Các nhà xuất bản - Mạnh ai nấy 'nhảy'!
(VietNamNet) - Dù phản ứng thế nào, các nhà xuất bản sách cũng có vài động thái để thích nghi trước ngày "con sóng" Berne tràn đến.
Mạnh ai nấy "nhảy"!
Một người làm phát hành cho biết muốn tìm hiểu dân trong nghề hiện đang làm những gì trước ngày công ước Berne có hiệu lực, là rất khó. Giữa thời điểm "giao thời", hướng đi chung cho vấn đề bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật ở Việt Nam còn chưa được xác định cụ thể, thì những lối mở riêng của từng đơn vị càng khó khăn hơn. Nếu có, cũng không ai muốn nói ra những tính toán riêng và càng giấu kỹ những nước đi có tính sống còn của đơn vị mình.
TS. Quách Thu Nguyệt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ: |
Chúng tôi đã có bộ phận chuyên trách bản quyền từ 3 năm trước, do đã nhận thấy trước con đường đi này. Việc mua tác quyền của nước ngoài đã được chúng tôi chủ động, nhưng tất tần tật mua hết thì không thể... chịu nổi. Chúng tôi sẽ mua bản quyền sách theo các tiêu chí riêng của mình, đảm bảo phải có ba cái lợi: Thứ nhất, lợi cho quốc gia, điều này nói ra to tát nhưng các tác phẩm sẽ góp phần nâng cao dân trí, giúp người đọc tiếp thu trí tuệ nhân loại. Thứ hai, lợi cho chính chúng tôi trong việc kinh doanh. Thứ ba, lợi cho bạn đọc... Tôi đang lo nhất là thị trường sách nói chung sẽ chùng xuống, chúng tôi sẽ phải thận trọng hơn trong việc kinh doanh. |
Tuy vậy, dấu hiệu dễ thấy là các nhà xuất bản đang mạnh ai nấy lo giải quyết nốt những cuốn sách khai thác từ nước ngoài đã lên kế hoạch của mình sao cho chúng tránh vướng vào thời điểm công ước Berne có hiệu lực. Các nhà xuất bản vốn đã giỏi chạy đua với nhau trong việc làm sách nay chạy còn nhanh hơn, nhưng không còn để cạnh tranh với nhau mà để cùng đối phó với công ước Berne. Dù còn không đầy một tháng nữa nhưng giám đốc một nhà xuất bản lớn cho VietNamNet biết nhà này vẫn sẽ cho ra lò sản phẩm của mình, tuy nhiên số lượng không được tiết lộ.
Mặt khác, nhắm chừng không "nhảy" kịp trước khi "sóng" Berne ập đến, các nhà xuất bản đành chấp nhận buông một số đầu sách. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh nhưng muốn yên tâm đón công ước mới mà chưa biết mình sẽ được "chăm sóc" như thế nào, các nhà xuất bản không còn sự lựa chọn nào khác.
Ngay cả Cục bản quyền tác giả (Bộ VHTT) cũng chỉ đạo một cách chung chung đến với các đơn vị rằng "cần chủ động xem xét điều chỉnh kế hoạch hoạt động của mình". Thế nên, các động thái trái chiều nhau nói trên chính là biểu hiện của việc những người làm công tác xuất bản đang loay hoay chưa biết mình phải làm những gì. Việc chỉ đạo các nhà xuất bản triệt để khai thác những đầu sách đã hết thời hạn được bảo hộ cũng chỉ mang tính đối phó tạm thời. Bởi loại sách này thường là các tác phẩm văn học cổ điển, trong khi nhu cầu của người đọc thì mênh mông, đặc biệt là sách phổ biến kiến thức, các loại giáo trình vốn đã lạc hậu cần sớm được thay thế.
Từ giã lối làm bản quyền nghiệp dư
Một việc làm thiết thực và có tầm chiến lược là một số đơn vị hoặc thành lập trung tâm khai thác bản quyền cho riêng mình, hoặc chỉnh đốn lại bộ phận chuyên trách làm bản quyền bấy lâu bị bỏ bê.
