197 năm VN đuổi kịp Singapore chỉ là cảnh báo?
“…Nhận định của ông Il Houng Lee khiến không ít người bị “hẫng”, bất ngờ, có người còn coi đó như “phát kiến” lạ. Với tôi, đó là chuyện bình thường. Nên xem đó là cách nói vắn tắt của một chuyên gia kinh tế để nhấn mạnh nguy cơ thụt hậu xa về kinh tế, để cảnh báo cho những ai thích tự ru ngủ trên những thành quả còn khiêm tốn của chúng ta.
Theo đánh giá năm 2006 của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ công nghiệp chế tác trong xuất khẩu của VN là 50%, số tương ứng của Thái Lan là 75%, Singapore là 85%; xuất khẩu hàng công nghệ cao của VN là 2%, của Thái Lan là 30% và của Singapore là 59%. |
Sau khi đưa ý kiến nhận định của ông Il Houng Lee - Trưởng đại diện IMF tại Hà Nội: “197 năm nữa Việt Nam (VN) mới đuổi kip Singapore”, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế VN bàn luận về những so sánh này
Theo GS Thái, thay vì hoảng hốt, sợ hãi, chỉ nên xem nhận xét của Trưởng đại diện IMF tại VN là một lời cảnh báo.
“…Nhận định của ông Il Houng Lee khiến không ít người bị “hẫng”, bất ngờ, có người còn coi đó như “phát kiến” lạ. Với tôi, đó là chuyện bình thường. Nên xem đó là cách nói vắn tắt của một chuyên gia kinh tế để nhấn mạnh nguy cơ thụt hậu xa về kinh tế, để cảnh báo cho những ai thích tự ru ngủ trên những thành quả còn khiêm tốn của chúng ta.
Tôi thấy trước hết nên hoan nghênh một chuyên gia kinh tế nước ngoài, với tư cách là người bạn của VN đã đưa ra “con tính nhẩm” thật giản dị, cốt để cảnh báo chúng ta nên có thái độ bình tĩnh, khách quan để nhìn nhận sự tụt hậu của VN mà thôi.
Khi nói về sự phát triển của một quốc gia, người ta có thể dùng nhiều tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể để mô tả thực trạng, động thái phát triển. Bên cạnh tự so sánh với chính mình, phải so sánh quốc tế.
Các nhà kinh tế thường so sánh trước hết ở chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hay tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người, được tính theo cả tỷ giá hối đoái chính thức (thường là với USD) và theo sức mua tương đương.
Cách nói hình tượng của ông Lee chính là dùng kiểu so sánh VN với Singapore (giả thiết chủ yếu: giữ tốc độ tăng trưởng như hiện nay). Đó là cách làm đúng, song mọi so sánh đều khập khiễng nên so sánh này được xem như một hình tượng để thấy khoảng cách phát triển còn xa lắm, không nên chủ quan.
Hơn thế, ông Lee còn muốn nhắc nhỏ đến vấn đề tiết kiệm để đảm bảo sự phát triển liên tục trong tương lai. Với cách lập luận: nếu giữ nguyên lợi thế về tốc độ tăng thu nhập tính bình quân đầu người của VN (cao hơn 1,2%/năm so với Singapore như đã đạt được trong 10 năm qua), thì để qua khoảng cách phát triển 10 lần như hiện nay (tính theo sức mua tương đương, thu nhập bình quân năm 2004 của VN là 2700 USD/người, còn của Singapore là 2.6950 USD/người), phải cần tới 197 năm, thu nhập bình quân đầu người của VN mới đuổi kịp mức của Sigapore hiện tại.
Có lẽ đây là cảnh báo thôi, mục tiêu của VN khiêm tốn hơn. Nếu ai đó cho rằng, ví dụ so sánh VN với Singapore có khoảng cách xa xôi quá, thì ví dụ so sánh với Thái Lan cũng không kém phức tạp.
VN muốn “đuổi kịp” Thái Lan. Theo lập luận của ông Lee: Năm 2004, thu nhập bình quân của Thái Lan là 8.020 USD/người và của VN là 2.700 USD/người (vẫn tính theo sức mua tương đương).
Với tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của VN mấy năm gần đây là 6,4%/năm và Thái Lan là 5,4%/năm (độ “vượt trước” của VN ta chỉ là 1%/năm) để thu hẹp khoảng cách hiện nay giữa VN và Thái Lan và giữ nguyên tốc độ “vượt trước” như vừa qua, VN phải mất 70 năm mới đuổi kịp”.
Khi nói về thành tích của chúng ta thì không nên chỉ so sánh “ta” với “bản thân mình” trong chiều dài lịch sử, mà cần so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó là lời nhắn nhủ rất đáng trân trọng của ông Lee.
