(VietNamNet) - Ngày 22/11, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1234/QĐ-TTg về việc thành lập và tổ chức hoạt động Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (DSVHQG). Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2004-2009), Hội đồng DSVHQG có 27 thành viên do GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, chuyên viên cao cấp của Bộ VHTT làm chủ tịch.
|
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng DSVHQG |
Nhiệm vụ của Hội đồng DSVHQG là tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ quyết định những phương hướng, chiến lược, các chính sách lớn về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, xác định khu vực bảo vệ đối với di tích quốc gia đặc biệt; công nhận bảo vật quốc gia.
Ngoài ra, Hội đồng DSVHQG còn có nhiệm vụ bảo quản, tu bổ và phục hồi các di tích thuộc nhóm A theo qui định của pháp luật về đầu tư xây dựng; thành lập các bảo tàng quốc gia và bảo tàng chuyên ngành; đề nghị UNESCO công nhận các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của VN là di sản văn hóa thế giới; các vấn đề khoa học về di sản văn hóa liên quan đến các dự án lớn về kinh tế - xã hội...
Là một cơ quan quan trọng của các hoạt động về di sản văn hoá, đầu mối lớn nhất sau Thủ tướng Chính phủ, nhưng hơn 3 năm sau khi Luật Di sản VH ra đời (7/2001), Hội đồng DSVHQG mới được hình thành. Giải thích cho sự chậm trễ này, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu nói: "Thực tế Luật Di sản VH ra đời đã 3 năm nhưng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Di sản mới chỉ có cách đây 2 năm (tháng 11/2002). Trên cơ sở cụ thể hóa Luật Di sản, Hội đồng này mới có thể ra đời. Đề nghị thành lập Hội đồng DSVHQG đã được đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ từ khá lâu nhưng cũng phải có thời gian xem xét mới được phê chuẩn".
Việc thành lập Hội đồng DSVHQG sẽ tạo thuận lợi cho nhiều hoạt động về di sản, mà gần đây nhất là việc tạo một cơ sở pháp lý cần thiết cho việc công nhận Bảo vật quốc gia đang được Cục Di sản VH tiến hành.
|