Sau hơn 2 năm triển khai, dự án “Điều tra, sưu tầm, biên dịch, xuất bản và bảo quản kho tàng sử thi Tây Nguyên“ đã sưu tầm 456 tác phẩm và tìm được 208 nghệ nhân có khả năng nhớ và diễn xướng sử thi Tây Nguyên. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt và xác định tác phẩm sử thi đích thực với các loại hình văn học truyền miệng như truyện cổ tích, hát giao duyên.
Riêng ở Kon Tum, dự án đã sưu tầm được 40 tác phẩm, trong đó có 35 tác phẩm, tổng độ dài 201 băng ghi âm (90 phút/băng), của 2 dân tộc Ba Na và Xê Đăng - hai tộc người chính tại tỉnh này. Nhóm tác phẩm này, mang tên gọi chung là Đăm Diông, phần lớn đạt đến độ liên kết cao về nội dung, nhân vật và hình thức diễn xướng.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Đăm Diông có thể là hiện tượng về sử thi ở vùng đất Bắc Tây Nguyên. Tỉnh Kon Tum đang dịch tác phẩm này sang tiếng Việt để Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn xuất bản vào cuối năm nay.
Một trong những trở ngại cơ bản trong việc xác định các tác phẩm hiện nay chính là có rất ít nghệ nhân có khả năng văn bản hóa và biên dịch các tác phẩm sang tiếng Việt. Hiện nay, phương pháp duy nhất mà các nhà khoa học áp dụng để giải quyết khó khăn này là đào tạo cán bộ chuyên môn là người các dân tộc thiểu số.
(Theo TTXVN) |