Mới đây, Văn phòng phái đoàn Ủy ban châu Âu đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn ở Hà Nội với tên gọi ''Phở - di sản của Việt Nam'' (Patrimoine du Việt Nam - le phở). Hội thảo đã làm sống lại hương vị phở gánh những năm đầu thế kỷ 20, và công bố một bản đồ những hiệu phở ngon hiện nay ở Hà Nội.
''Nếu bạn đến Hà Nội mà chưa ăn phở thì coi như bạn chưa biết Hà Nội. Tôi yêu phở theo cách của tôi. Đó là một trong những lÿ do níu chân tôi tại Việt Nam 14 năm qua...''. Đó là tâm sự của ông Didier Corlou - bếp trưởng Khách sạn Sofitel Metropole.
Mong ước nung nấu tổ chức một hội thảo về phở hơn một năm qua của Didier Corlou cùng nhiều người Pháp yêu phở đã '''lôi kéo''' được Đại sứ Frederic Baron - Đại sứ phái đoàn Ủy ban châu Âu (EU) - nhập cuộc. Văn phòng phái đoàn Ủy ban châu Âu đã đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo lớn, tên gọi trang trọng: ''Patrimoine du VN: le phở'' (tạm dịch: Phở - di sản của Việt Nam) với sự tham dự của nhiều nhà văn hóa, nhà thơ, nhà nghiên cứu ẩm thực Việt Nam.
Món ăn truyền thống, quen thuộc hằng ngày của người Việt Nam có mặt ở khắp các đường phố, ngõ ngách bỗng một ngày bước chân vào Khách sạn Metropole trong sự tôn vinh của những người nước ngoài. Cuộc hội thảo ấy không chỉ nói về phở mà còn tưởng tượng lại món ngon mà người Việt Nam vẫn dùng hằng ngày. Một gánh phở được phục chế lại theo hình dáng gánh phở đầu thế kỷ 20 được Didier Corlou cùng các đầu bếp dựng lại, và họ nấu hai gánh phở theo đúng những tiêu chuẩn về nước dùng trong, thịt bò chín, bánh thái tay, không mì chính... mà Nguyễn Tuân, Thạch Lam xưa thường nhắc đến, rồi bê tận tay mời thực khách tham dự. ''Ăn phở là cả một nghệ thuật...Ta ăn hết bát phở ngon lành, trả tiền và lấy một chiếc tăm rồi sang ngồi ở quán bên cạnh để uống một chén trà xanh hoặc cà-phê. Và như thế một ngày mới được bắt đầu''.
Thôi! Chuyện phở không còn là chuyện ăn uống nữa rồi. Ông sành ăn và nấu ăn ngon như Corlou cho chuyện ăn phở là ''bắt đầu một ngày mới''. Nhà báo Frank Renaud thì: ''Tôi tìm khắp tài liệu ở Viện Viễn đông Bác cổ mà không tìm ra nguồn gốc của phở''. Nhà văn Alain Guillemin thì viết hẳn một truyện ngắn: Sự tích phở Việt Nam được nhà văn Ngô Tự Lập dịch. Câu chuyện phở hấp dẫn và... ngon lành như chuyện tình của ông ngoại Guillemin - một hạ sĩ quan người Pháp sống ở Sài Gòn những năm 1910 với nàng Thi Ba xinh đẹp - hai nhân vật trong sự tích về phở. Guillemin sau khi lấy được một số nước mắt của người đọc về sự tích - chuyện tình phở, lại cho rằng: ''Chẳng biết đó là chuyện thật hay chuyện bịa?... Cùng với trống đồng, đàn bầu và Truyện Kiều, không nghi ngờ gì nữa, đó là một trong nhưng đóng góp chủ yếu của Việt Nam vào văn minh nhân loại. Đến mức việc bàn luận về giá trị của những loại phở khác nhau trở nên một lối thử bút mà những nhà văn lớn của Việt Nam thể hiện với sự khoái trá chẳng kém gì khi bình câu thơ hay''.
|
Bếp trưởng Didier Corlou, người có sáng kiến tổ chức hội thảo về phở |
Ông Nguyễn Đình Rao - Chủ tịch CLB ẩm thực UNESCO Việt Nam - đã mất công đi tìm nguồn gốc của những gánh phở cổ. Rằng phở xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, ra đời cùng với sự xuất hiện Nhà máy Dệt Nam Định - lớn nhất Đông Dương hồi đó. Các thị dân trẻ thành phố dệt sáng tạo ra phở để thay thế các loại cháo, bún dân dã. Nó thêm thịt bò để phục vụ một số thực khách người Pháp ở nhà máy dệt cho hợp khẩu vị hơn. Chưa có bằng chứng nào về lai lịch thứ phở mà ông Rao kể, ông chỉ dám nhận rằng đó là ''sưu tầm điền dã''. Dù có tìm ra nguồn gốc của phở hay không thì phở vẫn cứ là phở - niềm tự hào của người Việt Nam.
Những người ăn phở hằng ngày đã tự hào và nghĩ ngợi chưa? Rằng ngày ngày chúng ta ăn bát phở cùng lắm chỉ nói ngon hay dở, đã mấy người nghĩ đến chuyện tôn vinh và quảng bá một nét văn hóa dân tộc như cách mà Đại sứ Baron, bếp trưởng Corlou hay nhà báo Renaud hoặc nhà văn Guillemin mà ta chưa biết mặt đã làm. Một bản đồ các hàng phở ngon ở Hà Nội đã được Corlou và các cộng sự ở phái đoàn châu Âu phát đến tay nhiều người nước ngoài. Đầu năm 2003, cuốn sách song ngữ Pháp - Việt về phở sẽ được EU phát hành. Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam thì muốn đề nghị UNESCO công nhận phở là văn hóa phi vật thể Việt Nam.
|
Mô phỏng phở gánh những năm đầu thế kỷ 20 |
Nói như thế nhưng cũng không nên nghĩ ngợi nhiều để ăn phở mất ngon. Bạn có thể cảm nhận và yêu phở theo kiểu của riêng bạn một cách bình dị nhất, sâu sắc nhất. Cách của ông Corlou là: ''Nếu bạn đến Hà Nội mà chưa ăn phở thì coi như bạn chưa biết Hà Nội. Tôi yêu phở theo cách của tôi. Đó là một trong những lÿ do níu chân tôi lại Việt Nam 14 năm qua. Hằng ngày tôi ăn phở ở gần phố Cửa Bắc vì đó là quán phở đầu tiên tôi và vợ tôi quen nhau. Có thể với bạn phở ở đó không ngon, nhưng với tôi thì có''.
Phở ơi! Với chừng ấy tình yêu, kỷ niệm và... gia vị đã đủ độ đậm đà chưa?
(Theo Tuổi Trẻ) |