Ông Phạm Minh Thuận, GĐ Công ty Phát hành sách TP.HCM: Bán hàng là công việc chính của chúng tôi nên công ước Berne chỉ ảnh hưởng gián tiếp. Thế nhưng hàng chúng tôi bán là do các nhà xuất bản cung cấp, đầu vào của họ khó khăn thì một nguồn sách lớn sẽ bị thiếu hụt. Chúng tôi đang lo không biết có đủ hàng để bán cho năm tới hay không. Ông Lê Trần Trường An, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietbooks: Hiện đã có một số nhà làm bản quyền của nước ngoài vào Việt Nam để kiện một số trường hợp. Những "cú" đó cho thấy không ai cứu được những người làm ăn chụp giật. Trung tâm khai thác bản quyền của chúng tôi sẽ phấn đấu trở thành một nhà môi giới bản quyền chuyên nghiệp, thực hiện các cuộc giao dịch có chọn lọc cho các đơn vị. Tất nhiên là để trở nên chuyên nghiệp khi đã có công ước Berne, chúng tôi sẽ còn phải học tập và phải... trả giá nhiều đấy. |
Công ty văn hóa Phương Nam, một đơn vị mạnh chuyên liên kết xuất bản và phát hành các loại sách báo trong và ngoài nước, sẽ cho ra mắt trung tâm khai thác bản quyền của mình trong tháng 10/2004. Từ nhiều năm nay, công ty này đã từng mua bản quyền tác phẩm của các nhà xuất bản nước ngoài mà nổi bật là mua truyện kiếm hiệp của các tác giả Kim Dung, Cổ Long. Giá mua khá cao, song đại diện Công ty Phương Nam cho biết, đều là do thỏa thuận chứ không theo định mức sát luật. Với việc thành lập một trung tâm khai thác bản quyền cùng một bộ phận chuyên trách, những cuộc mua bán đàng hoàng của Phương Nam không chỉ làm lợi, tăng uy tín cho công ty này mà còn ảnh hưởng tốt đến quá trình hòa nhập vào công tác khai thác bản quyền của các đơn vị khác.
Một đơn vị khá kinh nghiệm trong lĩnh vực này là Nhà xuất bản Trẻ. Công tác khai thác bản quyền của nhà xuất bản này đã được bắt đầu từ cách nay 3 năm với Tổ khai thác đề tài. Sau đó, cách đây hơn một năm, Ban giao dịch tác quyền ra đời. Thực tế thì họ cũng chỉ mới làm công tác bản quyền đối với các tác giả trong nước. Thế nên, TS. Quách Thu Nguyệt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, bộc bạch với VietNamNet: "Chúng tôi đang rất lo, dù đã chủ động trong công tác này từ hơn một năm nay".
Tin vui cho các đơn vị còn chưa tỏ đường đi nước bước trong việc thực hiện bản quyền là cũng trong tháng 10/2004, Trung tâm khai thác bản quyền của Công ty Vietbooks sẽ chính thức ra mắt trở lại. Tuy thành lập đã 7 năm nay nhưng hoạt động cầm chừng, giờ đây trung tâm này đã chọn đúng dịp công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam để tái hoạt động với quy mô lớn hơn. Không chỉ khai thác cho công ty mẹ, trung tâm này nhận làm đầu mối giao dịch mua bán bản quyền cho tất cả các đơn vị có nhu cầu.
Trung tâm bản quyền của Vietbooks dù sao cũng là một chỗ dựa đáng kể cho nhiều đơn vị trong khi chờ Nhà nước thành lập một trung tâm đàm phán về bản quyền tác phẩm văn học và nghệ thuật. Nhưng không thể "giải" hết rất nhiều khó khăn (giá cả, việc liên hệ đối tác...) đang dần lộ diện theo quá trình đếm ngược về thời điểm 26/10, ngày công ước Berne bắt đầu có hiệu lực.
Chưa biết chất lượng sách có khá hơn không, chỉ nghĩ đến việc sách ngoại văn bỗng thưa thớt hẳn trong các nhà sách và giá bán của chúng vốn đã cao giờ lại cao thêm, người làm xuất bản rùng mình một, người tiêu dùng rùng mình mười!
Công ước Berne |
Công ước Berne mang tên thành phố của Thụy Sĩ được chọn làm địa điểm ký kết công ước bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật vào năm 1886. Đạo luật mà 156 quốc gia thành viên hiện nay đang tuân theo là đạo luật Paris, được sửa đổi vào năm 1971 và bổ sung ngày 24/7/1979 tại Paris. Trước đó, công ước Berne đã được chỉnh sửa, bổ sung khá nhiều lần, năm 1896 tại Paris, 1908 ở Berlin, hoàn thiện tại Berne năm 1948, v.v... Liên hiệp Berne có một Đại hội đồng và Ủy ban điều hành, trong đó Thụy Sĩ là thành viên đương nhiên của Ủy ban điều hành. Công ước Berne có 38 điều và phụ lục kèm theo gồm 6 điều. Công ước này có ba nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc đối xử quốc gia, bảo hộ đương nhiên và bảo hộ độc lập. Berne còn có những quy định ưu đãi về quyền dịch thuật và làm bản sao đối với một số loại tác phẩm theo từng điều kiện cụ thể, dành cho các nước đang phát triển. Đây chính là một điểm thuận lợi cho Việt Nam. |
- Võ Tiến