Thế giới đón năm mới không quên nạn nhân thiên tai
(VietNamNet) - Người dân trên khắp thế giới đã và đang đón chào năm mới với niềm hy vọng tốt lành nhất. Trong niềm hân hoan ấy, mọi người đã nhớ đến thảm hoạ động đất và sóng thần vừa xảy ra tại châu Á, nhiều quốc gia đã biến giờ phút giao mùa này thành hành động thiết thực nhằm giảm bớt nỗi đau cho các nạn nhân...
Tại Việt Nam:
Đường phố Hà Nội và Sài Gòn ngày cuối cùng của năm lên đèn sớm hơn mọi khi. Ở Hà Nội, thời tiết rét ngọt nhưng người ta đổ ra đường rất đông, đặc biệt là khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, sân khấu ngoài trời trước đền Bà Kiệu... Tại TP.HCM, không khí se lạnh hiếm có càng làm cho thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thêm bồi hồi, nao nức.
Hà Nội đón giao thừa |
Hà Nội
: Ngày từ lúc 16h, các con phố của Hà Nội đã đông đúc đến mức gây kẹt xe tại các tuyến chình như: Ngã từ Đại Cồ Việt, Ngã tư Sở, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch và đặc biệt là cầu Chương Dương: Rất nhiều người làm việc trong thành phố được nghỉ tết dương lịch đã tranh thủ về quê. Hàng hoá bày bán chưa xôm tụ như tết âm lịch nhưng các mặt hàng như hoa tươi, lịch tranh, quần áo...đã tràn ngập ra cả vỉa hè.Anh Dương Công Minh - Phường Tân Hoà , Thị xã Hoà Bình - Hoà Bình, cho biết: Tôi được nghỉ tết đến hết thứ 2 nên tranh thủ mua sắm vài thứ để về Hoà Bình cho kịp bữa cơm tối với gia đình. Tôi làm việc ở Hà Nội, ít có dịp về thăm nhà nên được nghỉ mấy ngày cũng coi như đến tết âm lịch vậy". Khác với những người về quê ăn tết, dân Hà Nội ít mua sắm hơn và họ muốn hưởng niềm vui văn nghệ trong cái rét ngọt đặc trưng của Bắc hà. Bây giờ là 20h45', người dân tập trung nhiều nhất tại khu vực sân khầu ngoài trời trước đền Bà Kiệu để chờ đợi tiết mục mở đầu cho chưưong trình văn nghệ mang tên: Chào xuân 2005.
Trên phố đi bộ Đồng Xuân, dòng người cứ nườm nượp đổ về chợ đêm. Bất chấp cái giá lạnh đang len lỏi. Bất chấp đêm cuối năm đã đang vào độ nửa khuya. Những hàng quán bán quà lưu niệm hoạt động không nghỉ. Khách ta cũng nhiều, khách Tây cũng lắm. Họ tạt qua phố đêm Đồng Xuân có khi cũng chỉ đứng nhìn lũ trẻ chơi tranh cát, ngắm những đồ vật lạ mắt dành cho khách du lịch hay tận mắt được chiêm ngưỡng thế nào là chợ Đồng Xuân về đêm, nhất là đêm giao thừa.
Những bãi giữ xe quanh Hồ Gươm đêm nay kín chỗ. Qua Bưu điện Hà Nội, đoạn giao với đường Trần Nguyên Hãn, đường bị chặn lại, tạo không gian cho một sân khấu ngoài trời với chuưưng trình chào xuân 2005. Hầu hết là những gương mặt từng xuất hiện trong Sao Mai điểm hẹn năm 2004. Rất nhiều những người bạn nước ngoài cùng có mặt đón năm mới về cùng Hà Nội giữa không khí lạnh giá năm nay.
