Nguyễn Ngọc Tư: "Tôi thèm ai đó 'quất' cho mình vài roi"
09:57' 06/07/2003 (GMT+7)

Với 17 truyện ngắn xinh xắn trong tập Giao Thừa, nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư trở lại với giọng văn mộc mạc và trong trẻo, nhưng nỗi buồn nặng hơn. Tất cả như thể hiện cô thèm được nói, được viết về cuộc sống quanh mình. Và thèm cả ai đó "quất cho vài roi" để thấy rằng mình đang viết "chán chán thế nào".

- Nhận giải Nhất Văn học tuổi 20 năm 2000 với tập truyện "Ngọn đèn không tắt", 3 năm sau ra tập "Giao Thừa", Tư đã ngấp nghé tuổi 30. Điều ấy có thay đổi gì trong quan niệm sống và viết không?

- Chỉ một chút thôi. Tôi có cảm giác mình bây giờ viết buồn hơn lúc trước.

- Đọc truyện của Tư cứ xuôi đi mải miết bởi cách viết hồn nhiên, giản dị và dễ thương. Tư có cho rằng đó là thế mạnh của mình?

- Không, tôi muốn viết tinh tế, sâu sắc, góc cạnh hơn (dường như các nhà phê bình cũng thích thế). Nhưng khổ nỗi, tạng tôi nó vậy, phong cách viết tự nó vậy, chữ nghĩa cũng tự "chảy" ra như vậy.

- Tư từng nói "tôi nghĩ đến ứ đầy rồi viết", từ "Ngọn đèn không tắt"sang "Giao Thừa", bắt gặp những cái tên lặp đi lặp lại: Chị Diệu, Diệu; con San, anh San; ông già Chín...; và những cảnh đời: toàn người chất phác, hồn hậu, tốt bụng vô ngần, vậy mà chẳng ai được sung sướng. Gấp truyện lại chỉ còn một nỗi buồn rất lạ! Vậy có thể hình dung cuộc sống quanh Tư như thế nào?

- Hình dáng buồn cười, thô mộc, quê mùa, không trau chuốt (nên tôi lười cả việc đặt tên cho nhân vật của mình). Hai mươi bảy tuổi vẫn yêu, vẫn tin rằng cuộc đời này màu hồng (mà tới một cái tuổi nào đó sẽ thấy nó đen thui) nên vẫn thích viết về những người tốt. Có điều họ không sung sướng vì tôi nghĩ, tốt mà được đền đáp thì người đời rủ nhau đi sống tốt hết rồi.

- Các cuộc phê bình cây bút trẻ yên lặng quá. Thiếu người trẻ viết phê bình đã đành, người già thường có cái nhìn không thiện cảm với cây bút trẻ là một nhẽ, nhưng vẻ như truyện ngắn thời gian qua chưa tạo được chú ý. Có lúc nào Tư thèm được một nhà phê bình nào đó "quất" cho mình vài roi để lớn lên?

- Thèm. Tự soi gương không bao giờ nhìn thấy hết những khiếm khuyết của mình. Đôi lúc nghe bạn bè cằn nhằn lúc này Ngọc Tư viết "chán chán làm sao", tôi muốn biết "chán chán làm sao" là thế nào? Có ai giúp tôi không?

- Có thể hy vọng ở những tập truyện mới dày hơn, khác hơn, thậm chí là tiểu thuyết ở Tư không?

- Sẽ đến một tuổi nào đó, một cú sốc nào đó, hay đến lúc bạn nói bạn chán cách viết của tôi rồi, biết đâu tôi sẽ đổi thay. Nhưng bây giờ thì chưa.

(Theo Tiền Phong)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cần phải hiểu đúng bài thơ "Tràng Giang" (05/07/2003)
Nhà văn Võ Thị Hảo với Giàn thiêu (03/07/2003)
''Thơ ca tạo một thế giới bên cạnh chúng ta...'' (03/07/2003)
Thực tế buồn về văn học Việt Nam được dịch ở Pháp (02/07/2003)
"Tôi thấy Hồ Xuân Hương đã bị oan!'' (01/07/2003)
''Một thiên nằm mộng'' - đánh thức những điều giấu kín (30/06/2003)
Thơ xứ ta lắm chuyện... (27/06/2003)
Tác giả Harry Potter giao lưu với độc giả "nhí" (27/06/2003)
Các nhà sách ở TP.HCM: Cần thay đổi phương thức hoạt động (26/06/2003)
Về "đầu máy" nào đây cho "cỗ xe phê bình văn học"? (26/06/2003)
Sách cho thiếu nhi - thiếu hay thừa ? (25/06/2003)
Vài mẩu chuyện về nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết phê bình? (19/06/2003)
“Cả giận mất khôn” và logich “hàng tôm hàng cá”! (18/06/2003)
“Cả giận mất khôn” và logich “hàng tôm hàng cá”! (18/06/2003)
Franz Faber - người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức (17/06/2003)
Tro ve dau trang