Trong bài viết Bình giảng tác phẩm văn chương và những bài văn mẫu (Văn nghệ trẻ- số 23), ông Nguyễn Hoà kết thúc bài viết của mình bằng 2 điều “băn khoăn” (không biết Nguyễn Hoà có phải là con trai không, tôi cứ mạnh bạo gọi là ông, nếu là con gái thì cho tôi xin lỗi). Ông Hoà viết: “Để kết thúc, xin nói rằng có điều gì đó hơi băn khoăn khi thấy chỉ những tác giả có chức danh GS, PGS hoặc học vị TS mới có khả năng thiết kế chương trình, biên soạn sách giáo khoa môn văn và chỉ có họ mới có thể bình giảng tác phẩm văn chương để sử dụng trong nhà trường”.
Sau điều “hơi băn khoăn” này , ông Hoà nêu tiếp điều “băn khoăn hơn khi thấy một hội đồng biên soạn sách giáo khoa môn văn được tổ chức theo lối“đào kép mới” liệu có khả năng phát triển, làm mới những gì mà mấy chục năm nay đối với họ đã trở nên khuôn sáo và liệu rồi đây sản phẩm cuả họ làm ra có rơi vào tình trạng“cốc mới bia cũ” hay không ?”.
Tôi là một giáo viên dạy văn, rất yêu báo Văn nghệ trẻ và thường xuyên theo dõi các cuộc trao đổi. Tôi thấy hai điều băn khoăn của ông Hoà chẳng có căn cứ nào cả. Tôi cho là ông Hoà chỉ “nghe hơi nồi chõ”ở đâu đó, rồi tự đặt ra các tình huống và cứ thế la lên những điều mình tự bịa ra. Đó là thủ thuật viết gần đây của một số người, trong đó ông Nguyễn Hoà là khá tiêu biểu. Điều băn khoăn thứ nhất của ông Hoà có hai cái sai. Thứ nhất, làm chương trình, viết sách giáo khoa và sách tham khảo trong nhà trường không chỉ có các GS, PGS, TS như ông nói. Tôi chỉ cần nêu ra cuốn Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam mà các ông đang phê phán thì đã thấy có hàng loạt các vị có phải là GS, PGS hay TS gì đâu ( Đỗ Kim Hồi, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Quyền, Văn Tâm, Trần Duy Thanh, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên...). Rất nhiều người trong cuốn sách đó cũng không phải công tác ở các trường đại học và càng không phải là những người mà ông Hoà gọi là “chuyên gia luyện thi”. Tôi nghĩ lẽ ra ở cuốn sách này, GS.TS Trần Đình Sử nên chọn thêm một bài của ông Hoà hay bài của ông Trần Mạnh Hảo thì có khi sự thể đã khác. Thứ hai chẳng có ai quy định “chỉ có họ mới có thể bình giảng tác phẩm văn chương để sử dụng trong nhà trường”như ông Hoà nghĩ. Tôi xin mách ông Hoà một tin: NXB Giáo dục đang kêu gọi thi viết sách tham khảo cho chương trình mới đấy. Trong cuộc thi này, ai muốn viết cũng được (tất nhiên trừ người thần kinh). Xin mời ông cứ việc viết sách bình văn mà bán để kiếm lời. Cũng xin mời ông đi dạy ôn thi như chúng tôi đang làm thử xem có hưởng được chút “màu mỡ” nào như ông tưởng hay không.
