Bánh chưng mặn, bánh chưng chay và những chiếc ô tô
(VietNamNet) - Con lợn còn sống ngoay ngoảy nhưng chúng tôi đã ướm từng miếng thịt của nó: Phần nạc để làm cỗ, làm thịt kho, phần nạc có dính mỡ sẽ làm nhân bánh chưng, chân giò để nấu đông vv...
Gói bánh chưng Tết ở làng Phú Thượng |
Cách đây chừng chục năm, bắt đầu vào tháng củ mật là dân quê chúng tôi nao nức tính chuyện gói bánh chưng cho kịp Tết. Các bà, các chị đi chợ huyện chọn mua từng bơ đỗ xanh, từng chai mật mía. Lá dong gói bánh thì trồng sau nhà. Lũ trẻ con vì mong Tết từng ngày nên chúng chăm sóc mấy bụi dong này rất kỹ. Tàu nào tàu ấy xanh ngăn ngắt, bản lá rộng và lành lặn chỉ nhìn cũng thấy sướng con mắt. Gạo nếp cái hoa vàng thì nhà nào cũng chuẩn bị sẵn ngay từ khi gặt lúa vào cữ tháng mười âm lịch. Những ngày áp Tết, cả xóm bàn tán xôn xao xem nhà nào chung với nhà nào một con lợn nhỡ.
Bếp luộc bánh chưng ở làng Phú Thượng |
Con lợn còn sống ngoay ngoảy nhưng chúng tôi đã ướm từng miếng thịt của nó: Phần nạc để làm cỗ, làm thịt kho, phần nạc có dính mỡ sẽ làm nhân bánh chưng, chân giò để nấu đông vv...Tầm 26 Tết, dân quê chúng tôi đã ngả lợn chia thịt để kịp gói bánh chưng. Tết nghèo, nhà nào gói được chục cặp bánh chưng đã coi là nhà giàu rồi. Thời ấy còn có loại bánh chưng chay vì nhiều nhà không có tiền mua thịt lợn làm nhân bánh. Nhân bánh chưng chay gồm: Tò ho, thảo quả, hạt tiêu và đỗ xanh nấu chín. Vị bánh chưng chay thơm cay mùi thảo quả, thơm mùi gạo tinh khiết chứ không béo ngậy như bánh chưng mặn. Dân quê tôi ăn bánh chưng chay chấm với mật mía quánh đặc và ít khi đem ra đãi khách vì sợ khách chê gia cảnh bần hàn.
Chừng chục năm đổ lại đây, cái không khí nao nức bàn chuyện gói bánh chưng Tết hầu như mất hẳn. Làng quê chúng tôi cũng lên nhà mái bằng như phố thị. Hàng quán mọc lên như nấm. Cái gì cũng bán được và cái gì cũng có thể mua được. Người ta mang cả tro rơm ra chợ bán cho người trồng cỏ. Người trồng cỏ bán cỏ cho người nuôi bò, người nuôi bò bán sữa cho nhà máy...Đại khái là những chuyện làm ăn như thế. Tháng củ mật bây giờ ngưòi ta cũng chỉ bàn chuyện mua và bán chứ không bàn chuyện bó giò, gói bánh, luộc bánh nữa. Nhà nào cặm cụi ngồi gói bánh chưng Tết thì chỉ vì họ tiết kiệm tiền mua bánh, đặt bánh.
Công đoạn làm nhân bánh chưng |
Không khí tết nhất thơm mùi lá dong, đậu xanh, hành củ xưa kia đã chuyển thành cái mùi đặc trưng của nhiều làng nghề... gói bánh chưng. Ở làng Phú Thượng (Quận Tây Hồ - Hà Nội), người ta gói bánh chưng quanh năm cung cấp cho các hàng quán khắp thành phố. Gói bánh đã thành nghệ danh và họ làm ăn rất phát đạt. Nhiều nhà mua được cả ô tô bằng tiền lãi. Dùng ô tô riêng chở nếp cái hoa vàng từ Hải Hậu (Nam Định), chở lá dong từ Hoà Bình về làm. Sáng sớm, đánh xe ô tô chở bánh đi bán sỉ tại các khách sạn, nhà hàng. Anh Hoàng Văn Chương (tổ 3, cụm 1, Phú Thượng) cho biết: "Làng tôi có nhiều người mua được ô tô bằng nghề gói bánh chưng. Tôi làm nghề gói bánh chưng đã 20 năm nay. Mỗi ngày gói gần 1.000 kg gạo, đỗ. Tết năm nay tôi sẽ bán ra thị trường khoảng 2 vạn chiếc bánh chưng..."
VietNamNet xin giới thiệu chùm ảnh: Bánh chưng Tết ở làng Phú Thượng:
- Bài: Quang Anh
- Ảnh: Lê Anh Dũng