Vấn đề tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng bình quân đầu người cực kỳ quan trọng. Cần đẩy mạnh tiết kiệm để có mức đầu tư cao hơn, tạo tăng trưởng nhanh hơn.
Bên cạnh đó, điều tiết hợp lý tốc độ tăng dân số, VN sẽ có cơ hội rút ngắn nhanh khoảng cách phát triển so với các nước trên thế giới.
Liên quan đến phân tích của ông Lee, cũng cần nói thêm về huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước. Là một trung tâm tài chính quốc tế của khu vực, năm 2003, Singapore thu hút được 11,4 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn VN nếu kể cả lượng vốn ODA, FDI và các nguồn tài chính khác, chỉ thu hút được lượng vốn bằng nửa số này.
Chúng ta đồng tình với ông Lee, nếu phân tích kỹ thì khoảng cách phát triển còn thể hiện cả ở thu nhập tuyệt đối và nhiều chỉ tiêu chất lượng khác. Năm 1976 khi thống nhất đất nước, thu nhập bình quân của VN là 101 USD/người, của Thái Lan là 390 USD/người, chuẩn mức thu nhập thấp là 250 USD/người.
Năm 2004, VN có mức thu nhập bình quân theo giá thực tế là 550 USD/người, Thái Lan là 2540 USD/người; chuẩn mức thu nhập thấp là 825 USD/người.
Vậy, về chất lượng, VN vẫn chưa chuyển sang nhóm nước cùng mức thu nhập trung bình như Trung Quốc để “sánh vai” cùng Thái Lan, trong khi “khoảng cách tuyệt đối” sau gần 30 năm đã gia tăng từ 289 USD/người lên 1.990 USD/người, tức là “khoảng cách” tuyệt đối giữa VN và Thái Lan đã tăng lên 7 lần(!)
Theo đánh giá năm 2006 của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ công nghiệp chế tác trong xuất khẩu của VN là 50%, số tương ứng của Thái Lan là 75%, Singapore là 85%; xuất khẩu hàng công nghệ cao của VN là 2%, của Thái Lan là 30% và của Singapore là 59%.
VN cũng được đánh giá là có thành tích phát triển xã hội, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ vào loại khá trong vùng. Tuy nhiên, còn kém Thái Lan về nhiều chỉ tiêu phát triển xã hội: Năm 2003, chỉ số phát triển nguồn nhân lực của VN đứng thứ 108/177, còn Thái Lan là 73/177.
Về chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực của người nghèo, VN xếp 47/103 nước và Thái Lan là 28/103. Thậm chí chỉ tiêu tương ứng 2 nước năm 2003 về thoát nạn mù chữ của người lớn (trên 15 tuổi) là 90,3% và 92,6%…
Như vậy, khoảng cách phát triển còn là vấn đề phải lưu tâm, mặc dù những năm gần đây, khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển trên nhiều mặt đang tăng như tuổi thọ của người dân VN đã vượt Thái Lan.
Nhân dây, cũng cần nói thêm là vấn đề “đuổi kịp” có thể xem xét trên nhiều khía cạnh, dù chỉ về một chỉ tiêu tăng trưởng. Trước hết, dễ thấy sự chênh lệch khá lớn giữa cách tính tổng sản phẩm quốc dân (GNP) theo sức mua tương đương và theo tỷ giá hối đoái chính thức không phải là bất biến theo thời gian.
Chẳng hạn hiện nay độ lệch đó đối với VN là khoảng 5 lần. Cách tính theo đồng nội tệ và ngoại tệ cũng khác nhau. Chẳng hạn, năm 2005, kinh tế VN tính theo giá so sánh bằng VND, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 8,4%/năm).
Nếu tính GDP bằng đồng USD (theo tỷ giá chính thức) thì tăng trưởng lên đến 15%/năm (vì theo giá thực tế, GDP tăng đến 17%/năm và tỷ giá giữa VND và USD chỉ là 2%/năm.
Như vậy, thu nhập bình quân đầu người tính theo VND tăng khoảng 7% (do dân số tăng 1,33% và mức tiết kiệm tăng lên đôi chút). Còn tính theo đồng USD (giá thực tế) thì tăng trưởng đến trên 13,5%/năm.
Lúc này, VN có “độ lệch” khoảng 2 lần, trong khi điều này không xảy ra ở Singapore. Như vậy, mọi so sánh đều rất ước lệ. Phải thông cảm với ông Lee thôi.
Tôi mong muốn chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật. Khi thấy rõ những non kém của mình thì sẽ đủ sức vươn lên mạnh mẽ. Chúng ta có nhiều thời cơ để rút ngắn khoảng cách và lúc này thời cơ đang đến.
-
Nguyễn Quang Thái (Tiền phong)
Ý kiến của bạn?