(VEF) - Mặc dù tăng 10 bậc xếp hạng môi trường kinh doanh nhưng Việt Nam “chưa nên ăn mừng ngay”, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) nói chiều 8/11.
Chưa thể “ăn mừng” vì tăng 10 bậc xếp hạng
Chiều 8/11, những phân tích và lý giải của ông Janamitra Devan, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và công ty Tài chính quốc tế (IFC) về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cho thấy, vị trí 78 của Việt Nam trên tổng số 183 nền kinh tế trên toàn thế giới vẫn là thứ hạng thấp, dù tăng bậc nhưng không nên ăn mừng vội.
Chủ trì cuộc hội thảo về kết quả bảng xếp hạng môi trường kinh doanh này còn có ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của WB.
Ông Janamitra Devan bày tỏ, “bảng xếp hạng là mang tính tương đối. Có thể, các quốc gia khác kém đi nên năm nay đã bị tụt thứ hạng so với trước”.
Theo WB, các quốc gia được “chấm điểm” theo 9 lĩnh vực. Như tại cuộc thảo luận cuối tuần trước, Việt Nam tăng điểm tốt tập trung 3 lĩnh vực: thành lập doanh nghiệp, chi phí xây dựng và thông tin tín dụng. Điều này cũng đồng nghĩa, còn tới 6 lĩnh vực mà Việt Nam cần phải điều chỉnh, xem xét lại.
"Một lĩnh vực quan trọng là “bảo vệ nhà đầu tư”, Việt Nam vẫn nằm trong TOP 10 nước đứng cuối cùng, đứng thứ 173", ông Janamitra Devan nhấn mạnh.
Xếp hạng môi trường kinh doanh chỉ là tương đối (ảnh: Phạm Huyền)
Đặc biệt, Việt Nam là một trong 2 nước bị điểm 0 cho chỉ số trách nhiệm giải trình của Giám đốc và thành viên HĐQT đối với các cổ đông. Mức độ thuận lợi để các cổ đông trong công ty có thể khởi kiện chỉ được 2/10 điểm và mức độ bảo vệ nhà đầu tư chỉ đạt 2,7/10 điểm.
Ông Janamitra phân tích, với chỉ số về nộp thuế, Việt Nam chỉ đứng 124/183 quốc gia, nghĩa là thua xa so với rất nhiều nước khác trên thế giới.
Bởi lẽ, quá trình nộp thuế của Việt Nam vẫn đang phức tạp, rất tốn thời gian. Theo tính toán của WB, trung bình một năm, mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải đi nộp thuế tới 32 lần, ngốn mất 941 giờ đồng hồ.
Do đó, theo ông, chưa nên hài lòng vội và Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa ở cả ở 9 lĩnh vực, ví dụ như đăng ký thành lập qua mạng, chuẩn xác thông tin khi vay vốn tín dụng…
Hành động thực tế quan trọng hơn vị trí thứ hạng
Tuy nhiên, TS. Ngô Hải Phan, Tổ phó chuyên trách thực thi Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính cho rằng, báo cáo môi trường kinh doanh 2011 của WB và IFC chỉ tính đến tháng 5/2010. Trong khi đó, có nhiều cải cách của Việt Nam sau thời điểm này rất đáng ghi nhận.
Ví dụ, việc giảm tần suất kê khai thuế từ 1 tháng một lần xuống một quý một lần. Thời hạn của giấy phép xây dựng là 12 tháng nay đã bỏ đi thì việc thực hiện sẽ giúp giảm nhiều hơn thủ tục.
“Nếu tính vào đây thì điểm chỉ số của Việt Nam sẽ tăng lên hơn nữa”, ông Phan nói.
Về điều này, Phó Chủ tịch WB/IFC lại cho rằng, bản thân thứ hạng không quan trọng bằng việc tiếp cận tổng thể môi trường kinh doanh. Báo cáo của WB chỉ nêu được một số khía cạnh nhất định trong khi, còn có hàng trăm thứ cần xem xét để làm tốt lên môi trường kinh doanh.
Ví dụ như sự minh bạch và vấn đề quản trị làm sao để doanh nghiệp sẽ làm ăn tốt hơn và hạn chế được tham nhũng.
Nói rộng hơn, ông Devan cho rằng, một lĩnh vực khác cần tập trung là cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam. Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp này phải đẩy nhanh hơn. Việt Nam có thể học hỏi nhũng bài học kinh nghiệm, cả xấu cả tốt từ các nước xung quanh.
Đồng thời, môi trường chính sách kinh doanh của Việt Nam làm sao để nâng vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả doanh nghiệp vi mô, vì tăng trưởng kinh tế hiện nay đâu chỉ dựa vào mấy doanh nghiệp nhà nước lớn.
Theo ước tính, Việt Nam cần 10 tỷ USD dòng mỗi năm dành cho cơ sở hạ tầng. Muốn vậy, Việt Nam cần sự tham gia của khu vực tư nhân chứ không thể trông chờ vào mỗi khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Vị Phó chủ tịch WB còn nhấn mạnh, báo cáo về cải thiện môi trường kinh doanh này mới đo lường kết quả do sự thay đổi chính sách, còn việc sẽ đem lại kết quả trong tương lại ra sao thì sẽ phụ thuộc vào việc thực thi, hành động cụ thể.
Luật là trên giấy tờ nhưng thực thi có đàng hoàng, đúng luật hay không lại là một vấn đề khác.
Tại đây, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, có tới hai luồng ý kiến khi đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam. WB và Diễn đàn kinh tế thế giới thì tăng bậc xếp hạng của Việt Nam, trong khi Fitch và Fobes lại hạ mức tín nhiệm của Việt Nam.
Vì thế, các nhà làm chính sách của Việt Nam nên thận trọng, bình tĩnh, nhìn nhận mọi vấn đề.