Ông Trần Mạnh Hảo nên đọc kỹ Nguyễn Tuân
10:16' 03/06/2003 (GMT+7)

Báo Văn nghệ trẻ số 22, ra ngày 1/6/2003, có đăng bài viết của ông Trần Mạnh Hảo nhan đề “Một bài văn giảng văn mẫu chưa viết đúng tiếng Việt”. Đây là bài viết nằm trong loạt bài ông Hảo “xin phép hầu chuyện các vị giáo sư giảng văn mẫu, viết văn mẫu” qua cuốn sách Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam (xem Văn nghệ trẻ số 21). Tôi chưa phải là Giáo sư, cũng chưa bao giờ tuyên bố mình viết như thế là “giảng văn mẫu, viết văn mẫu” nhưng được ông Hảo “hầu chuyện”, nên cũng xin hầu lại ông đôi điều.

Trong bài báo vừa nhắc ở trên, ông Hảo phê phán tôi hai điểm: Thứ nhất “chưa hiểu văn của Nguyễn Tuân” qua tác phẩm Tờ hoa; Thứ hai viết“một số câu văn chưa chuẩn”, “có nhiều câu viết chưa đúng câu văn tiếng Việt”. Mỗi điểm như thế ông có nêu lên các dẫn chứng nhằm làm sáng tỏ ý của mình. Để tránh vòng vo, tôi xin trao đổi trực tiếp vào hai điểm trên.

1. Căn cứ vào một câu văn của tôi, ông Hảo phân tích và kết luận “ông Thống chưa hiểu văn Nguyễn Tuân”. Tôi viết: “ Một thái độ sống như thế ắt phải khinh ghét “cái phù phiếm của những đàn bướm tốt mã chấp chới bay, lộng lẫy những sắc phấn của sáo ngữ ồn ào”. Từ câu văn này, ông Hảo dè bỉu:

“Đưa cái thứ văn chương cải lương “sáo ngữ ồn ào” mà ví với thứ bướm thì quả tình đã xúc phạm loài bướm vậy. Nếu đọc kĩ Nguyễn Tuân ( tôi nhấn mạnh chữ đọc kĩ-ĐNT), ta thấy văn ông nghiêng về cái tuyệt mĩ; nên ông không hoàn toàn vì cái lợi làm mật ong mà ghét vẻ ngoài xiêm y sặc sỡ, rạng ngời, mê mẩn của loài bướm. Văn họ Nguyễn mang cả nội dung ong và hình thức bướm. Viết như ông Thống là chưa hiểu văn Nguyễn Tuân”.

