Trong cuộc tọa đàm của Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA), ông Trương Gia Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đầu tư công nghệ (FPT), Chủ tịch VINASA, nhấn mạnh, sự thành công của Hiệp hội phụ thuộc vào các yếu tố: phát triển số lượng thành viên, lập trình viên, doanh số và chất lượng sản phẩm. Với Chính phủ, ông đề xuất ''đổi đất lấy hạ tầng kinh tế số''.
Nghĩa là, địa phương sẽ giao đất cho DN phần mềm, đổi lại việc được phổ cập Inernet, đào tạo về hệ thống tin học, điện tử hoá cơ sở vật chất... Ông Bình cũng tuyên bố, mục tiêu của Hiệp hội là giảm tỷ lệ bản quyền bị vi phạm ở Việt Nam từ 97% hiện nay xuống 80%, tìm mô hình phát triển riêng, sáng tạo, đặc thù cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam, gắn sự phát triển của công nghệ viễn thông - thông tin với công nghiệp...
GS-TS Chu Hảo, Thứ trưởng Bộ KHCN-MT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chương trình công nghệ thông tin (CNTT) quốc gia - cho rằng, điều ông quan tâm nhất là ÿ kiến xem Nhật Bản là ''mũi đột phá xuất khẩu của phần mềm Việt Nam, bởi giữa hai nước có sự tương đồng về văn hoá, về mối quan hệ Việt - Nhật đang phát triển tốt đẹp''.
Ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Công nghệ mạng Việt Nam - Nhật Bản, bức xúc: ''Chúng tôi là DN dân doanh, không có đất nên gặp khó khăn về vốn. Năm qua, để đào tạo được 40 kỹ sư, chúng tôi phải chi hơn 500 triệu đồng, nếu đào tạo trong vài năm thì chi phí lên đến tiền tỷ. Chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ về kinh phí và thủ tục cho lập trình viên đi tu nghiệp ở nước ngoài... ''.
Về các kiến nghị của Hiệp hội, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết, có những vấn đề Chính phủ đã hoặc đang xử lÿ, có những vấn đề sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, Hiệp hội phải cụ thể hoá kiến nghị, ví dụ: nêu rõ cần áp dụng chính sách nào, cơ chế gì để kích cầu sản phẩm CNTT. ''Chính phủ rất cần những ÿ kiến cụ thể từ phía người làm phần mềm'', ông Khiêm nhấn mạnh. Phó Thủ tướng còn đề xuất việc tổ chức đào tạo liên thông (đào tạo văn bằng hai, chuyên ngành tin học trong thời gian 2-2,5 năm cho cử nhân ngoại ngữ, kinh tế... ).
VINASA thống nhất đề nghị Chính phủ 5 điểm:
- Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng phần mềm bằng cách dành 50% ngân sách CNTT của Nhà nước cho việc ứng dụng phần mềm và hoàn tối đa 15% thuế lợi tức cho DN đầu tư ứng dụng phần mềm.
- Hàng năm dẫn đầu đoàn DN phần mềm đi mở thị trường quốc tế quan trọng, như Nhật Bản, Mỹ, EU... Ưu tiên ODA và viện trợ ưu đãi của nước ngoài cho việc phát triển phần mềm Việt Nam.
- Đảm bảo tính cạnh tranh của Internet Việt Nam về chất lượng và giá cả, đặc biệt là giảm giá cước Internet bằng mức trung bình trong khu vực.
- Duy trì số sinh viên CNTT tăng trưởng 60%/năm từ nay đến 2010 và đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có trình độ tiếng Anh tương đương 500 điểm hệ TOEFL.
- Phổ cập tin học trong hệ thống trường phổ thông, đầu tư xây dựng các khu vườn ươm, đào tạo phát triển phần mềm ở các địa phương. |
(Theo Thanh Niên)