng các biện pháp đảm bảo lâu dài. VN hiện đang sử dụng mái bạt để che, theo tôi là tốt nhưng chưa đủ".
TS Yun Hyeung-won (Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc): "Bảo tồn di tích: VN phải coi đó là vấn đề của VN!"
Cần nhất là phải hạn chế việc xây dựng mới để bảo vệ hình ảnh cũ của khu di sản. Còn với sự hỗ trợ của nước ngoài, các bạn có thể làm gì? Khu di tích Ba Đình không chỉ là Di sản VN, mà có tầm cỡ di thế giới. Trở về nước, tôi sẽ báo cáo với Chính phủ và cơ quan liên quan về tầm quan trọng của khu khai quật này. Chúng tôi có thể gây quỹ hỗ trợ về tài chính. Nhưng quan trọng nhất là làm thế nào để tiến hành được các chương trình bảo tồn theo quan điểm của VN. Tức là, VN phải coi đây là vấn đề của VN!
TS Andrew Hardy (Trưởng đại diện Viện Viễn đông Bác cổ): "Chúng tôi đã có dự án tư vấn cho các bạn trong việc nghiên cứu!".
Quan điểm của các học giả Pháp ở Viện Viễn đông Bác cổ thống nhất là nên giữ gìn toàn bộ khu di tích. Về sau thì nên chọn một điểm làm bảo tàng, nhưng cũng phải chọn điểm tiêu biểu nhất. Dùng cát để làm một khu công viên văn hoá để dân được vào xem. Không xây dựng trong khu di tích. Sau này, khi điều kiện tài chính, trình độ tốt hơn thì mới bới cát ra và tiếp tục bảo tồn và phát triển. Nên tiến hành làm từng bước và có thể kéo dài trong nhiều năm. Về mặt quy hoạch, cần có sự hài hoà giữa quá khứ và tương lai trong không gian đô thị. Chính phủ Pháp mới đây đã phê duyệt một dự án tư vấn chuyên gia VN trong nghiên cứu di tích này. Từ 1/7, dự án đã có vốn. Giai đoạn 1 của dự án chỉ có giá trị trong 6 tháng, kéo dài từ nay đến cuối năm. Giai đoạn 2 thì còn tuỳ thuộc vào quyết định của Chính phủ VN và Pháp sau đó. Chúng tôi sẽ giúp các bạn tìm các tài liệu về Thành Thăng Long - HN bằng tiếng Pháp hoặc ở bên Pháp, góp phần bảo tồn, giữ gìn khu di tích này".
-
Đạt NT
Ảnh: Nguyên Vũ