Có thể thấy ông Hảo viết đoạn văn trên với tất cả sự hào sảng, tự tín. Cái tự tín của người cầm chắc chân lý... Nhưng thật tiếc và cũng thật bi hài thay! Thưa ông Trần Mạnh Hảo, cái cụm từ “sáo ngữ ồn ào” và cả câu văn: “cái phù phiếm của những đàn bướm tốt mã chấp chới bay, lộng lẫy những sắc phấn của sáo ngữ ồn ào” là văn của Nguyễn Tuân đấy ạ. Tiếp câu văn trên, Nguyễn Tuân còn viết: “Bước phù phiếm cũng bay vào hoa, nhưng cặp cánh hào nhoáng chẳng để lại gì. Từ ngày có lịch sử tiến hoá của loài người, chưa ai dám nói đến mật bướm” (Tuyển tập Nguyễn Tuân- Tập 2- NXB Văn học,1996, trang 6). Viết như thế không biết có phải là Nguyễn “yêu quý loài bướm” như ông Hảo hiểu hay không? Điều này nhờ bạn đọc phân giải. Riêng tôi, tôi chỉ không hiểu tại sao ông Hảo có thể hạ bút khuyên người ta cần“đọc kĩ Nguyễn Tuân”, trong khi ông không đọc Nguyễn gì cả. Nếu đã đọc thì sao ông có thể nhầm văn cụ Nguyễn với văn của tôi. Thành ra nếu cho rằng viết như thế là “thứ văn chương cải lương” thì đó là ông Hảo chê văn cụ Nguyễn đấy chứ. Và nếu viết như thế “quả tình xúc phạm loài bướm” như ông nói thì đó cũng chính là cụ Nguyễn Tuân xúc phạm chứ tôi đâu dám. Hơn nữa có lẽ do ông qúa say sưa với cái “vẻ ngoài xiêm y sặc sỡ, rạng ngời, mê mẩn của loài bướm” mà quên mất rằng nội dung và hình thức không thể tách ra cơ học và trắng trợn như ông phán được. Nếu ông muốn nói văn của Nguyễn Tuân vừa có nội dung sâu sắc, vừa có hình thức tuyệt mĩ thì phải diễn đạt khác đi. Ai lại đi viết “Văn họ Nguyễn mang cả nội dung ong và hình thức bướm”. Thế có khác gì ông bảo văn Nguyễn Tuân là một quái thai. Không quái thai sao được khi ông bắt văn của Nguyễn mang nội dung ong dưới một hình thức bướm. Xin lưu ý ông là nội dung ong phải có một hình thức ong tương ứng; còn hình thức bướm thì chỉ có thể phù hợp với những nội dung bướm mà thôi. Ông đã thấy tiếng ngựa hí qua miệng một con cừu bao giờ chưa? Viết như trên, ông tưởng phát hiện ra được một diệu ý và có được một phép tu từ khá, hoá ra ông vừa khiếm nhã với cụ Nguyễn Tuân, vừa chứng tỏ chẳng hiểu gì về phạm trù nội dung và hình thức. Làm thế ông đã biến văn Nguyễn thành “người mang lốt vật”. Thế thì ông đọc kĩ Nguyễn Tuân ở đâu? Cũng như thế nếu đã đọc kĩ Nguyễn Tuân thì ông không thể vì một số chữ in sai của NXB để la lên rằng: “ về chí và sáng tạo” thì cụt lủn và ngô nghê”. Trong đoạn văn ông trích của tôi, NXB đã quên mất một dấu ngoặc kép, thiếu hai chữ ( cho và tạo); sai hai chữ (chế in là chí;về in thành và)(*). Nguyên văn câu của tôi như sau:“Vì lẽ ấy mà ông kể chuyện và biểu dương con ong“đã để lại cho người đọc một bài học về kiên nhẫn, về cần lao, về tích luỹ, về chế tạo và sáng tạo”. Phần in nghiêng ở câu này là văn của Nguyễn Tuân (Tlđd, trang 5), cho nên nếu ông Hảo có phê là thừa chữ, lặp chữ “về”... thì cụ Nguyễn cũng đành chịu vậy. Không đọc, không hiểu chữ của Nguyễn, ông Hảo còn suy luận một cách dớ dẩn: “ngay cả khi tác giả viết “ý chí và sáng tạo” đi nữa cũng chưa chuẩn xác, phải nói là “ý chí sáng tạo” hay “chí sáng tạo” mới thuận tai”. Việc ông chữa văn Nguyễn Tuân và cho như thế mới hay thì tùy. Riêng tôi, tôi chỉ không hiểu tại sao ông Hảo lại khuyên người ta cần đọc kĩ văn Nguyễn Tuân? Ông đọc kĩ Nguyễn Tuân mà như thế ư?

