Hội thảo quốc tế về chữ Nôm
(VietNamNet) - Vào hai ngày 12, 13/11 tới, lần đầu tiên Hội thảo quốc tế về chữ Nôm sẽ diễn ra tại Thư viện Quốc Gia (Hà Nội) do Viện nghiên cứu Hán Nôm và Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa kỳ đồng tổ chức.
Hội thảo sẽ đề cập đến nhiều vấn đề như: nghiên cứu chữ Nôm dưới góc độ ngôn ngữ học, dưới góc độ văn hoá, nghiên cứu ứng dụng khoa học thông tin vào việc đọc giải mã và in ấn các tác phẩm chữ Nôm, mối quan hệ giữa chữ Nôm Việt Nam đối với chữ Hán, chữ Nhật Bản, Triều Tiên và các vấn đề văn hoá Nôm: Văn học - Tín ngưỡng.
Nền văn hóa Việt Nam vừa được tạo nên bởi yếu tố nội sinh lại vừa có yếu tố ngoại nhập trên cơ sở tiếp thu một cách có sáng tạo văn hóa nước ngoài. Dựa trên các ký tự chữ Hán, người Việt Nam đã sáng tạo nên chữ Nôm để ghi âm tiếng Việt, tiếng Tày Nùng, tiếng Dao, tạo thành các văn tự Nôm Việt, Nôm Tày Nùng, Nôm Dao. Cứ liệu sớm nhất về chữ Nôm Việt xuất hiện trong bài văn khắc trên quả chuông Vân Bản năm 1076, thời Lý Nhân Tông, thế kỷ XI. Ban đầu chữ Nôm chỉ dùng để ghi tên người và tên đất, nhưng càng về sau, chữ Nôm càng trở nên phổ biến trong đời sống văn hóa của đất nước.
Đối với lịch sử văn học, chữ Nôm có một vai trò đặc biệt quan trọng, tạo nên nền văn học chữ Nôm với nhiều thành tựu rực rỡ trong nhiều thế kỷ. Từ chữ Nôm, nền văn học Việt Nam sinh ra ba thể loại độc đáo của riêng Việt Nam. Đó là Truyện thơ Nôm (lục bát), Ngâm khúc (song thất lục bát) và hát nói (trong ca trù). Có thể kể ra các tác phẩm chữ Nôm của Việt Nam như: Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Chinh phụ ngâm (Đoàn Thị Điểm), Cung Oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)...
Hiện Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu trữ 1.559 đơn vị tài liệu chữ Nôm Việt và khoảng vài ngàn bản sách chữ Hán Nôm của các dân tộc miền núi phía Bắc, bao gồm nhiều mảng nội dung liên quan đến: Tư tưởng, Triết học, Văn học, Ngôn ngữ, Luật pháp, Đạo đức, Y học... Những tài liệu này có một giá trị đặc biệt trong việc nghiên cứu về mọi mặt đời sống của các dân tộc ở Việt Nam trong quá khứ.
Nhân dịp Hội thảo khoa học Quốc tế về chữ Nôm, từ ngày 11/11, Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ tổ chức Triển lãm Di sản về chữ Nôm tại Sảnh lớn Thư viện Quốc gia. Triển lãm giới thiệu nguyên bản các tài liệu chữ Nôm tiêu biểu (sách cổ và bản rập văn bia) và các công trình phiên âm chú giải các tác phẩm Nôm, các công trình nghiên cứu về chữ Nôm và văn học chữ Nôm... Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giới thiệu các công trình nghiên cứu và biên soạn do Viện xuất bản trong những năm gần đây.
Ngoài ra, triển lãm cũng dành một phần để giới thiệu về sự hiện diện của chữ Nôm trong đời sống văn hóa phong phú của người Việt như tác phẩm thư pháp Nôm, các đĩa CD, VCD về nghệ thuật ca nhạc, ngâm vịnh, trình diễn các tác phẩm Nôm (chèo, ca trù, ngâm thơ) do các nghệ sĩ thực hiện.
-
H.S