Tin văn hoá trên các báo ra ngày 1/11
1.Lời đề nghị... ''mạo hiểm''?
2.Triển lãm băng đăng thế hệ mới tại Đầm Sen
Lời đề nghị ... "mạo hiểm"?
Phương Duy Lá thư ngỏ của Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật (BTMT) Việt Nam gửi giới nghệ thuật tạo hình trong cả nước, kêu gọi hiến tặng tác phẩm cho BT đang là một sự kiện gây nhiều đàm luận. Người ủng hộ, người chẳng mặn mà, nhưng hầu hết đều cho đây là một động thái hơi... "mạo hiểm" đối với một BTMT quốc gia.
Rằng tốt thì tốt...
PGS.TS Trương Quốc Bình - GĐ BTMT - cho biết: "Đây cũng là một cách "xã hội hoá" hoạt động BT bởi bấy lâu kinh phí mua tác phẩm rất hạn chế. Có nhiều bức tranh đáng lẽ phải được lưu giữ trong BT quốc gia, nhưng không có tiền nên đành bó tay. Ở các nước, việc các nhà sưu tập, HS hiến tặng tác phẩm cho BT cũng là việc bình thường. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn mở ra một cơ hội tự giới thiệu mình của những tài năng chưa có điều kiện được biết đến".
"Là nơi hội tụ những tinh hoa của nền MT nước nhà", nhưng những âm vang của sự chuyển động mạnh mẽ trong đời sống MT mấy thập niên gần đây lọt được qua cánh cửa của BT chẳng là mấy. HS Đặng Xuân Hoà bức xúc: "Nhìn chung, bộ mặt hiện nay của BT đã quá cũ, không có tiếng nói của thời đại. Nhiều HS đương đại VN thậm chí đã nổi tiếng trên thế giới, nhưng vẫn không có tranh trong BT". Nghệ sĩ sắp đặt Bảo Toàn: "Nhiều tác phẩm đáng lẽ phải có mặt thì không được có mặt, nhiều bức không xứng đáng thì lại có mặt. Mảng MT đương đại hầu như không có. Quá nhiều "khoảng trống". Ví dụ NT sắp đặt hay những tác phẩm điêu khắc theo phong cách mới".
Trước tình hình đó, lá thư của kêu gọi của GĐ BTMT được nghệ sĩ Bảo Toàn gọi là "một tinh thần cởi mở", còn HS Đinh Quân thì nồng nhiệt nói nếu nhận được lá thư đó, anh sẵn sàng hiến tặng bức tranh tâm đắc nhất của mình. Nhà phê bình hội hoạ Dương Tường: "Trước kia nhà sưu tầm Đức Minh đã từng có ý định hiến tặng toàn bộ bộ sưu tập rất đáng giá của ông, chỉ với một yêu cầu là kèm tên ông theo bộ sưu tập nhưng đã bị từ chối. Đó là điều rất đáng tiếc. Giờ đây, bộ sưu tập này đã bị phân tán khắp nơi. Lá thư này của BTMT thể hiện một chuyển biến tốt về mặt tư duy".
Nhưng lo... Tuy đều ghi nhận thiện chí của BT nhưng hầu hết giới MT tỏ ra băn khoăn. Mối lo hàng đầu là về uy tín của BT cũng như những mâu thuẫn có thể nảy sinh giữa việc gìn giữ uy tín này và việc giữ "lễ" với các họa sĩ trong quá trình tiếp nhận tác phẩm. Tổng Thư ký Hội MT Hà Nội Nguyễn Đỗ Bảo khẳng định: "Các đại gia bán được tranh không khi nào tặng cả. BT sẽ chỉ nhận được tác phẩm của các HS vô danh tiểu tốt, cùng lắm chỉ dùng làm BT lưu động được thôi".
Nhà phê bình hội hoạ Dương Tường: "Được lưu giữ trong BTMT phải là những tác phẩm tiêu biểu của các nghệ sĩ tiêu biểu, nếu không, uy tín của một BTMT quốc gia sẽ không còn. Nhưng tôi e trong trường hợp lời mời gửi đại trà thế này, các nghệ sĩ tiêu biểu lại chả mấy thiết tha, còn người thiết tha lại chả mấy tiêu biểu". HS Đinh Quân: "Lá thư này có thể khơi dậy lòng nhiệt tình của người HS, nhưng nếu là sự nhiệt tình đi đôi với sự ngu dốt thì nguy. Không khéo biến BTMT Quốc gia thành một BT văn hoá quần chúng. Còn nếu người ta có lòng, mà BT lại không thấy phù hợp thì phải ứng xử sao? Người HS dù nổi tiếng hay chưa, dù tài năng hay không, đều có quyền và có lòng tự trong như nhau. Đây là một thế ứng xử khó giải mà BTMT đang tự đặt mình vào".