2. Ông Hảo chê văn của tôi “chưa chuẩn”, “chưa viết đúng tiếng Việt”. Tôi luôn tự nhận thấy văn của mình còn khiếm khuyết, chưa hay. Nhưng việc ông Hảo phê phán người khác viết sai thì rất nên thận trọng. Chẳng hạn, ông phê tôi dùng chữ thứ trong vế câu “cũng là để tuyên ngôn thứ nghệ thuật...”và bình luận: “Từ thứ làm nghệ thuật trở thành nghề bị rẻ rúng, khinh khi. Ví như khi nói: “thứ anh là cái đồ ăn hại”. Qua việc phê này có thể thấy ông Hảo hay khoe chữ, khoe nghĩa; hay bắt bẻ chữ nghĩa của người khác, trong khi chính ông không biết đến nơi đến chốn. Đúng là với tiếng Việt trong một tình huống cụ thể nào đó thì chữ thứ được dùng với nghĩa xấu như ông Hảo đã hiểu. Nhưng cần lưu ý là không phải bất kỳ ở đâu chữ thứ cũng chỉ có nghĩa xấu như thế, mà nhiều khi có nghĩa ngược lại, dùng để nhấn mạnh, đề cao, hay ít ra là không có nghĩa xấu. Chẳng hạn người ta vẫn nói: “thứ vàng mười óng ánh ấy...”. Ông Hảo có thể cười và không tin ví dụ của tôi. Nhưng ông sẽ nói như thế nào khi Hoài Thanh viết: “... Đến khi nàng yêu thì đó cũng là một thứ tình yêu đắm say, mãnh liệt” (Nguyễn Du, một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn - Tập nghị luận và phê bình chọn lọc- GD.1973, tr 224). Và đây là văn của Xuân Diệu: “Chính từ những điểm xuất phát khác nhau của một số nhà thơ, ví dụ thơ Nguyễn Khuyến và thơ của Bà huyện Thanh Quan, nên có hai thứ thơ về cảnh trí; ...” (Tập nghị luận phê bình chọn lọc, đã dẫn, tr 95). Hoặc “ Văn Nguyên Hồng bao giờ cũng lấp lánh sự sống. Những dòng chữ đầy chi tiết cứ cựa quậy, phập phồng. Một thứ văn bám riết lấy cuộc đời, quấn quýt lấy con người” (Nguyễn Đăng Mạnh - Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng - Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn - GD, 2000, tái bản lần thứ hai, tr148). Ví dụ cuối tôi muốn dẫn ra chính là văn của Nguyễn Tuân. Trong bài Về tiếng ta, Nguyễn Tuân dùng không dưới 5 lần chữ thứ theo nghĩa tốt này. Chẳng hạn “Thấy chịu ơn rất nhiều đối với quê hương ông bà đã truyền cho tôi thứ tiếng nói đậm đà...” (Nguyễn Tuân bàn về văn học nghệ thuật - NXB Hội nhà văn 1999, tr 623); hoặc: “Rêu trong tiếng nói tinh diệu Nguyễn Du đã thành hẳn một thứ phong bì xanh của bức thư tình bỏ quên giữa trời.” (Sđd-tr 633); hoặc: “Thứ văn xuôi nào đã đưa lên sân khấu mà không tứ tốt từ đẹp...” (Sđd-tr 637)... Tôi chỉ liếc không đầy 15 phút là đã có thể dẫn ra hàng loạt câu văn dùng chữ thứ với nghĩa tốt này. Nếu ông Hảo vẫn bảo dùng chữ thứ như thế là nhảm thì tôi không biết nói gì nữa. Chính ông Hảo đưa ví dụ thứ anh là cái đồ ăn hại mới không trong sáng, vì ít khi nói thứ anh, nếu cần người ta chỉ nói Anh là cái đồ ăn hại. Thế mà không hiểu sao ông Hảo phê phán tôi dùng chữ thứ như là “thứ không ra gì, thứ bỏ đi, thậm chí thứ này, thứ nọ... là những câu người ta chửi nhau, lẽ nào ông lại thích nhét thứ ấy vào văn Nguyễn Tuân mãi thế?”. Thưa ông Hảo!Nguyễn Tuân không dành cho tôi cái vinh dự ấy đâu. Ông cứ đọc kĩ Nguyễn đi, ông sẽ thấy chữ thứ với nghĩa tốt đã đầy trong các trang văn của Nguyễn rồi.

Trên đây là hai điểm chính tôi muốn trao đổi với ông Hảo. Còn một số ví dụ khác ông Hảo dẫn ra để chứng minh, tôi xin nói lại ngắn gọn như sau: các dẫn chứng ông trích văn của tôi đều có lỗi in sai của NXB (*). Chẳng hạn tôi viết: “Nguyễn Tuân có nói đến hoa, nhưng chỉ là mượn hoa để nói chuyện khác; cảm hứng về hoa mà đàm luận, suy nghĩ về chuyện ngoài hoa...”. Chữ khác của tôi bị in thành khá và bỏ đi dấu chấm phảy(;) trước chữ cảm hứng. Một chỗ khác tôi viết: “Tôi thấy đều đúng cả và cứ nghĩ mãi về cái bút lực ấy của ông...”, chữ thấy được in sai thành chữ nghĩ nên câu có hai chữ nghĩ như ông góp ý là đúng. Tôi viết: “... muốn có được những trang viết dậy sắc hương như hoa, có ích cho đời như hoa, những trang viết “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu...” thì bản in thiếu chữ sắc và thừa hẳn cụm từ “có ích như hoa”... nên ông Hảo cho thừa cụm từ này cũng phải. Cuối cùng ông Hảo cho câu văn của tôi trùng lặp, tại sao lại phải dùng hàng loạt cụm từ như “lao tâm khổ tứ”,“âm thầm khổ luyện “, “xót xa khổ đau”; rồi ông chất vấn:“có khác gì nhau mà lặp đi lặp lại ba lần như thế?”... Trả lời câu hỏi này, tôi chỉ có thể nói rằng ông Hảo chưa đủ sức hiểu những câu văn cần phải viết dài, viết nhiều mệnh đề, câu văn mang sắc thái tu từ nhằm nhấn mạnh một điều gì đó.

Loại câu này trong văn Nguyễn Tuân rất nhiều, không hiểu ông Hảo có cần tôi chỉ ra cụ thể không?

  • Đỗ Ngọc Thống, Hà Nội 1-6-2003

(*). Các câu văn của tôi bị in sai trong cuốn Giảng văn chọn lọc..., bạn đọc có thể kiểm chứng lại nguyên văn trong cuốn Làm văn- Từ lý thuyết đến thực hành; Đỗ Ngọc Thống, NXB. GD.1997.

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cách tân thơ là một giấc mơ... (30/05/2003)
Hy vọng văn học trẻ có những tác phẩm tầm cỡ quốc tế (30/05/2003)
Thật khó tin, nhưng đó là trả lời của NXB Văn học! (29/05/2003)
NXB ''sơ xuất'' vì không biết Nguyễn Ngọc Ngạn là ai (?!) (22/05/2003)
NXB Văn học "luộc" truyện ma của Nguyễn Ngọc Ngạn? (22/05/2003)
Ngày sinh sen nở thay Người (19/05/2003)
Trần Đình Hiến: Khốn khổ vì Mạc Ngôn! (14/05/2003)
Phan Huyền Thư: "Tôi sẽ nói bằng giọng của chính mình!" (09/05/2003)
''Viết hàng triệu bài thơ vẫn không thể nói hết sự vĩ đại của Người'' (08/05/2003)
Thơ ca Việt Nam đã đến phiên ''đổi gác''? (07/05/2003)
Nhà văn Lê Văn Thảo: ''Tài trợ còn mang tính đại trà'' (29/04/2003)
Nguyễn Đình Thi - nóng bỏng chất ''người Hà Nội'' (19/04/2003)
Về bài Thăng Long thành hoài cổ của vua Thành Thái (17/04/2003)
Ông Nguyễn Cừ: Giá sách quá cao do phí phát hành! (08/04/2003)
NXB Trẻ mua toàn bộ tác quyền của nhà văn Sơn Nam (07/04/2003)
Tro ve dau trang