Hãy tổ chức thi tuyển quan chức nhà nước
Theo GS Thọ: Thi tuyển quan chức để vừa chọn người ưu tú gánh vác việc nước, vừa tạo cơ hội bình đẳng tham gia việc nước cho tất cả mọi người có năng lực. (Ảnh minh hoạ) |
Một công ty hay một tổ chức muốn phát triển phải quy tụ được những người tài giỏi, đức độ, được những người chung quanh kính trọng. Đối với một đất nước, vai trò của quan chức còn quan trọng hơn rất nhiều. Tại những nước đã và đang trên đường phát triển, quan chức thường là thành phần ưu tú nhất trong xã hội đó. Vì phải thành công trong các kỳ thi tuyển nghiêm túc ở tầm quốc gia, họ được xã hội kính nể, tin tưởng giao trọng trách quốc gia và vì vậy ở họ lòng tự trọng và ý thức về sứ mệnh phát sinh một cách tự nhiên.
Với các đặc tính này, cùng với sự đãi ngộ xứng đáng, hợp lý, rất ít quan chức tại những nước này dám hy sinh thành quả học tập, rèn luyện nhiều năm của mình, hy sinh địa vị mà họ đã gian khổ mới có được, hy sinh uy tín xã hội mà nhiều người khác không dễ có được, để tham nhũng, đục khoét của công. Ngược lại, một người không có tài, chỉ do các quan hệ mà được cất nhắc thì dễ sa vào tham nhũng. Tệ hại nhất là hiện tượng mua quan, bán chức. Khi đã mua chức thì động cơ để các quan “thu hồi vốn” là đương nhiên.
Từ hơn 10 năm trước, tôi đã kiến nghị với các cấp lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam là phải tổ chức thi tuyển quan chức để vừa chọn người ưu tú gánh vác việc nước, vừa tạo cơ hội bình đẳng tham gia việc nước cho tất cả mọi người có năng lực. Điều này còn có tác dụng làm cho những bạn trẻ có hoài bão đem năng lực và tâm huyết tham gia việc nước cố gắng học tập hơn. Rất tiếc là cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được đặt ra một cách nghiêm túc.
Tham khảo từ nước Nhật
Nhật, một nước có đội ngũ quan chức được thế giới đánh giá là rất ưu tú, đã tuyển quan chức như thế nào?
Hàng năm Viện Nhân sự, một cơ quan nhà nước độc lập với các bộ, mở ba kỳ thi: kỳ thi tuyển chọn quan chức nhà nước loại I (cấp cao) và kỳ thi tuyển chọn công chức loại II và loại III. Những người trúng tuyển kỳ thi loại I sẽ được đào tạo để trở thành cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan trung ương trong tương lai. Những người trúng tuyển loại II và III hầu hết là những người làm việc chuyên môn như kế toán, soạn thảo văn thư...
Như vậy, tất cả các loại quan chức và công chức đều phải qua thi tuyển, phải được chứng minh về năng lực chuyên môn và trình độ văn hóa. Ba loại quan chức và công chức này chủ yếu làm việc ở chính quyền trung ương nhưng trong quá trình đào tạo nghiệp vụ cũng được cử về làm việc tại các địa phương. Chính quyền địa phương cũng mở kỳ thi hàng năm để tuyển chọn quan chức, công chức cho địa phương mình.
Nói thêm về kỳ thi tuyển loại I. Nhật mở kỳ thi này vào tháng 6 mỗi năm, chủ yếu sinh viên năm thứ tư ở các đại học được dự thi. Nhật tuyển mỗi năm trên 1.000 cán bộ loại này nhưng số người dự thi thường gấp 50 lần. Trên thực tế mức độ cạnh tranh gay gắt hơn vì người dự thi đều là những sinh viên rất ưu tú đã thi đậu vào những đại học hàng đầu của Nhật và phải là những sinh viên xuất sắc mới tham dự kỳ thi này.
Sau khi đỗ kỳ thi tuyển loại I, các quan chức tương lai được chọn nơi làm việc, nhưng có một số bộ số ứng viên quá đông và thế là họ phải dự thi một lần nữa. Điểm đặc biệt đáng để ý ở đây là các bộ chỉ có thể tuyển chọn quan chức cho bộ mình trong số những người trúng tuyển kỳ thi loại I chứ không có quyền mở kỳ thi riêng ở giai đoạn đầu. Cách làm này tăng tính khách quan trong việc tuyển chọn quan chức nhà nước.
Sau khi được tuyển vào các bộ, các quan chức mới được sắp xếp vào một chương trình đào tạo bài bản gồm hai phần: Phần đào tạo qua kinh nghiệm làm việc tại nhiều cơ sở khác nhau trong bộ (có trường hợp được gửi sang một số cơ sở ngoài bộ để hiểu rõ các công việc có liên quan đến bộ mình). Một phần nữa là các lớp huấn luyện, bồi dưỡng ở nhiều cấp khác nhau. Mỗi bộ có chính sách, chương trình huấn luyện, bồi dưỡng định kỳ hàng năm cho các quan chức trẻ mới vào bộ 3-4 năm trở xuống. Mỗi năm có nhiều khóa và mỗi khóa kéo dài 4-5 tuần nhằm mục đích cập nhật các kiến thức về hành chính, pháp luật, về tình hình kinh tế, chính trị... của Nhật và thế giới.
Đối chiếu với Việt Nam
Tình trạng chung của quan chức ở nước ta, mọi người đã thấy. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người dân dùng từ “quan trí” để diễn tả một thực tế khiến nhiều người bất mãn. Người ta nhắc đến từ này khi thấy một chính sách, một dự thảo luật được đưa ra đã bị người dân chỉ ra những mâu thuẫn, những bất hợp lý, thiếu tính khả thi... của nội dung các điều khoản; hoặc khi thấy sự xử lý kém cỏi của một số quan chức đối với những sự cố gây ảnh hưởng lớn trong đời sống dân chúng.
Đó là nói về năng lực. Còn về tinh thần trách nhiệm, về đạo đức thì nhìn chung, số quan chức được xã hội tôn trọng còn quá ít. Đặc biệt gần đây khi những sự kiện liên quan đến tham nhũng, lạm dụng của công được phanh phui thì người dân lại bàng hoàng chứng kiến những ông quan bất tài, thiếu nhân cách, thiếu văn hóa, và không hiểu cơ chế nào đã đưa những người đó vào cương vị lãnh đạo.
Các đề nghị
Để kết thúc bài viết này, tôi xin nhắc lại những đề nghị của tôi đã từng đưa ra trong nhiều năm qua:
Thứ nhất, chọn một ngày trong năm làm ngày thi tuyển người tài giỏi ra làm việc nước. Các bộ, các cơ quan nhà nước khi cần người phải chọn trong số những người đã trúng tuyển kỳ thi này. Chính quyền địa phương cũng phải mở các kỳ thi để chọn người làm việc.
Thứ hai, bãi bỏ hệ đào tạo tại chức cấp bằng cho các quan chức nhằm “tiêu chuẩn hóa cán bộ”. Đào tạo tại chức phải được xem là biện pháp nhất thời, đối phó với tình huống của những năm sau khi kết thúc chiến tranh. Đáng lẽ chính sách này phải được bãi bỏ từ khoảng năm 1985 hay 1990. Thay vào đó cần tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, định kỳ, cho những quan chức đã được tuyển chọn qua kỳ thi nói ở trên.
Thứ ba, bãi bỏ ngay chính sách cấp kinh phí và tạo điều kiện cho quan chức đi học lấy bằng tiến sĩ. Không xem văn bằng này là tiêu chuẩn để đề bạt cán bộ. Chính sách này chẳng những không có ích gì cho việc quản lý, điều hành đất nước, mà còn gây tác hại to lớn đối với giáo dục sau đại học ở Việt Nam.
Thứ tư, cần xác lập ngay chế độ đãi ngộ xứng đáng cho quan chức để họ không bận tâm về cuộc sống, để có thể dồn hết tâm trí cho việc quản lý đất nước.
Phải tổ chức thi tuyển quan chức để vừa chọn người ưu tú gánh vác việc nước, vừa tạo cơ hội bình đẳng tham gia việc nước cho tất cả mọi người có năng lực.
-
Trần Văn Thọ-Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo
(Theo Thời báo KTSG)