Sẵn sàng ủng hộ lời mời của BTMT, nhưng HS Đặng Xuân Hoà cũng nghi ngờ về tính khả thi của nó: "Dẫu có "huy động" được tranh, BT cũng làm gì còn chỗ mà bày. Nhất là các HS trẻ bây giờ thường vẽ tranh khổ rất lớn. Còn tặng tranh để BT xếp kho thì chắc chả HS nào muốn.".
GĐ BTMT Trương Quốc Bình nói: "Tranh tặng không phải chỉ để xếp kho mà sẽ được trưng bày trong các triển lãm chuyên đề phù hợp. Khi số tác phẩm nhận được đã kha khá, chúng tôi sẽ có triển lãm giới thiệu. Tác phẩm được hiến tặng, bản quyền vẫn được tôn trọng. Những người hiến tặng sẽ nhận được một giấy chứng nhận song ngữ Việt - Anh. Tôi tin là lời kêu gọi của chúng tôi sẽ nhận được sự hưởng ứng thiết thực từ các HS, tuy nhiên sẽ không phải ồ ạt. Trong thư mời, chúng tôi cũng có gửi kèm phiếu thông tin về hiện vật được hiến tặng. Khi nhận được lời đề nghị, chúng tôi sẽ cử người đến tận nhà hoạ sĩ thẩm định và hoàn thành các thủ tục. Tất nhiên, BT xin phép giữ lại cho mình quyền từ chối (một cách thận trọng, tế nhị) khi thấy tác phẩm không phù hợp". Ông Bình khẳng định sẽ có một hội đồng thẩm định nghệ thuật (HĐNT) những bức tranh được hiến tặng.
Song tuyên bố này không những không trấn an được nỗi lo lắng của giới MT mà còn gợi lại ấn tượng không mấy tin tưởng của họ vào những HĐNT từ trước đến nay, nhất là những điều tiếng về việc các thành viên HĐ hoặc không đủ trình độ, hoặc thường chỉ "chấm" mua tranh theo các quan hệ cá nhân. NS Bảo Toàn: "Tôi đã từng làm việc ở BT MT. Việc mua tranh bao giờ chả phải thông qua HĐNT, nhưng họ là ai, đã quyết định mua bao nhiêu bức trong một năm, đó là những bức nào... thì anh em chúng tôi chả biết được".
(Theo Lao Động)
Triển lãm băng đăng thế hệ mới tại Đầm Sen
Sáng 31-10, Công viên văn hóa Đầm Sen khai mạc triển lãm băng đăng thế hệ mới, mô phỏng những danh thắng, hình tượng nổi tiếng thế giới: Tòa nhà Quốc hội Mỹ (White House), Tháp cầu Luân Đôn (London Bridge Tower), Cối xay gió Hà Lan (Windmill of Holland), nhà tuyết của người Eskimo, binh mã Tần Thủy Hoàng, cung Taj Mahal (Aán Độ), mê cung thành cổ châu Aâu, khung cảnh nhà nông Trung Quốc…
Triển lãm băng đăng được thể hiện công phu trong cái lạnh từ -10 độ C đến -15 độ C. Điểm mới còn thể hiện qua cách xử lý chất liệu, với 500 tấn nước đá tinh khiết, trên 2.000 bóng đèn màu các loại.
(Theo TTXVN)
Tính tiên phong của thời trang” là chủ đề của chương trình thời trang ASEAN được tổ chức vào đầu tháng 11-2004 tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Đây là chương trình thời trang do Hiệp hội May Trung Quốc và chính quyền thành phố Nam Ninh phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhằm đẩy mạnh sự quan hệ phát triển kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc và các nước ASEAN thông qua các hoạt động trao đổi thương mại về dệt may.
Một mẫu trong bộ sưu tập Pháp lam của Minh Hạnh. Vào đêm 4-11-2004 tại sân vận động tỉnh Nam Ninh, chương trình thời trang sẽ diễn ra hoành tráng với sự tham gia trình diễn các bộ sưu tập của 12 nhà thiết kế hàng đầu của 12 nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia và Việt Nam… với sự tham gia trình diễn của 80 người mẫu Trung Quốc và các nước.
Mỗi nhà thiết kế sẽ giới thiệu một bộ sưu tập gồm 45 mẫu thiết kế thể hiện đặc sắc văn hóa thời trang của đất nước mình. Nhà thiết kế Minh Hạnh đã chính thức được mời là đại diện của thời trang Việt Nam tham dự chương trình thời trang này. Tham gia trình diễn còn có một người mẫu Việt Nam là Nguyễn Phương Liên.
(Theo SGGP)
Nước mắt hoa hậu
Khi chiếc vương miện được đội lên đầu, cuộc sống các hoa hậu sang trang mới. Kèm theo vinh quang, các người đẹp đối diện với biết bao cám dỗ, cạm bẫy
Không phải ngẫu nhiên mà đa số người đẹp, sau khi đăng quang, lại dính dáng chuyện tình cảm với các “đại gia”, những người có tiền tỉ trong túi. Một “đại gia” từng tuyên bố: Có tiền mua tiên cũng được huống gì là các người đẹp tuổi 16, 17 “ăn chưa no lo chưa tới”.
Tiêu xài kiểu... hoa hậu
Đa số các người đẹp đến với cuộc thi hoa hậu không chỉ để khẳng định sắc đẹp mà còn tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Người phụ nữ đứng trên đỉnh cao của sắc đẹp cần phải có một cuộc sống vật chất tương xứng, đó là quan niệm của không ít người đẹp hiện nay và cũng là cái nhìn khắt khe thiên kiến của một bộ phận công chúng.
Thực tế có hoa hậu nào mà không một bước lên xe hơi, thậm chí phải là xe hơi cao cấp, như chiếc xe hiệu Lexus của hoa hậu N.. Một khi hoa hậu này đã có xe hơi đưa đón thì hoa hậu kia bằng mọi giá phải có xe hơi đón đưa, cho bằng chị bằng em.
Trong giới hoa hậu, A. nổi tiếng là hoa hậu có thú xài tiền. Cô nướng tiền triệu mỗi ngày cho việc mua sắm hàng mỹ phẩm, thời trang cao cấp, đến nỗi những người đàn ông giàu có chung sống với cô không chịu nổi “năng lực” tiêu xài phung phí của nàng. Một đôi giày hoa hậu đi có giá trên dưới 15 triệu đồng. Một hộp kem trang điểm của hoa hậu phải từ 4- 5 triệu đồng... Mỗi ngày hoa hậu phải làm tóc trang điểm tại những tiệm sang trọng nhất... Nói tóm lại, đã là hoa hậu thì phải có cuộc sống khác người bình thường, bởi lúc này họ không còn là của riêng họ mà là người của công chúng. Lấy đâu ra những khoản chi phí khổng lồ trong sinh hoạt hằng ngày như thế, trong khi phần lớn trong số họ không thuộc những gia đình giàu có?
Mồi săn của các “đại gia”: Nhẫn, xe, nhà
Nắm được tâm lý này, những gã đàn ông hám sắc, lắm của nhiều tiền không mấy ngần ngại móc hầu bao, sẵn sàng làm nhà “tài trợ” đầy dụng ý cho các người đẹp. Những cuộc thi người đẹp luôn luôn có mặt các “đại gia” ngồi ở hàng ghế có hạng vé cao nhất. Kết thúc cuộc thi, khi ngôi vị của các người đẹp được ấn định cũng là lúc các “đại gia” bắt đầu tỏ lòng ngưỡng mộ các người đẹp kèm theo một bó hoa, tấm danh thiếp và một lời mời dùng tiệc chúc mừng. Cuộc tranh tài của các “đại gia” kết thúc khi chiến thắng thuộc về người mạnh tiền nhất. Quà tặng cho người đẹp ít nhất là một chiếc nhẫn kim cương trị giá hàng ngàn USD, mạnh hơn là chiếc xe hơi đời mới, ngôi nhà cao cấp... Càng về sau, này giá trị quà tặng của các “đại gia” dành cho người đẹp càng giảm dần, trừ những trường hợp người đẹp và nhà “tài trợ” hứa hẹn kết duyên hoặc chấp nhận chung sống với nhau như vợ chồng. Trong những cuộc chơi này, đã có người được dân chơi phong tặng cho biệt danh: “sát thủ hoa hậu”.
Đứng trước những cám dỗ vật chất và những chiêu thức tung ra của các tay chơi thuộc hạng “cáo già”, những cô hoa hậu đang độ tuổi 16, 17 khó có đủ bản lĩnh và trí khôn để thoát khỏi. Người đẹp A. đã ngã gục trước mũi tên bọc tiền của một “đại gia” còn sống độc thân, vừa giàu vừa có bằng cấp cao ở Tây hẳn hoi. Họ sống với nhau như vợ chồng, nhưng đến khi A. xách gói ra đi, cô chỉ còn hai bàn tay trắng. Người đẹp thì vẫn là người đẹp. Không có “đại gia” này lập tức có “đại gia” khác nhảy vào. Lần này là một “đại gia” thứ thiệt. Ngoài xe hơi, nhà cửa, người đẹp còn được sở hữu hai quán cao cấp tại TPHCM và Hà Nội. Chưa hết, cô còn được phong tặng cho chức giám đốc một công ty. Biết người đẹp còn có niềm đam mê làm nghệ thuật, “đại gia” này đã vận động cho cô có đủ điều kiện để tham gia. Vậy là vừa có tiền vừa có danh, những người đẹp nhạy cảm như A. làm sao không ngã vào lòng người đàn ông quá tốt với mình như thế. Cô không hiểu được rằng, chính sắc đẹp và danh tiếng hoa hậu của cô đã làm bình phong tốt nhất cho “đại gia” này trong những phi vụ kinh doanh trốn thuế. Cho đến khi mọi việc vỡ lẽ, “đại gia” vào trại giam, A. mới sực tỉnh ra là lâu nay cái chức giám đốc công ty của mình chỉ có trên giấy. Cô từng tâm sự: Từ trước tới giờ tôi chỉ lo làm nghệ thuật, chưa bao giờ để ý đến hoạt động của công ty. Đến khi báo chí đăng, tôi mới nhớ ra mình là người đang đứng tên giấy phép kinh doanh. Dù vậy, cô vẫn cho rằng mình đến với anh ấy không vì tiền, mà bằng tình yêu chân thật giữa hai người. Thời gian gần đây A. làm thơ nhiều hơn, trong đó có những bài dành tặng cho người bạn đời của mình, mang đầy nỗi nhớ nhung và tâm trạng.
Người “trong” muốn thoát, người “ngoài” muốn vô
Sự cám dỗ của vật chất cứ như một cái bẫy, người ở trong muốn thoát ra còn người ở ngoài lại muốn nhảy vào. Gã “sát thủ hoa hậu” vừa loại ra khỏi cuộc chơi của mình nàng hoa hậu này thì lập tức đã chung sống ngay với một cô hoa hậu khác, mà giữa những người đẹp này chẳng phải xa lạ, thậm chí họ còn chơi thân với nhau. Tất nhiên, mối quan hệ theo kiểu già tiền bạc non vợ chồng này cũng nhanh chóng kết thúc sau một thời gian ngắn.
Cho đến nay, dư luận vẫn không giải thích nổi lý do dẫn đến sự kiện mất tích của hoa hậu P., từng gây náo loạn trên công luận. Chuyến du học nước ngoài của cô thực chất do ai tài trợ, đối với công luận vẫn còn trong vòng bí mật. Nhưng đã có nguồn tin cho rằng việc đưa P. đi du học nước ngoài là cách đầu tư rất khôn ngoan của một “đại gia”. Và tất nhiên, với một người đẹp vừa tốt nghiệp phổ thông thì đây là cơ hội hiếm có, dại gì không chịu gật đầu.
Chân lý của “đại gia”
“Là hoa hậu phải chịu áp lực cả đời...”, người đẹp N.K. đã tâm sự như thế. Tất nhiên, ngoài những áp lực trong lời ăn tiếng nói, sinh hoạt đời thường, quan hệ ứng xử... sao cho xứng tầm hoa hậu, các người đẹp còn bị một áp lực khá lớn là phải “lột xác” về cuộc sống vật chất. Nữ hoàng sắc đẹp thì phải có cuộc sống vương giả mới mong giữ được sắc đẹp lâu bền. Chính quan niệm này đã đẩy không ít người đẹp trở thành nô lệ của đồng tiền. Bởi vậy, khi người đẹp N. trở thành hoa hậu cũng là lúc kinh tế châu Á lâm vào khủng hoảng. Các “đại gia” nước ngoài kéo nhau về nước. Các “đại gia” trong nước lâm vào cảnh khó khăn. Một số “đại gia” có thú ăn chơi phải ra trước vành móng ngựa. Cuộc thi hoa hậu năm đó vắng bóng các “đại gia” đi săn người đẹp. Bởi vậy N. thiếu hẳn người “tài trợ”. Không thuộc hàng khá giả nên cô rơi vào tình trạng căng thẳng, do những áp lực cuộc sống đòi hỏi phải có ở một hoa hậu. N. bắt đầu sống buông thả trong các vũ trường, quán bar với mục đích tìm ý trung nhân là “đại gia” trong đám dân chơi đêm. Có một dạo người ta không nhận ra nàng, bởi dáng vẻ tàn tạ sau những đêm thác loạn ở vũ trường. Một nhà thiết kế thời trang có tiếng đã nói rằng, có tiền nhiều mang đi dụ người đẹp dễ hơn những cô gái bình thường khác, bởi chính họ là những người cần có tiền nhiều nhất!
(Theo NLĐ)
Về đầu trang