Hoàng Trần Cương viết tộc phả thành thơ
15:49' 23/07/2003 (GMT+7)
Nhà thơ Hoàng Trần Cương

Lông mày rậm, tính tình quảng đại, thích giao du; Biết uống bia và làm thơ ngay từ bé; Bởi thế, giọng thơ xóc óc, một câu êm lại kèm chín chữ méo; Người yếu bóng vía đọc thơ ấy rất dễ giật mình; Đó là nhà thơ Hoàng Trần Cương. Anh sinh ngày 30/7/1949 tại chòm Đặng Lâm, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, con ông Hoàng Trần Trực và bà Ngô Thị Đạm, cháu nội của cụ Hàn lâm Viện học sĩ Hoàng Trần Siêu.

 Mấy dòng tiểu sử trên đây là hoạ lại giọng của Hoàng Trần Cương trong trường ca Long Mạch ''Cha tôi/Huyết thống tổ tiên trích ngang bản mặt/Trán rộng cộm nỗi đau/ Rụa ràn cơn sóng đất/ Thấm vào đêm/Thấm cả sang ngày''. Con người ấy, giọng thơ ấy rất hợp với quân sự. Do vậy, vào năm 21 tuổi, đang học Đại học, Cương được quân đội rước vào chiến trường, cho làm pháo thủ pháo 57, đạn to, nổ đinh tai. Suốt từ năm 1970 đến hết chiến tranh, trong đội hình của hai Sư đoàn pháo cao xạ 367 và 375, Hoàng Trần Cương và đồng đội đã rê pháo đi khắp nơi, từ Bắc vào Nam, cùng Đỗ Chu, Nguyễn Trí Huân, Thao Trường, Duy Khán, bắn không biết bao nhiêu đạn. Không biết Cương có bắn rơi chiếc tàu bay nào không. Quân công thì không rõ nhưng văn chương thì Cương có gặt hái. Ngay từ năm 1972, Hoàng Trần Cương đã nhận được giải thưởng cao của  Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, không phải tác phẩm thơ mà là văn xuôi: Ký sự ''Hạnh phúc hôm nay''. Cùng năm ấy, Nhà xuất bản Lao Động xuất bản tập truyện ngắn ''Dư âm'' của Hoàng Trần Cương. Văn xuôi của Hoàng Trần Cương hồi chiến tranh chi tiết chắt lọc, lạ lẫm, được thốt lên từ một giọng khá điềm tĩnh chứ không hồi hộp quá như thơ anh sau này.

Cho đến hết chiến tranh, Cương vẫn chưa nổi tiếng. Văn xuôi và pháo 57 chưa phải là vũ khí tốt nhất của anh pháo thủ này. Vũ khí lợi hại của Hoàng Trần Cương là trường ca. Hàng trăm bài thơ ngắn Cương đã công bố trên báo chí dường như cũng để chuẩn bị cho trường ca. Chỉ một dòng thôi, của Cương, tôi đã gọi anh là thi sĩ: ''Anh ngồi ngăn nắp trong chiều vắng''. Người ta chỉ dùng chữ ''ngăn nắp'' cho đồ đạc. Mà chỉ nói về đồ đạc trong phòng. Cương tự do cho mình là đồ đạc trong cái buổi chiều cô đơn kia. Cái tay, cái chân, cái vai phải thu lại thế nào để trở thành ngăn nắp? Ôi Cương, cái khiêm nhường này mới chính là Cương. Đó chính là cái chất chính của thơ Cương. Chữ đầu nhọn hay chữ đầu tù không quan trọng. Chính lòng yêu thương con người làm nên tất cả.

Trường ca ''Trầm tích'', trường ca mở đầu cho tổng tập bộ ngũ ''Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ'' được khởi thảo từ những năm 80 và đã làm Hoàng Trần Cương nổi như cồn. Chỉ một trường ca ấy, Hoàng Trần Cương đã nhận được bốn giải thưởng đều là hạng nhất của bốn tổ chức văn học: Giải nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1989 - 1990. Giải thưởng loại A của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng và giải A của quê hương anh; giải thưởng Hồ Xuân Hương. 

Tại Hà Nội, một đêm nào năm ngoái, có một bữa tiệc mừng thơ Cương. Người dự, chỉ có tôi là đồng hương kết nghĩa, còn lại là đồng hương thứ thiệt. Các chức danh nhà nước họ để lại nhà. Một Trương Đình Tuyển, một Lê Đức Thuý, một Nguyễn Sinh Hùng, một Lê Doãn Hợp... Đến đây, họ không phải là bộ trưởng mà là những nhà văn hoá đồng hương. Tôi mới phát giác ra rằng, người Nghệ An - Hà Tĩnh có tính cộng đồng cao hơn các miền quê khác. Thì đúng là ''Trầm tích'' rồi. Viết lại về gia phả của quê hương, viết lại về gia phả của Nghệ An nói riêng. Viết về gia phả của dòng tộc để rồi bật lên một Gia Phả Việt Nam là tâm dạ của Hoàng Trần Cương. Một chữ tròn đi với chín chữ méo mới có thể viết nổi về gia phả quê hương mình vậy. Cố lên Cương nhé!

(Phạm Tiến Duật - Báo Tiền Phong)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Vì sao hoạt động xuất bản liên tục gặp “sự cố”? (17/07/2003)
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton viết hồi ký (17/07/2003)
Nguyễn Ngọc Tư: "Tôi thèm ai đó 'quất' cho mình vài roi" (06/07/2003)
Cần phải hiểu đúng bài thơ "Tràng Giang" (05/07/2003)
Nhà văn Võ Thị Hảo với Giàn thiêu (03/07/2003)
''Thơ ca tạo một thế giới bên cạnh chúng ta...'' (03/07/2003)
Thực tế buồn về văn học Việt Nam được dịch ở Pháp (02/07/2003)
"Tôi thấy Hồ Xuân Hương đã bị oan!'' (01/07/2003)
''Một thiên nằm mộng'' - đánh thức những điều giấu kín (30/06/2003)
Thơ xứ ta lắm chuyện... (27/06/2003)
Tác giả Harry Potter giao lưu với độc giả "nhí" (27/06/2003)
Các nhà sách ở TP.HCM: Cần thay đổi phương thức hoạt động (26/06/2003)
Về "đầu máy" nào đây cho "cỗ xe phê bình văn học"? (26/06/2003)
Sách cho thiếu nhi - thiếu hay thừa ? (25/06/2003)
Vài mẩu chuyện về nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết phê bình? (19/06/2003)
Tro ve dau trang