Ấn Độ: Pakistan đứng sau vụ thảm sát Kashmir
06:56' 15/07/2002 (GMT+7)
Nỗi đau của thân nhân những nạn nhân
vụ thảm sát tại Kashmir ngày 13/7

Bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt lại hầm hập che phủ bầu trời Nam Á khi Ấn Độ lên tiếng đổ lỗi cho Pakistan có liên quan tới vụ thảm sát diễn ra tại Kashmir ngày 13/7 khiến 27 người Hindu thiệt mạng. Tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy quân đội Ấn Độ dàn quân chuẩn bị cho một chiến dịch trả thù như thường lệ.

”Rõ ràng vụ này diễn ra có sự giật dây của Pakistan. Đó là một vụ tấn công khủng khiếp,” Ngoại trưởng Ấn Độ Yashwant Sinha phát biểu với báo chí trước khi tham dự phiên họp nội các đột xuất hôm qua (14/7).

Còn Thứ trưởng Nội vụ I.D. Swamy lại khẳng định: “Chính Pakistan đã trợ giúp vũ khí, hậu thuẫn chúng (khủng bố) và giúp chúng thâm nhập sang Ấn Độ. Bầu cử sắp diễn ra ở Jammu - Kashmir và các chiến binh Hồi giáo đang cố gắng tạo ra thật nhiều tội ác”.

Chính phủ Ấn Độ cho hay họ sẽ công khai phản ứng của mình tại phiên họp quốc hội diễn ra ngày hôm nay.

Tại khu nhà ổ chuột thuộc ngoại vi Jammu, thủ đô mùa đông của bang Jammu – Kashmir, nơi vụ thảm sát xảy ra, hàng ngàn người theo đạo Ấn giáo đang khóc than cho con em của họ, đồng thời thể hiện lòng căm thù và tức tối đối với chính phủ Pakistan và Ấn Độ.

Thông báo mới nhất cho thấy nhóm tấn công có 8 người, bị tình nghi là các chiến binh Hồi giáo vũ trang. Chúng tràn vào khu nhà ổ chuột, tung ra 3 hoặc 4 quả lựu đạn rồi nổ súng vào đám thường dân. Những kẻ tấn công rút lui an toàn sau khi giao chiến với lực lượng an ninh Ấn Độ. Tổng cộng có 27 dân thường thiệt mạng, trong đó có 13 phụ nữ và một trẻ em. Ngoài ra, hiện 10 người khác đang trong cơn nguy kịch.

Cho đến nay, vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm đối với vụ tấn công này.  

Về phần mình, Chính phủ Pakistan lên án vụ tấn công giết hại dân thường và bác bỏ cáo buộc rằng nước này cung cấp vũ khí cho quân phiến loạn. Trong một thông cáo phát đi ngày hôm qua, Pakistan khẳng định “động cơ của vụ tấn công có thể là để tiếp tục duy trì tình hình căng thẳng ở khu vực”.

Tranh chấp lãnh thổ là cội nguồn của tình trạng căng thẳng, đối đầu giữa 2 quốc gia láng giềng Nam Á. Cả 2 đều khẳng định chủ quyền đối với Kashmir và điều này đã dẫn đến 2 trong 3 cuộc chiến trong lịch sử 2 nước kể từ khi giành độc lập năm 1947.

Trong suốt thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, một thập kỷ của tranh chấp, xung đột triền miên, 60.000 dân thường của Ấn Độ và Pakistan đã thiệt mạng.

(Tiến Dũng – Theo AP, BBC)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi