Thoả thuận an ninh ''lu mờ'' khi Israel tiến vào Gaza
16:41' 28/08/2002 (GMT+7)
Xe tăng Israel tại thị trấn Nablus
Bộ binh và hải quân Israel đã đổ bộ xuống khu vực bờ biển thuộc Thành phố Gaza sáng sớm nay (28/8). Thoả thuận an ninh vừa đạt được giữa Israel và Palestine có nguy cơ bị phá vỡ. 

Những người làm chứng Palestine cho hay, lần đầu tiên trong vòng 23 tháng nay, 11 xe tăng, xe bọc thép Israel đã tiến vào khu làng Sheikh Iljeen, Dải Gaza. Các tay súng Palestine đã ''dàn trận'' ở ngoại vi thành phố sẵn sàng ''đón tiếp'' binh lính chính quyền Tel Aviv. Hiện chưa có thông tin cụ thể về con số tổn thất. 

Theo nguồn tin quốc phòng Israel, hầu hết súng đạn mà các ''phần tử khủng bố'' sử dụng tấn công Israel đều được vận chuyển bằng đường biển. Vụ đổ bộ vào Thành phố Gaza được thực hiện sau một ngày Tel Aviv ra thông báo sẽ nới lỏng việc hạn chế những người Palestine ở thành phố Bethlehem tới Israel. Cách đó vài giờ, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Binyamin Ben-Eliezer đã tiếp xúc với Bộ trưởng Nội vụ Palestine Razzak al-Yahya để thảo luận về ''những thoả thuận an ninh cuối cùng''. 

Ông Ben-Eliezer tỏ ra khá hài lòng về kế hoạch ''Gaza-Bethlehem''. ''Thoả thuận này là sự khởi đầu cho tiến trình đàm phán, mặc dù còn rất khó khăn'', Bộ trưởng Quốc phòng Israel nói. Palestine mong muốn, Tel Aviv sẽ rút quân khỏi các vùng đã chiếm đóng trong tháng 6 vừa qua. Kể từ tháng 9/2000 tới nay, ít nhất 1.510 người Palestine và 589 người Israel đã thiệt mạng trong các vụ xung đột ở Bờ Tây và Dải Gaza. 

Hôm qua (27/8), Chính quyền Tel Aviv thông báo cho phép Quốc hội Palestine triệu tập phiên họp đặc biệt để bàn thảo về bầu cử và những cách thức cải tổ chính trị. Hiện Israel vẫn tiếp tục áp dụng lệnh hạn chế đi lại trên lãnh thổ Palestine. 

Trong một cuộc họp cùng ngày, nội các Palestine khẳng định, Cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 1/2003, bất chấp sự chiếm đóng hiện nay của Israel ở Bờ Tây. Cuộc họp - dưới sự chủ trì của Chủ tịch Arafat - còn quyết định sẽ mời quan sát viên nước ngoài, trong đó có các nhóm nhân quyền quốc tế và nghị sỹ của bên ngoài tham dự, để đảm bảo bầu cử được diễn ra một cách tự do và công bằng.

(Diệu Thuÿ - Theo Reuters, BBC)

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi