''Hoà mạng'' sân bay Chu Lai
15:47' 08/03/2002 (GMT+7)

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang tiến dần đến vị trí một hãng lớn trong khu vực, với đội máy bay 37-40 chiếc vào năm 2005, lần đầu tiên sở hữu đến 20 chiếc. Sự lớn mạnh này cho phép Vietnam Airlines bay đến nhiều nơi trên thế giới và ''phủ kín'' các đường bay trong nước, trong đó có Chu Lai. Ông Nguyễn Xuân Hiển, một trong những người ủng hộ việc nhanh chóng khôi phục và sử dụng sân bay này, đã có cuộc trao đổi với báo giới.

- Thưa ông, 27 năm qua, gần như sân bay Chu Lai không được sử dụng, đó có phải là sự lãng phí?

- Thực tế, sân bay Chu Lai cũng đã được khảo sát nhiều lần, khi xây dựng, người Mỹ dự kiến biến Chu Lai thành một căn cứ quân sự lớn, với 2 đường băng, đường lăn, sân đỗ... Nhưng tại sao ta không sử dụng? Vì thực tế, thời kỳ đó ta cũng chưa có nhu cầu, và chưa có khả năng triển khai cùng lúc ở khu vực ấy cả 2 sân bay, Chu Lai và Đà Nẵng.

- Vậy theo ông, thời kỳ này, Chu Lai đã có thể bay?

- Vấn đề của Chu Lai là ngay bây giờ, nếu ta bỏ một khoản tiền để khôi phục thì khoản tiền đó cũng không phải nhỏ, nhưng càng để thêm, sân bay càng xuống cấp, kinh phí khôi phục càng tốn kém thêm. Bay bây giờ, ít ra mình cũng có được một lực lượng chăm lo duy tu, bảo dưỡng và tổ chức dần các hoạt động bay, dịch vụ bay.

- Còn xét ÿ nghĩa kinh tế, Chu Lai cũng chỉ chia khách với Đà Nẵng?

- Đúng là chỉ chia khách với Đà Nẵng. Nhưng sớm hay muộn, vẫn phải tổ chức một mạng vận chuyển nội địa ổn định, vẫn phải hoà Chu Lai vào mạng các sân bay trong nước.

- Theo ông, Chu Lai sẽ chỉ là một sân bay trong nước?

- Kinh nghiệm của các nước cho thấy, người ta không bao giờ ồ ạt mở các sân bay quốc tế. Làm như thế sẽ bóp chết vận chuyển nội địa, không chỉ vận chuyển hàng không mà còn cả đường sắt, đường bộ. Khu vực miền Trung hiện có 3 sân bay: Phú Bài (Huế), Đà Nẵng và Chu Lai, nếu mở cả 3 thành sân bay quốc tế, thì đúng là chia khách thật, thế nhưng để bay nội địa thì rất thuận lợi.

- Như vậy, theo ông, Đà Nẵng luôn là sân bay trung tâm của miền Trung?

- Theo tôi, vẫn nên để Đà Nẵng là một cảng hàng không quốc tế hoàn chỉnh cho cả hành khách, hàng hoá. Chu Lai nên khai thác như một sân bay trong nước về mặt hành khách và như một sân bay quốc tế về mặt trung chuyển hàng hoá. Chu Lai đáp ứng được điều đó, nhất là khi Quảng Ngãi có Dung Quất và Quảng Nam có khu kinh tế mở Chu Lai. Còn Huế chỉ nên khai thác các chuyến bay quốc tế dưới dạng du lịch. Điều mà tôi đặc biệt quan tâm ở miền Trung là nên khai thác hàng không dân dụng Cam Ranh khi người Nga chuyển giao căn cứ này lại cho ta.

- Ông quan tâm tới Cam Ranh hơn?

- Cam Ranh chỉ cách Nha Trang 50-60 km, đường biển cũng gần. Nha Trang là một khu du lịch nổi tiếng và có sức hấp dẫn tốt. Các chuyến bay của chúng tôi luôn luôn đông khách. Nhưng sân bay Nha Trang vốn chỉ là một sân bay dùng để huấn luyện các loại máy bay sơ cấp, địa hình xung quanh rất khó khăn, bay đêm không được, kéo dài đường băng không được. Sử dụng sân bay Cam Ranh cho khu vực này là rất tốt.

- Nhưng thưa ông, Cam Ranh là một căn cứ quân sự có vị trí đặc biệt quan trọng trong khu vực. Ông nghĩ rằng, việc khai thác Cam Ranh như một sân bay dân dụng là điều có thể thực hiện được?

- Thứ nhất, gần đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta tuyên bố rằng, Việt Nam không có ÿ định giao Cam Ranh cho một nước nào khác thuê và chú trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế. Thứ hai, khai thác dân dụng không có nghĩ là không còn khả năng phục vụ quân sự. Những gì có lợi cho quân sự, theo tôi, vẫn nên duy trì. Trên thực tế, tất cả các sân bay hiện nay, quân sự vẫn đang dùng chung với dân sự.

- Ÿ tưởng này của ông có nhận được sự ủng hộ của những người có vai trò quyết định?

- Đã có nhiều nơi lên tiếng, như Cục Hàng không, Bộ Quốc phòng, một số nơi khác tôi cũng nhận được những thông tin ủng hộ dù chưa chính thức. Theo tôi, nếu báo cáo lên, đến một lúc nào đó, Chính phủ cũng sẽ chấp nhận.

- Về hệ thống đường bay nội địa, sau Chu Lai, Cam Ranh, ông chú ÿ tới những điểm nào?

- Hai nơi mà tôi hết sức quan tâm là Cà Mau và Côn Đảo. Ngày xưa, tôi đã từng lái AN 26 và một số loại máy bay của Mỹ, đáp xuống sân Cỏ Ống (Côn Đảo). AN 26 đáp được thì ATR 72 cũng đáp được. Nếu bây giờ mà khôi phục sân bay Cỏ Ống, nó sẽ phục vụ rất tốt cho hòn đảo này, giống như nó đã làm tốt ở Phú Quốc. Sân bay Cà Mau, chúng tôi cũng đã khảo sát và thấy có thể khai thác được, nhưng rất tiếc là mặc dù sân bay đã được sửa chữa, nhưng chưa thể bay được vì vẫn còn hai cột ăng-ten nằm trong khu vực tĩnh không.

(Theo TBKTSG)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi