|
Dịch giả Kato Sakae với nhà thơ Nguyễn Duy. |
Theo học Khoa tiếng Việt - Đại học Ngoại ngữ Tokyo từ năm 1971, bắt đầu dịch văn học Việt Nam từ năm 1986, cho đến nay dịch giả người Nhật Bản Kato Sakae đã giới thiệu với khán giả đất nước mình một lượng lớn các tác phẩm văn học Việt Nam. Chị từng nói: "Theo tôi, việc quan trọng là viết như thế nào chứ không phải là viết cái gì. Bạn đọc hiện nay đòi hỏi tác phẩm văn học có tính phổ biến và nhân bản hơn, mà bất kỳ dân tộc nào cũng thông cảm và chia sẻ được. Về khía cạnh này, tôi nghĩ rằng Nỗi buồn chiến tranh và Chim én bay làm cho văn học Việt Nam tiến lên một bước lớn".
- Những tác phẩm được chị giới thiệu với độc giả Nhật Bản, đã thu hút chị ở khía cạnh nào?
- Đối với người Nhật, nhất là những người thuộc lứa tuổi 40 trở lên, ấn tượng về Việt Nam là chiến tranh. Trong những năm 70, họ quan tâm tìm hiểu gương mặt dân tộc Việt Nam và cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ của người Việt Nam qua tác phẩm văn học. Hình dung người Việt Nam lúc đó là người chiến đấu, người anh hùng, là siêu nhân đáng kính phục chứ không phải là người bình thường.
Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, người ta không chú ý đến Việt Nam nữa. Cuối những năm 70 và suốt những năm 80 ở Nhật thiếu thông tin về Việt Nam. Vì thế tôi muốn giới thiệu những thông tin văn hóa qua dịch thuật văn học, bởi chỉ có qua tác phẩm văn học mới biết được chân dung dân tộc Việt Nam, những gương mặt thật sự và những niềm vui nỗi buồn của người bình thường sống ở đất nước việt Nam một cách sinh động hơn.
- Sau hai mươi năm làm công việc giới thiệu văn học Việt Nam một cách khá lặng lẽ, đã đọc khá nhiều tác phẩm của Việt Nam, chị có mong muốn điều gì cho văn học Việt Nam?
- Tôi đã chọn những tác phẩm có thể giới thiệu được Việt Nam là dân tộc thế nào, người Việt Nam sống thế nào, có niềm vui nỗi buồn thế nào dưới chiến tranh và trong cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, nhiều hơn là để thưởng thức nghệ thuật. Do ở Nhật cho đến cuối những năm 80 hoàn toàn thiếu thông tin về Việt Nam, nên tôi tin rằng các bản dịch của tôi đều được độc giả hoan nghênh. Trong mấy năm gần đây, nhiều người Nhật đi du lịch Việt Nam, và một số trong đó được tiếp xúc nhiều khía cạnh đời sống người Việt Nam bình thường, vì vậy xem như tôi đã hoàn thành một phần nhiệm vụ dịch thuật của mình.
- Cả Nhật Bản và Việt Nam đều bị chiến tranh tàn phá và đều phải vất vả xây dựng lại đất nước thời hậu chiến, phải chăng điều đó đã khiến chị chọn khoa Tiếng Việt để học ở trường đại học?
- Tôi sinh năm 1953. Tôi đã lớn lên trong hoàn cảnh phát triển kinh tế những năm 60. Như thế hệ tuổi trẻ hiện nay ở Việt Nam, tôi không có ký ức nào về chiến tranh, tôi chọn học tiếng Việt là vì ảnh hưởng không khí chính trị bùng nổ trong nước và chiến tranh Việt Nam lúc tôi là học sinh cấp ba. Trường của tôi ở thành phố Yokohama, cách Tokyo mấy chục cây số, ảnh hưởng của phong trào sinh viên đại học bãi khoá. Thông qua phong trào đó, tôi đã học được nhiều vấn đề như mâu thuẫn xã hội trong nước và trên thế giới. Tôi muốn thi vào một đại học nào đó có thể học được ngôn ngữ châu Á.
- Chồng chị, anh Kato Norio cũng là một dịch giả chuyên giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật của Việt Nam (anh là Trưởng ban Tiếng Việt của Đài NHK, đã bỏ ra 10 năm để dịch "Thời xa vắng" (Lê Lựu) và đang dịch "Cơ hội của Chúa" (Nguyễn Việt Hà), vậy anh chị có giống nhau trong cách nhìn nhận các tác phẩm?
- Vợ chồng chúng tôi đều dịch và giới thiệu văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhưng chồng tôi có công việc ở Đài NHK, dịch thuật chỉ là công việc nghiệp dư. Còn tôi vừa dạy tiếng Việt ở hai trường đại học vừa dịch văn học Việt Nam. Tôi dạy hợp đồng nên có nhiều thời gian rỗi hơn chồng tôi vì thế về dịch thuật, tôi đi trước chồng tôi mấy bước. Trong cách nhìn nhận tác phẩm, không phải hai chúng tôi lúc nào cũng có ý kiến thống nhất. Khi dịch, chúng tôi không can thiệp công việc của nhau, giữ sự độc lập với nhau.
Những tác phẩm đã dịch:
Tiểu thuyết: Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Những thiên đường mù (Dương Thu Hương), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân); Truyện ngắn: Những bông bần ly (Dương Thu Hương), Hằng (Nguyễn Minh Châu), Câu chuyện dưới tán lá rợp (Nguyễn Thị Ngọc Tú), Chuyện như đùa (Mai Ngữ), Dây neo trần gian (Võ Thị Hảo), Những bài học nông thôn (Nguyễn Huy Thiệp), Minu xinh đẹp, Phù thuỷ, Đàn bà chưa chồng (Nguyễn Thị Thu Huệ), Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Nước mắt thời gian (Trầm Hương), Kẻ sát nhân lương thiện (Lại Văn Long), Chuyện vui điện ảnh (Nguyễn Ngọc Tư)...
|
(Theo Thanh Niên) |