Điều băn khoăn thứ hai của ông còn sai nhiều hơn. Thứ nhất ông Hoà có biết Hội đồng biên soạn sách giáo khoa môn văn là những ai không mà bảo là “được tổ chức theo lối “đào kép mới”? Thứ hai, ông Hoà đã xem sách giáo khoa của “những đào kép mới” ấy chưa (sách của họ ra rồi đấy) và ông đã so sánh sách mới với sách trước đây chưa mà băn khoăn sớm thế ? Là những người đi dạy, chúng tôi có điều kiện so sánh sách cũ và sách mới, vì thế tôi sẵn sàng đối thoại và chứng minh để ông Hoà thấy. Và ít nhất là tôi làm sáng tỏ được bệnh “ăn ốc nói mò” của ông Hoà. Thứ ba, việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa lần này là ngành Giáo dục đang thực hiện nghị quyết 40/ QH-10 của Quốc Hội. Những luận cứ và phương hướng đổi mới đã được Quốc Hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Chương trình và SGK viết mới cũng đã được xin ý kiến rộng rãi của đông đảo quần chúng và các tầng lớp khác nhau (có thể là chưa xin ý kiến ông Nguyễn Hoà chăng). Một chủ trương như thế lẽ ra ông Hoà nên tìm hiểu thật kĩ rồi hãy phát biểu như trên, đằng này ông không tìm hiểu gì cả đã vội la ó lên. Như thế chẳng phải ông đã vô hình chung cổ vũ cho những ý kiến đi ngược lại nghị quyết của Quốc Hội và Chính phủ hay sao? Thứ tư, ông Hoà chắc không phải là người trong ngành GD nên mới cho rằng ai thích làm chương trình và biên soạn sách giáo khoa cũng được. Chúng tôi là những giáo viên, được dự các lớp bồi dưỡng thay sách, thì thấy rằng muốn có ý tưởng đổi mới chương trình và sách giáo khoa (chưa nói là tư tưởng) không phải đơn giản. ít nhất cũng phải có năng lực và điều kiện. Chẳng hạn phải biết ngoại ngữ để xem sách Tây, sách Tàu, sách Anh, sách Mỹ họ viết thế nào ? Chương trình của các nước phát triển họ dạy những gì? Trên cơ sở đó mới có thể biên soạn được chương trình và SGK, đáp ứng được yêu cầu “không lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới” (Trích Thông báo của Thủ tướng Phan Văn Khải - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục - Tạp chí Thế giới trong ta- số185, 5-2003). Thử hỏi, nếu không có những vị GS, PGS, TS am hiểu ngoại ngữ và có trình độ chuyên môn cao thì làm sao có thể đáp ứng được yêu cầu đã nêu của Thủ tướng. Không biết ông Hoà có tham khảo được sách giáo khoa văn học của nước ngoài không. Tôi nghĩ chỉ cần ông Hoà giỏi ngoại ngữ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên mời ông ấy vào để thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa mới cho môn Văn (chẳng cần biết ông có trình độ chuyên môn gì). Còn chúng tôi, những giáo viên dù đã tốt nghiệp đại học hay thạc sĩ đi nữa, dù mới ra trường hay đã có thâm niên thì cũng không thể có điều kiện và khả năng để viết sách giáo khoa, sách tham khảo như ông khuyến khích được, trừ một số rất ít; thiết kế chương trình cho một môn học thì lại càng không thể.
Trong đoạn kết bài của ông Hoà vừa nêu, tôi cũng không thể hiểu được vì sao từ chỗ cho rằng “chỉ có các GS, TS ở trường Đại học có quyền viết sách giáo khoa, sách tham khảo” ông Hoà lại suy luận “ Vậy chẳng lẽ các thầy cô giáo dạy văn ở trường phổ thông ( những người trực tiếp giảng dạy và hiểu rõ HS cần gì, khả năng ra sao...) chỉ là cái “loa” phát thanh, chỉ là cái cassette của các giảng viên đại học ư ?”. Việc thiết kế chương trình và viết sách giáo khoa, sách tham khảo với việc gỉang dạy cụ thể của chúng tôi chỉ có tác dụng ủng hộ lẫn nhau chứ có chống nhau gì đâu. Chẳng có sách nào bắt chúng tôi phải theo y nguyên cả. Ông Hoà nên biết rằng ngay cả sách giáo viên cũng chỉ là tham khảo, huống hồ là các sách khác. Nhân đây tôi thấy cũng cần phải nói lại với ông Hoà và ông Trần Mạnh Hảo điều này: các ông cứ hay dùng chữ văn mẫu, bài mẫu để quy tội cho các tác giả sách. Thực ra có ai nói và ai bảo đó là văn mẫu, bài mẫu đâu. Đó chỉ là các bài văn tham khảo. Mà đã là tham khảo thì không bắt buộc, càng giới thiệu rộng ra, nhiều giọng điệu, nhiều kiểu dáng... càng tốt.
