|
Phó giáo sư Hoàng Bích Ngọc. |
Không phải ''dân văn học'', phó giáo sư Hoàng Bích Ngọc vừa cho ra mắt bạn đọc tác phẩm Hồ Xuân Hương: Con người - Tư tưởng - Tác phẩm, một công trình nghiên cứu công phu và giàu tính khoa học. Chị cho biết sở dĩ gài tên mình vào danh sách những nhà ''Hồ Xuân Hương học'' là bởi nhận thấy Hồ Xuân Hương bị oan và muốn làm rõ điều này.
- Chị là một nhà khoa học tự nhiên thuần tuý. Vậy động cơ nào thúc đẩy chị đến với chuyên đề Hồ Xuân Hương, một lĩnh vực chuyên môn khác hẳn với sở trường của chị?
- Động cơ chính có lẽ do tôi là phụ nữ. Còn về ''sở trường'' của tôi, tôi không phân biệt được sở trường của mình là thiên về tự nhiên hay xã hội. Chỉ biết rằng, khi xác định làm một việc gì tôi sẽ làm hết lòng.
- Theo chị, có điểm gì mới trong Hồ Xuân Hương: Con người - Tư tưởng - Tác phẩm?
- Tôi không muốn nhấn mạnh về những kết luận mới mà chỉ muốn nói về phương pháp nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu của tôi có 3 điểm chính khác với những tác giả khác. Thứ nhất, tôi coi trọng vấn đề văn bản học, nghĩa là nghiên cứu thơ chữ Hán trước để lấy cơ sở nghiên cứu thơ Nôm.
Thứ hai, khi tuyển chọn thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, tôi không ràng buộc mình trong khoảng 50 bài thơ Nôm ''quen biết'' mà xuất phát từ các tài liệu gốc về thơ Nôm được cho là của Hồ Xuân Hương.
Thứ ba, khi phân tích mỗi bài thơ, tôi thường xét cấu trúc toàn cục, chủ đề tư tưởng và tính logic của cả tác phẩm, chứ không chỉ phân tích tỉa từng câu như nhiều nhà nghiên thường làm. Tôi thực sự sung sướng khi khám phá ra rằng Hồ Xuân Hương không phải là tác giả của những bài thơ ''dâm'' như bấy lâu người ta vẫn lầm tưởng.
- Chị có nghĩ rằng phương pháp nghiên cứu khoa học tự nhiên sẽ có ảnh hưởng tới chị khi nghiên cứu khoa học xã hội?
- Tôi nghĩ không phải cái này ảnh hưởng tới cái kia mà có sự hỗ trợ. Đối với tôi, tư duy khoa học chi phối một cách tự nhiên trong mọi công việc.
- Và chị tin rằng những lập luận của mình sẽ có tính thuyết phục?
- Đối với tôi, lòng tin luôn luôn đi trước những ngờ vực. Có thể chính với điều này mà người ta thường cho tôi là ngây thơ. Với vấn đề Hồ Xuân Hương, niềm tin của tôi chính là tâm nguyện muốn bảo vệ sự công bằng.
- Là người ''ngoại đạo'' về văn chương, hẳn chị đã gặp nhiều khó khăn khi đi vào lĩnh vực này? Chẳng hạn về thời gian, tư liệu, vốn hiểu biết chữ Hán...?
- Nhiều khó khăn là điều tất nhiên. Còn về chữ ''ngoại đạo'' thì theo tôi, văn chương là cái nghiệp chứ không phải cái nghề. Để đeo đuổi được cái nghiệp này thì cần phải trau dồi kiến thức về nhiều mặt, nhưng không có nghĩa là cứ được học một cách chính quy là có thể thành công trong nghiệp văn chương. Văn học gắn liền với xã hội và con người. Ai yêu văn học là có thể đến được với văn học.
(Theo TT&VH)
|