Công ước Berne một ngày trước khi có hiệu lực
(VietNamNet) - Ngày mai (26/10), Công ước Berne chính thức có hiệu lực ở Việt Nam, điều này có nghĩa là bắt đầu từ ngày mai tất cả các NXB, các cơ sở sản xuất băng đĩa nhạc, các cuộc biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp muốn sử dụng tác phẩm nước ngoài phải được phép bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện hợp pháp quyền tác giả. Song có một điều mà hầu như các NXB cũng vướng: Thực hiện Công ước Berne như thế nào cho đúng luật!
Chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện
Giá sách sẽ tăng sau ngày 26/10? |
Mấy tháng vừa qua, để đối phó với Công ước Berne, các NCoođã ngấm ngầm tập trung "chạy đua nước rút" cho những cuốn sách nước ngoài đã được lên kế hoạch từ trước mà vẫn trong thời gian dịch dở, in dở cốt để tránh thời điểm Công ước Berne có hiệu lực (26/10/2004) và họ đã làm khá tốt. Ông Nguyễn Phan Hách - Giám đốc NXB Hội nhà văn cho biết: "4 ngày hôm nay, NXB đã tạm ngưng hoàn toàn việc cấp giấy phép cho các tác phẩm dịch trừ một số tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền". Trên thực tế, các NXB hầu như chưa biết thực hiện Công ước Berne như thế nào cho đúng luật! Đó là những thông tin về văn bản thực hiện Công ước Berne và pháp luật Việt Nam mà lẽ ra Cục bản quyền phải "cung cấp, trang bị" cho các NXB trước đó từ lâu.
Ông Chu Chí Thành - Phó Tổng thư ký Hội NSNAVN: Xâm phạm bản quyền tác phẩm ảnh cũng có nhưng không trầm trọng... Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhiếp ảnh ở Việt Nam, Hội NSNAVN đã có kế hoạch thành lập Trung tâm bản quyền nhiếp ảnh, công việc đang chuẩn bị tiến hành, dự kiến năm 2005 Trung tâm sẽ ra mắt. Còn tình trạng xâm phạm bản quyền đối với lĩnh vực nhiếp ảnh ở Việt Nam cũng có nhưng không đến mức trầm trọng, nặng nề, nguyên nhân của việc xâm phạm bản quyền có nhiều duyên cớ sâu sa. Trước đây, chúng ta sống trong cơ chế bao cấp, phần lớn các phóng viên, BTV nhiếp ảnh đều do Nhà nước đào tạo, người chụp ảnh được trả lương, phương tiện chụp đều do Nhà nước trang bị, đi lại có công tác phí. Bức ảnh làm ra được dùng trên báo chí hoặc triển lãm, in sách coi như tài liệu công hữu. Thực tế đời sống và quan niệm xã hội lúc đó khác xa ngày nay, do đó khi thực hiện Công ước Berne không tránh khỏi thói quen cũ cũng như kẽ hở của sự cám dỗ lợi nhuận sinh sôi bởi thị trường biến động. |
Về vấn đề này, ông Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục bản quyền ( Bộ VHTT) cho biết: "Văn bản hướng dẫn vừa mới được Cục trình lên Bộ (VHTT) và đang trong thời gian đợi Bộ trả lời". Như vậy, các NXB, các đơn vị kinh doanh nghệ thuật vẫn chưa thể thực hiện Công ước Berne theo luật và họ chỉ biết yên tâm ngồi đợi...
Có hỏi bất cứ đại diện một NXB nào về vấn đề này cũng sẽ được nghe một câu trả lời thiếu logic như nhau: Không hiểu rõ lắm nên không dại gì mà vi phạm! Nhưng nếu đã "không hiểu lắm" thì chỉ có cách không làm gì cả thì mới không vi phạm còn nhúc nhắc làm thì rất dễ mắc do không hiểu rõ ngọn ngành. Dịch giả Đoàn Tử Huyến (PGĐ Trung tâm ngôn ngữ và văn hoá Đông Tây) đã đưa ra nhiều nghi vấn: "Khi mình mua bản quyền của nước nào phải theo luật nước đó, vậy mình có đủ sức chịu được không? Và những tác phẩm sau 50 năm khi chủ sở hữu đã qua đời sẽ thuộc về chung, nghĩa là thuộc về Nhà nước họ, do Nhà nước họ quản lý và thu tiền hay đó sẽ là tài sản chung, ai muốn dùng cũng được?".
Đại đa số đều hiểu những tác phẩm sau 50 năm bảo hộ là tài sản chung, ai muốn dùng cũng được, còn những tác phẩm vẫn trong thời gian bảo hộ nhất thiết phải có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu mới được sử dụng. Nhưng còn nhiều vấn đề về Công ước Berne mà họ chưa thông hiểu như: Quyền tạo ra tác phẩm tái sinh, quyền sao chép, quyền biểu diễn trưng bày tác phẩm... Do đó, hiểu mà không rõ ràng rất dễ rơi vào tình thế vi phạm vô thức mà trong Hội nghị văn học dịch toàn quốc lần thứ nhất dịch giả Phạm Xuân Nguyên đã nhiều lần đề cập đến, ông nói: "Chúng ta đã ký các hiệp ước bản quyền với Mỹ, Thuỵ Sĩ và sắp tới sẽ gia nhập đầy đủ các công ước bản quyền khác của thế giới. Điều này đặt ra những khó khăn rất lớn, ngoài chuyện kinh phí mua tác quyền, chuyện giữ được nguyên vẹn nội dung của tác phẩm cũng là một vấn đề. Những trường đoạn không phù hợp về chính trị, thuần phong mỹ tục...thì tính như thế nào khi không được quyền cắt xén? Rồi những tác phẩm, tác giả nào được dịch, tác phẩm, tác giả nào thì không?".
Nhà văn Cao Tiến Lê - UV BCH Hội NVVN, thành viên quản lý Trung tâm quyền tác giả văn học VN: Sẽ áp dụng mô hình Thuỵ Sĩ Tôi vừa hoàn thành chuyến đi khảo sát, nghiên cứu về quản lý quyền tác giả Berne ở Thuỵ Sĩ, tại đây chúng tôi đã học hỏi và trao đổi được rất nhiều kinh nghiệm. Thuỵ Sĩ là nơi đầu tiên có Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả đã hoạt động được hơn một trăm năm, sau này mới phát triển thành bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm nhiều lĩnh vực: khoa học, công nghệ, văn học nghệ thuật... Thuỵ Sĩ là nước đầu tiên thực hiện Công ước Berne nên quyền sở hữu trí tuệ ở đây rất rõ ràng, rành mạch, chi tiết và nguyên tắc. Tôi chỉ đưa ra một ví dụ về cách thức tổ chức và làm việc của họ để thấy rằng chúng ta cần phải cố gắng rất nhều khi gia nhập Công ước Berne. Viện Sở hữu trí tuệ có 6 Hiệp hội (do tư nhân thành lập và tổ chức) gồm: hiệp hội âm nhạc, băng hình, mỹ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, Suisimage, riêng hiệp hội Suisimage là tổ chức trung gian giữa tác giả và phía sử dụng tác phẩm, làm nhiệm vụ hợp đồng giữa hai bên và chuyển quyền cho người sử dụng. Hiệp hội này có đến 1.700 thành viên chuyên về băng hình nên không một chi tiết, việc làm nào qua được mắt họ. Đợt nghiên cứu, khảo sát ở Thuỵ Sĩ vừa rồi đã giúp tôi hiểu thêm về chi tiết cũng như khái quát về quyền sở hữu trí tuệ mà trước mắt là bảo hộ quyền văn học nghệ thuật. Từ đó, áp dụng trong việc tổ chức, hướng dẫn Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam. |
Do đó, Công ước Berne và pháp luật Việt Nam rất cần được giải thích rõ ràng, cụ thể (cho dù quá muộn) như lời TS. Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng CBQ tác giả VHNT khẳng định: "Sẵn sàng tạo cơ hội cho các NXB tự tin hội nhập... để đảm bảo cuộc chơi công khai minh bạch, bình đẳng cùng có lợi".
Đón Công ước Berne bằng cách...hạ giá sách?
Các NXB đã chính thức có cuộc chạy đua giảm giá bắt đầu từ tháng 8/2004. Vào thời điểm đó, tại tất cả các cửa hàng bán sách ở Hà Nội, những băngrôn, bảng thông báo giảm giá sách được viết to hết cỡ, choán cả lối đi. Trừ NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, các loại sách còn lại đều được giảm giá từ 30-35%, thậm chí có sách còn được giảm từ 45-50% (NXB VHTT, NXB Phụ Nữ, NXB Thanh Niên, NXB Hà Nội...). Trả lời báo chí, ông Tấn Ngô - TGĐ Tổng Công ty phát hành sách Việt Nam cho biết: "Chỉ riêng trong 2 tuần giảm giá sách tại TP.HCM, Tổng công ty đã thu về hơn 1,7 tỷ đồng".
Do đâu lại có nghịch lý này? Chúng tôi đem câu hỏi này thắc mắc với cán bộ quản lý một NXB lớn thì nhận được câu trả lời: để giải quyết số tồn đọng trong kho. Như vậy, sách thừa vẫn thừa, sách thiếu vẫn thiếu.
Nhưng đó lại là chuyện của ngày hôm nay, còn bắt đầu từ ngày mai thị trường sách có thể sẽ không sôi động như trước nữa. Bởi các đầu nậu sách không thể làm ăn chụp giật, manh mún, lặt vặt, mua tranh bán cướp, làm nhanh làm ẩu... như trước được nữa. Có thể số sách dịch sẽ giảm đi đáng kể trong khi giá thành lại tăng (do phải đội thêm chi phí bản quyền) nhưng bù lại chất lượng sách sẽ cao, giá trị sáng tạo của người nghệ sĩ được coi trọng, người tiêu dùng có phải bỏ tiền ra mua cũng cảm thấy xứng đáng.
-
Trần Mạnh Hào