Trong bài viết của mình, ngoài những điểm “ nghe lỏm, nói dựa” như trên, ông Hoà còn mẫu thuẫn với chính mình trong cách lập luận “đổ tội” cho việc dạy học văn hiện nay. Đoạn giữa bài ông viết: “ Tôi tin Bộ Giáo duc và Đào tạo không có ý tưởng dạy- học môn văn tương tự như dạy học các môn toán lí hoá ( tôi phải nhắc ông là không có môn nào là môn toán lí hoá , nghĩa là giữa tên các môn đó phải có dấu phảy), nhưng hiện tại thì dường như việc dạy- học môn văn lại đang rơi vào tình trạng ngược lại, nghiã là người ta đang biến việc học văn thành việc học thuộc lòng những “công thức văn chương”được rút ra từ các bài văn mẫu...”. Có thể hiểu qua đoạn văn này, ông Hoà muốn nói dạy học các môn Toán, lí, hoá là chỉ dạy cho HS thuộc lòng các công thức. Dạy văn không thể như thế được. Nhưng ngay đoạn sau, ông Hoà lại viết: “ Thật kì quặc, trong khi ở môn toán người ta khuyến khích HS tìm tòi những lời giải hay cho một đề toán, thì ở môn văn ngưòi ta lại tập cho HS thói quen học vẹt...”. Rõ ràng ở trên ông có ý phê môn toán chỉ là học thuộc các công thức, thì ngay ở dưới ông lại ca ngợi dạy học môn toán là khuyến khích HS tìm tòi những lời giải hay. Xem ra cách của ông là cứ nói phứa ra, đổ tội hết cho dạy học môn văn còn môn khác nói thế nào cũng được.
Cuối cùng tôi thấy những người tha thiết đổi mới việc dạy học văn trong nhà trường như ông Hoà nên tham gia giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo viết sách giáo khoa và tài liệu tham khảo. Tuy vậy trước khi tham gia đề nghị ông Hoà nên xem lại cách viết văn của mình. Học theo cách “dọn vườn” của Trần Mạnh Hảo, tôi có thể dẫn ra khá nhiều đoạn văn ông viết lê thê, “dây cà ra dây muống”. Vì độ dài của bài viết có hạn, tôi chỉ dẫn ra một ví dụ. Đây là một câu văn của ông Hoà: “ Một bài phân tích, bình giảng tác phẩm văn chương được đăng trên báo chí có thể không được dư luận chú ý, song một bài phân tích , bình giảng tác phẩm văn chương được viết nhằm mục đích trau dồi hiểu biết và rèn luyện năng lực cảm thụ văn chương cho học sinh thì sẽ được dư luận quan tâm bởi nó phải đáp ứng những đòi hỏi về tính chuẩn xác ở cấp độ cao, nó phải vượt qua sự tán thưởng theo lối thù tạc “mẹ hát con khen hay” của nhóm người biên soạn để nhận được sự đồng thuận của số đông và luôn phải được nhìn nhận như một tài liệu tham khảo, có ý nghĩa hướng dẫn, gợi mở, chứ không thể trở thành những đơn vị kiến thức cơ bản.”. Tôi chưa nói đến việc dùng từ và các liên từ lập luận trong câu văn trên của ông Hoà nhiều chỗ thiếu chính xác. Chỉ nói về diễn đạt thì cũng đủ thấy khó ai có câu văn dài kỉ lục và tăm tối đến như thế (140 chữ, nếu máy tính của tôi đếm không nhầm). Tôi đã nêu câu văn này như một bài tập sửa lỗi diễn đạt trong giờ tiếng Việt và một học sinh của tôi đã sửa lại như sau: “Một bài phân tích, bình giảng tác phẩm văn chương đăng trên báo có thể không được dư luận quan tâm. Nhưng cũng bài phân tích, bình giảng ấy nếu viết nhằm mục đích cung cấp những hiểu biết và rèn luyện năng lực cảm thụ cho học sinh thì sẽ được dư luận chú ý. Vì thế các bài viết này cần phải chuẩn mực. Không nên tán thưởng theo kiểu “mẹ hát con khen hay” mà phải biết lắng nghe ý kiến của số đông. Chỉ nên xem đó như một tài liệu tham khảo, có ý nghĩa hướng dẫn, gợi mở, chứ không nên coi là những tài liệu mẫu bắt buộc.”. Đoạn văn viết lại này chỉ còn 115 chữ và được chia làm năm câu chứ không phải một câu như của ông Hoà.
Tôi cho rằng khi nào ông Nguyễn Hoà viết văn gọn ghẽ, hay ít nhất là “sạch nước cản” đã thì hãy mời ông ta viết sách giáo khoa hoặc viết tài liệu tham khảo cho học sinh trong nhà trường phổ thông.
Ngày 10/6/2003 Phạm Thị Thu Hiền (Giáo viên văn, trường THPT chuyên Lam Sơn - Thanh Hoá) |