Cuộc thi thơ lục bát 2002-2003 do báo Văn nghệ Trẻ tổ chức đã kết thúc với ba giải A. Để giúp bạn đọc có dịp hiểu thêm suy nghĩ của những người được giải trong việc vận dụng một thể thơ cổ tuyền, qua đó hình dung ra cả quan niệm về sự sáng tác ở một lớp người cầm bút hiện nay, phóng viên đã có cuộc trao đổi với 3 người đoạt giải: Bình Nguyên, Nguyễn Long và Kao Sơn.
- Chúng ta hiện tại vẫn chỉ có một thứ lục bát duy cảm, tự giới hạn trong những tình cảm buồn thương, những nỗi hoài cổ hay lối triết lý dân gian và một giọng điệu chân quê. Có vẻ như nó gặp nhiều khó khăn trong việc hướng tới những nội dung phức tạp đa dạng có phần duy lý của cuộc sống hiện đại, có phải vậy không thưa các anh?
- Bình Nguyên: Tôi nghĩ, dù sao lục bát phải dựa trên cái nền truyền thống.
- Nguyễn Long: Tôi đồng ý với anh Bình Nguyên. Lục bát có đầy đủ khả năng diễn đạt các vấn đề cuộc sống đặt ra.
- Có lẽ từ xưa ta chỉ quen nghĩ tới một thứ lục bát nhặt khoan giãi bày, trong cái vỏ âm thanh đều đều. Các anh có cảm thấy rằng cần thay đổi để diễn đạt hiệu quả hơn tâm tình con người Việt Nam hôm nay?
- Kao sơn: Dùng lục bát chuyển tải những vấn đề của con người hiện đại khó nhưng không phải không làm được. Thì trong thơ Nguyễn Du, Nguyễn Bính vẫn đầy ắp hơi thở thời các vị đó đấy thôi. Hoa hồng, hoa sữa, hoa violet... mỗi loại có người hâm mộ riêng. Tiểu thuyết, truyện ngắn, ký hay thơ tự do, lục bát... chỉ là công cụ của nhà văn, anh giỏi món nào thì xào món ấy. Vậy thì cứ để lục bát là lục bát với sự hài hoà của nó, cũng như thơ đườn haiku, tuồng, rối nước... mỗi thứ cứ là nó với quy tắc chơi riêng. Theo tôi, chuyện cách tân nên hiểu là đưa ngôn ngữ, hình ảnh... đương đại vào thơ. Cố nhiên phải đưa thế nào cho hay. Mặc dù rất trân trọng những khuynh hướng tìm tòi đổi mới, nhưng tôi dị ứng với những cái quái dị, thách đố người đọc.
- Có người nói lục bản cản trở việc tiếp nhận cái mới, các anh có chia sẻ với một nhận xét như thế?
- Nguyễn Long: Tôi không thấy như thế. Tiếp thu các nền văn hóa khác ra sao để tránh được sự sao chép, bắt chước thô thiển, cái đó mới khó. Thành thử trước tiên cần lo cái vốn văn hóa cơ bản của mình.
- Bình Nguyên: Nếu có điều như ai đó nói thì lỗi là ở chính những người sáng tác, chưa biết vươn đến cái tầm xa hơn, cao hơn, chưa biết tự trau dồi năng lực cho bản thân. Lục bát và cái nôi sinh ra nó không có lỗi. Nếu chúng ta không dựa vào nó, vào truyền thống sẵn có thì sẽ bắt đầu từ đâu?
- Nói cụ thể hơn, sự trở lại với truyền thống văn hóa nghệ thuật của cha ông được các anh quan niệm ra sao?
- Bình Nguyên: Tôi sinh ra và lớn lên ở nhà quê, quê tôi nhiều núi non hang động, sông nước và danh thắng. Cùng với lòng yêu quê, tình yêu văn chương đã ngấm vào tôi. Tôi thật sự thấm thía một nếp sống, lối cảm nhận, cũng như cách diễn đạt truyền thống. Tôi làm thơ cũng nhọc nhằn vất vả lắm. Người ta hỏi tôi tại sao lại viết dài thế, lại dùng những cách nói cũ kỹ thế. Tôi trả lời vì tôi không có khả năng thu ngắn lại, không thể viết như họ mong muốn. Đến khi bài thơ được in, có những người đồng cảm, ghi nhận, thế là tôi thấy mãn nguyện cho nó lắm rồi.
- Nguyễn Long: Tôi cũng muốn nói như ai đó từng nói: "Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn". Đương nhiên tôi chọn lục bát và những gì thuộc về truyền thống. Nhưng chúng ta đang sống ở thời tri thức, khoa học công nghệ. Thơ cũng nên bó câu chữ lại, kiệm lời tối đa, nâng được sức vang vọng mới cuốn hút người đọc. Tôi chỉ nghĩ khó nhất là sự thiếu tài. Tài năng là năng khiếu cộng với vốn sống, vốn tri thức, nhưng có khi là một năng khiếu lớn bẩm sinh. Vốn tri thức thì có thể tự học hỏi, với tôi không khó khăn lắm, nhưng còn sự nhạy cảm thiên phú thì... Tôi biết khả năng mình có hạn, con đường văn chương thì mênh mông, nên bước được bước nào hay bước ấy, chứ không dám nghĩ xa.
- Các anh nghĩ gì về con đường viết văn chuyên nghiệp?
- Nguyễn Long: Tôi không nghĩ gì nhiều. Mà có lẽ ở nước ta, làm văn chương chuyên nghiệp không có mấy người.
- Kao Sơn: Tôi thì rất muốn trở thành người viết văn chuyên nghiệp, nhưng chỉ những trang viết mới quyết định được điều này. Tuy vậy, dù sao tôi vẫn nghiêng về một thứ văn chương thật lòng, nghĩa là viết theo cảm nhận, đúng với sự yêu ghét của mình, đừng cố đặt ra những chủ đích thật to tát hoặc đặt sẵn yêu cầu trước khi viết. Nếu không còn cảm xúc thôi thúc phải viết thì nghỉ, để thời gian làm gạch cho khoẻ. Mình vốn có nghề làm gạch, vẫn lấy nó để nuôi văn đấy.
Bình Nguyên: Tên thật là Nguyễn Đăng Hào, sinh năm 1959, quê Ninh Bình. Từng học Trường Sĩ quan lục quân. Có bằng cử nhân Luật, Chính trị. Hiện là chuyên viên Văn phòng Tỉnh uỷ Ninh Bình. Đã in tập thơ Hoa thảo mộc - NXB Hội Nhà văn 2001
Kao Sơn: Sinh năm 1949 tại Ninh Bình. Là kỹ sư điện, cử nhân kinh tế, hiện là Tổng biên tập tạo chí Văn nghệ Ninh Bình. Đã in 5 tập tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài. Giật giải nhất cuộc thi viết cho thiếu niên nhi đồng NXB Kim Đồng 1999-2000 (tiểu thuyết Khúc đồng dao lấm láp). Giải ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1986.
Nguyễn Long: Sinh năm 1953 tại Thái Bình, gần nửa đời là lính, hiện viết văn, làm báo tại quê nhà. Đã in tập thơ Gương mặt ngày thường, NXB Hội Nhà văn 2001, có thơ đăng ở các báo Tiền phong, Văn nghệ, tạp chí Thanh Niên. |
(Theo TT & VH) |