,
221
961
Đời sống VHNT
vandekhac
/vanhoa/vandekhac/
555678
Tượng đài Nam bộ kháng chiến sẽ thế nào?
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
,

Tượng đài Nam bộ kháng chiến sẽ thế nào?

Cập nhật lúc 16:03, Thứ Năm, 16/12/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - TP.HCM đang cần một tượng đài để kỷ niệm 60 năm ngày Nam bộ kháng chiến vào tháng 9/2005, nhưng giờ này người ta mới đang bàn về tiêu chí chọn tượng đài.

Soạn: AM 221761 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Khu vực đặt tượng đài Nam bộ kháng chiến. Ảnh: VT

Những hình dung về tượng đài

Nam bộ kháng chiến vào ngày 23/9/1945, tượng đài Nam bộ kháng chiến được đặt tại công viên 23/9, thế nhưng theo nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng: "Tượng đài cần có tính khái quát cao vì chúng ta có cả một cuộc kháng chiến dài 30 năm. Khí phách cần diễn đạt là khí phách của cả 30 năm ấy chứ không chỉ là ngày 23/9/1945. Trên cơ sở này chúng ta mới đi thêm các bước tính toán về hình tượng, chất liệu...".

Những hình tượng để thể hiện trên tượng đài được đề xuất rất nhiều: Bó tầm vông vạt nhọn làm giáo, súng, ngựa trời, người chiến sĩ, nữ dân quân tự vệ... Thậm chí có người còn đề nghị lấy những hình ảnh xuất hiện trong bài hát Nam bộ kháng chiến (Tạ Thanh Sơn) làm hình tượng. Đặc biệt, TS. Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử trường Đại học KHXH&NV TP.HCM đã liệt kê cụ thể 5 biểu tượng nên dùng như trụ sở UBND Nam bộ, cờ đỏ sao vàng, bốn vùng mặt trận, lực lượng tham gia các trận đánh và các loại vũ khí.

Cuộc thi sáng tác tượng đài Nam bộ kháng chiến dự kiến diễn ra từ 15/12/2004 đến 30/4/2005. Hội đồng tuyển chọn mẫu tượng đài do ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP.HCM làm Chủ tịch Hội đồng. Các tác phẩm dự thi sẽ được treo triển lãm trưng cầu ý kiến nhân dân, sau đó Hội đồng tuyển chọn sẽ xét tặng một giải thưởng chính và ba giải khuyến khích. Tác phẩm được chọn thực hiện sẽ được trao thưởng 50 triệu đồng.

Theo thể lệ cuộc thi sáng tác tượng đài Nam bộ kháng chiến, chất liệu làm tượng đài cần phải đảm bảo tính ổn định và bền vững trong thời gian dài, dễ thi công trong điều kiện kỹ thuật hiện nay. Nhiều người đã nghĩ ngay đến đồng hoặc đá, hai chất liệu thường dùng làm tượng đài không chỉ riêng ở Việt Nam. Nhưng khó khăn hơn cả là quy mô, kích cỡ và vị trí của tượng đài này. Trong bản quy hoạch chi tiết khu vực công viên 23/9 và quảng trường Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành, chỗ đặt tượng đài Nam bộ kháng chiến đã được các kiến trúc sư dời lên phía quảng trường cách vị trí cũ khoảng 50 mét. Thay đổi này, theo các kiến trúc sư của Hội Kiến trúc sư TP.HCM là nhằm tránh cho tượng đài bị khối kiến trúc đồ sộ của khách sạn New World cạnh bên "đè".

Cùng với việc chuyển vị trí, tượng đài sẽ được dựng trên một ngọn đồi nhân tạo, phía trước có thác nước, phía sau có đồi tầm vông. Không chỉ né khối kiến trúc màu vàng rực nổi bật của khách sạn New World, tượng đài được đề xuất cao khoảng 10 mét còn phải tương quan được với những khối nhà đã và sẽ được xây dựng xung quanh trong tương lai.

KTS Trần Văn Dưỡng: Theo tôi tượng đài phải có tính bi tráng. Xem tượng đài mà không thấy những mất mát hy sinh của thế hệ cha anh thì chưa đủ, chưa gây xúc động cho cho công chúng. Rất tiếc lâu nay một số tượng đài vẫn chưa thể hiện được điều này.

Ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa thành ủy: Theo tôi, tượng đài không nên thể hiện tính bi tráng. Nên là tượng đài của ngày Nam bộ kháng chiến vì đó là ngày mở đầu những khí phách, ngày mà cả Sài Gòn, Nam bộ đứng lên. Tượng đài phải tập trung thể hiện được khí phách của đồng bào Nam bộ trong cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám, tiến tới thống nhất, độc lập dân tộc.

Ông Trang Phượng, Liên hiệp Các hội VHNT TP.HCM: Lâu nay tượng đài nào cũng thấy có súng ống. Đã gần 30 năm sau chiến tranh rồi, tượng đài Nam bộ kháng chiến phải có nét gì mới hơn, khái quát hơn, không nên lặp lại nội dung cũ.

Dễ rơi vào sự rập khuôn

Cứ nghe nhắc đến việc dựng tượng đài, không chỉ giới chuyên môn mà cả người dân bình thường cũng dễ mường tượng ngay đến hình ảnh những tượng đài na ná nhau về kiểu dáng, bố cục tạo hình, thường gặp ở nhiều địa phương. Nền điêu khắc mỹ thuật của ta yếu, các nhà điêu khắc đã hết "phép" chăng? Không, họ vẫn sáng tác rất sung sức, nhưng chủ yếu ở những đề tài khác, còn cứ đi vào việc dựng tượng đài kỷ niệm những cột mốc của chiến tranh thì họ lại loay hoay với môtíp cũ.

Soạn: AM 221767 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Một góc công viên 23/9.

Cuộc thi sáng tác tượng đài Nam bộ kháng chiến cũng không là ngoại lệ. Chính những vị lão thành cách mạng (ở CLB Truyền thống kháng chiến TP.HCM), chứ không phải dân trong nghề, cảnh báo: "Cần tránh sự rập khuôn công thức thường thấy của những tượng đài loại này như kiểu quần tượng nhiều thành phần, giơ tay, ghìm súng... rất nhàm chán". Những sáng tạo có tính đột phá trong khu vực sáng tác tượng đài chiến tranh là rất hiếm hoi. Ngay các cuộc thi sáng tác biểu tượng TP.HCM, biểu trưng ở năm cửa ngõ TP.HCM mới đây cũng đã xuất hiện quá nhiều những lối tạo hình và hình ảnh hết sức cũ kỹ.

Một nguy cơ cũng rất dễ xảy ra là sẽ xuất hiện một quần thể tượng đài ôm đồm nhiều nội dung nhưng không để lại ấn tượng gì cho người chiêm ngưỡng. Chúng ta lâu nay rất chuộng những gì hoành tráng. Chỉ nói riêng ở đây, tượng đài Nam bộ kháng chiến sẽ được đặt giữa một công viên, để nhắc nhớ quá khứ anh hùng, để thế hệ trước tìm lại chiêm nghiệm, thế hệ hôm nay ngưỡng vọng, chứ không phải biến nó thành một lời kể lể, minh họa cho lịch sử.

Các cuộc thi biểu trưng, biểu tượng nói trên đã có những lời xì xào rằng: Giới sáng tác mỹ thuật bị bỏ ngoài cuộc. Đến cuộc thi này, lại có ý kiến cho rằng nên mở rộng đối tượng dự thi trên cả nước chứ không nên gói gọn trong khu vực TP.HCM. Có thể do những đòi hỏi về mặt tổ chức, thời gian mà Ban tổ chức chỉ "gói ghém" cho nhanh gọn. Nhưng cuộc thi này đã một lần thất bại trong việc tìm ra tác phẩm tốt nhất. Cuộc thi theo dự kiến lẽ ra đã được phát động lại nhưng do chưa đúc kết được tiêu chí nên vẫn im ắng. Thời gian còn lại không nhiều, liệu TP.HCM có tìm được tượng đài xứng đáng để kỷ niệm 60 năm ngày Nam bộ kháng chiến, hay "nên để đến năm 2010 tiến hành luôn vì có thời gian dài mà chuẩn bị cho tốt" như lời nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng?

  • Võ Tiến

,
,