Bà Eva Hauser 48 tuổi, người Đức: "Đây là lần thứ 3 tôi đón năm mới ở Việt Nam: 1 lần ở Sapa và 2 lần ở HN. Mặc dù năm nay, Hà Nội lạnh hơn những năm trước nhưng tôi thấy người dân Hà Nội vẫn hào hứng rủ nhau xuống đường. Cách đón năm mới của người Việt Nam cũng khá gần gũi với cách đón năm mới của người Đức. Giống như người Việt Nam, trong khi chờ đến phút giao thừa, người Đức cũng rủ nhau ra đường, vào các quán bar hoặc cùng nhau xem các chương trình nghệ thuật. Chỉ có một điều khác biệt: Khi bước sang năm mới, người Việt có phong tục cúng tổ tiên còn người Đức thường trở về nhà, bật champaign và cùng gia đình ăn tiệc"
Người dân TP.HCM vui dón giao thừa |
TP.HCM:
Tại TP.HCM, các tuyến đường khu trung tâm thành phố, du khách nước ngoài hối hả mua sắm vài vật dụng chuẩn bị cho đêm giao thừa. Tất cả mọi người dân đang đi trên đường đều hối hả trở về nơi họ sẽ cùng gia đình, bạn bè trải qua thời khắc đáng nhớ này. Đèn và hoa tràn ngập! Thành phố khoác áo mới! Nụ cười hiện hữu trên gương mặt tất cả mọi người! Khói xe, bụi bặm, tắc đường của một thành phố lớn hôm nay trở thành “chuyện nhỏ” đối với mọi người. Ít đi những “ninja đường phố”, có lẽ, ai cũng muốn hít thở chút “bụi trần” của năm cũ và đón chào niềm vui với năm mới.Khu phố “Tây ba lô” Phạm Ngũ Lão âm vang giai điệu bài hát Happy new year bất hủ! Hầu hết hàng quán đã đông đúc từ chiều hôm nay. “HAPPY NEW YEAR” giăng khắp quán xá, khách sạn…Âm điệu bài hát rộn ràng chen lẫn tiếng nói cười trong khu phố nhỏ này. “Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho nạn nhân của sóng thần và chúc mọi người hạnh phúc, thành đạt trong năm mới…”. Những tình nguyện viên xã hội cũng bắt đầu tỏa đi các ngóc ngách trong TP để đến với những em nhỏ, cụ già neo đơn. Công nhân, sinh viên xa nhà cũng có “nơi chốn” để hội tụ. Nếu bạn đến với những nơi này, nước ngọt sẽ thay champage nhưng nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc sẽ ấm áp hơn rất nhiều.
Ông bà Olsen, người Na Uy: "Chúng tôi sang Việt Nam du lịch và hưởng tuần trăng mật. Năm mới ở đây không có tuyết như ở NaUy nhưng chúng tôi rất thích vì tình người ở đây cũng ấm áp như khí hậu. Chúng tôi sẽ Việt Nam thêm 1 tuần nữa" (TPHCM).
Phút giao thừa tại TP.HCM |
Khắp nơi trên thế giới đón giao thừa:
Không chỉ người dân Việt Nam tưng bừng đón tết, vào thời khắc này, người dân trên khắp thế giới cũng đang vui mừng bày tỏ niềm hân hoan, hy vọng của mình trước thềm năm mới. Trong niềm hận hoan ấy, mọi người đã không quên thảm hoạ sóng thần vừa xảy ra tại châu Á và họ tích cực hành động nhằm làm vơi bớt nỗi đau của các nạn nhân.
Người Thái cầu nguyện cho tới lễ giao thừa |
Tại Sri Lanka: Nơi có hơn 28.500 người thiệt mạng, khách sạn Hilton - lớn nhất Colombo - quyết định huỷ bỏ lễ hội nhảy múa tất niên. Nhiều nơi khác cũng làm tương tự.
Tại Thái Lan: Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cũng hoãn buổi tiệc giao lưu với các ngôi sao quần vợt thế giới, trong đó có nhà vô địch Wimbledon 2004 người Nga, Maria Sharapova. Các khách sạn lớn ở Bangkok không ai bảo ai, tự giác tháo gỡ các dải ruy-băng sặc sỡ.
Tại Malaysia: Trong khi đang đau đầu cho vấn đề cứu trợ cứu nạn ở các vùng bị nạn trong nước, Thủ tướng Malaysia, ông Abdullah Ahmad Badawi chỉ nói ngắn gọn và khô khan: "Đây không phải là lúc để vui!".
Tại Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi một buổi Giao thừa yên tĩnh. Màn pháo hoa dự định bắn trên bầu trời vịnh Marina cũng bị huỷ bỏ. Một phút tưởng niệm các nạn nhân động đất, sóng thần sẽ là nghi thức đầu tiên trong lễ đón chào Năm Mới.
Tại Hong Kong: Trang trí đón chào Năm Mới, người dân Hong Kong không quên đặt những thùng từ thiện nhằm quyên góp tiền ủng hộ nạn nhân động đất và sóng thần châu Á.
Thảm hoạ động đất, sóng thần châu Á cũng phủ bóng u ám lên bầu trời các nước châu Âu, nơi có hơn 2.200 thiệt mạng khi đang du lịch ở vùng sóng thần, hơn 6.000 trường hợp mất tích, ít có khả năng tìm thấy.
Tại Đức, Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan: Do vậy, các nước có nhiều người thiệt mạng như Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan và Đức đã quyết định treo cờ rủ trong dịp đón chào Năm Mới 2005.
Tại Anh: Trong bức thông điệp chào năm mới phát đi từ London, Thủ tướng Anh Tony Blair xúc động nói: "Thông thường vào lúc này chúng ta hướng tới những lễ hội vui vẻ, với nhiều ước mơ và hy vọng mới. Nhưng giờ phút này, tâm trí của chúng ta đều đang hướng về những gì đã và đang diễn ra ở châu Á".
Tại Pháp: Trong khi đó, ở Paris, cụ thể là trên Đại lộ nổi tiếng Champs-Elysees, địa điểm cổ truyền mừng năm mới sẽ khoác áo tang trong tối nay để tưởng niệm nạn nhân đợt sóng thần.
Paris thắt khăn tang trên các cột đèn ở đại lộ Champ-Elysees |
Tại Italia: Các thành phố Bologna, Turin. Napoli, Bolzano, Padova và Benevento quyết định không tổ chức lễ hội đón chào Năm Mới ở các nơi công cộng, với những màn pháo hoa truyền thống nữa.
Quốc đảo Cyprus: Người dân đảo Cyprus còn có hành động thiết thực hơn. Họ quyết định không tổ chức lễ hội Giao thừa và dùng số tiền tiết kiệm được từ việc này để gửi tới các nước bị nạn ở châu Á. Thủ đô Nicosia và thành phố cảng Limassol còn quyết định chi thêm vào đó một khoản lớn.
Tại Brazin: Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng vậy. Với bản tính vui vẻ cuồng nhiệt, thành phố Rio de Janeiro tươi đẹp của xứ sở Samba Brazil vẫn quyết định tiến hành các lễ hội đón chào Năm Mới như thường lệ, bởi theo họ, "cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn".
Tại Oxtraylia: Sydney, thành phố lớn đầu tiên của Australia đón chào Năm Mới. Pháo hoa thắp sáng cảng Sydney trong đêm Giao thừa 2004. Lễ hội vẫn đang tiếp diễn và dự định sẽ thu hút được khoảng một triệu người theo dõi trực tiếp từ trên các du thuyền neo đậu trên cảng. Các nhà chức trách dự tính cũng sẽ gây quỹ được khoảng 7 triệu USD giúp đỡ các nước bị sóng thần ở châu Á.
Chùm ảnh TP.HCM chờ đón giao thừa:
Chùm ảnh: Lộng lẫy pháo hoa trên bầu trời Sydney:
Chùm ảnh: TP.HCM vào phút giao thừa:
Chùm ảnh: Hà Nội vui đón giao thừa:
- VietnamNet